Thứ 4, 08/05/2024, 16:34[GMT+7]

Kỳ họp thứ ba Quốc hội khoá XIII - Kỳ họp nhiều đổi mới

Thứ 3, 03/07/2012 | 16:09:12
1,780 lượt xem
Kỳ họp thứ ba Quốc hội khoá XIII vừa kết thúc sau 25 ngày làm việc. Đáp ứng nguyện vọng của cử tri về thông tin kết quả của kỳ họp, những đổi mới của Quốc hội và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với đại biểu Phạm Xuân Thường - Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình. 

Phóng viên (PV): Thưa ông, xin ông thông tin một số kết quả của kỳ họp?

Đại biểu Phạm Xuân Thường: Sau 25 ngày làm việc khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao Quốc hội đã hoàn thành tốt khối lượng lớn công việc đề ra, trong đó có nhiều nội dung quan trọng được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

Kỳ họp này, Quốc hội dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng Luật, nghị quyết, trong đó đã xem xét, thông qua 13 dự án Luật, gồm: Luật Bảo hiểm tiền gửi; Luật Phòng, chống rửa tiền; Luật Giáo dục đại học; Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá; Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật giá; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Giám định tư pháp; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Quảng cáo; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Biển Việt Nam.

Quốc hội đã cho ý kiến về sáu dự án luật gồm: Luật Xuất bản; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Hợp tác xã; Luật Quản lý thuế; Luật Điện lực; Luật Luật sư. Kỳ họp này, Quốc hội cũng đã thông qua 7 nghị quyết quan trọng.

Quốc hội đã tiếp nhận 1.732 ý kiến kiến nghị của cử tri cả nước, trong đó tập trung vào một số vấn đề: tình hình phát triển KTXH, đời sống, việc làm của nhân dân; chênh lệch giàu nghèo; tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; cải cách thủ tục hành chính, tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo trước Quốc hội kết quả giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ hai, trong đó xem xét việc giải quyết 1.678 kiến nghị và hai vấn đề cử tri kiến nghị nhiều lần là việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách khác; việc giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của người dân tại các khu tái định cư. Báo cáo giám sát cũng đã chỉ rõ kết quả đạt được và những hạn chế trong việc giải quyết các kiến nghị của cử tri của cơ quan có thẩm quyền, đồng thời kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về tín dụng, ưu đãi, chính sách, pháp luật về bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là các nội dung giải quyết bức xúc về kinh tế - xã hội mà cử tri có nhiều kiến nghị.

PV: Việc tiếp thu, giải quyết kiến nghị của cử tri cả nước nói chung, cử tri Thái Bình nói riêng gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ ba kết quả thế nào, thưa ông?

Đại biểu Phạm Xuân Thường: Các cơ quan của Quốc hội đã tiếp thu, giải quyết 193/193 kiến nghị; Chính phủ, bộ ngành tiếp thu giải quyết 1.470/1476 kiến nghị. Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp thu, giải quyết 9/9 kiến nghị.

Đoàn ĐBQH Thái Bình đã tổng hợp ý kiến kiến nghị của cử tri Thái Bình, gửi đến Quốc hội, Chính phủ và đã nhận được 43  ý kiến trả lời bằng văn bản. Nhìn chung các ý kiến trả lời với tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng yêu cầu của cử tri. Có những ý kiến kiến nghị của cử tri Thái Bình cũng như nhiều cử tri trong cả nước được trả lời ngay tại kỳ họp như vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012; về một số cải tiến nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội; về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn… (Mời các bạn đón đọc các ý kiến kiến nghị của cử tri Thái Bình đã được Quốc hội giải đáp tại số báo sau).

Tuy nhiên, cũng có vài ý kiến đề nghị của cử tri Thái Bình còn chưa được xem xét giải quyết như: kiến nghị sửa đổi luật nghĩa vụ quân sự; đề nghị Bộ Lao động TB&XH và Bộ Y tế sớm thống nhất quy định lại tiêu chí mới công nhận nạn nhân chất độc da cam, trong đó danh mục bệnh, tránh bỏ sót đối tượng và mất công bằng xã hội; chính sách đối với chủ nhiệm HTX nông nghiệp thời kỳ bao cấp, nâng mức phụ cấp cho các đối tượng người có công; đề nghị cán bộ cấp thôn, tổ dân phố được hưởng phụ cấp cao hơn và lấy từ ngân sách Trung ương, tránh tình trạng các địa phương trả phụ cấp cho cán bộ cấp thôn có sự chênh lệch quá cao như hiện nay.

PV: Về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp? Đoàn ĐBQH Thái Bình tham gia hoạt động này thế nào?

Đại biểu Phạm Xuân Thường: Kỳ họp này, Quốc hội dành hai ngày rưỡi cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường. Có 175 chất vấn của 90 đại biểu Quốc hội ở 42 đoàn ĐBQH. Quốc hội đã quyết định 5 thành viên Chính phủ trả lời chất vấn trực tiếp tại Hội trường gồm: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Công an và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Trong quá trình trả lời chất vấn, một số bộ trưởng, trưởng ngành cũng được mời giải trình thêm một số nội dung liên quan đến bộ, ngành phụ trách. Sau khi các vị Bộ trưởng trả lời chất vấn trực tiếp, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề về điều hành thực hiện kế hoạch KTXH năm 2012 và trực tiếp trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội.

Đoàn ĐBQH Thái Bình đã gửi 6 nội dung chất vấn đến Chính phủ và các thành viên của Chính phủ gồm: Bộ trưởng Bộ Tài Chính, Bộ trưởng Bộ TN-MT và Bộ trưởng Bộ Công an, đã nhận được trả lời trực tiếp tại hội trường và trả lời bằng văn bản.

Nhìn chung hoạt động chất vấn tại kỳ họp bảo đảm chất lượng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đánh giá: chất vấn lựa chọn trúng vấn đề cử tri cả nước quan tâm. Không khí chất vấn và trả lời chất vấn thẳng thắn, có trách nhiệm, có tranh luận, đối thoại với tinh thần xây dựng cao. Các đại biểu hỏi gọn, rõ, đi thẳng vào vấn đề. Chủ tịch Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ, các bộ ngành tiếp tục triển khai hiệu quả các vấn đề đã hứa trước Quốc hội và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp thứ tư.

PV: Kỳ họp thứ ba được đánh giá có nhiều đổi mới, xin ông nói rõ về những đổi mới này?

Đại biểu Phạm Xuân Thường: Hoạt động giám sát của Quốc hội tiếp tục được cải tiến, có nhiều đổi mới về quy trình, thủ tục, do đó, chất lượng công tác giám sát được nâng lên rõ rệt. Điều này được đánh giá và thể hiện qua sự lựa chọn vấn đề giám sát ngày càng "trúng và đúng" với mong mỏi của cử tri và nhân dân cả nước.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp được cải tiến theo hướng tập trung vào nhóm vấn đề, hạn chế thời gian trả lời bằng văn bản, tăng thời gian đối thoại. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Theo đó, Nghị quyết quy định một số cải tiến, đổi mới cụ thể trong các hoạt động lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; tổ chức kỳ họp Quốc hội, tổ chức các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội... Nghị quyết xác định rõ hơn trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội trong các công đoạn của quy trình lập pháp... Nghị quyết cũng quy định rõ hơn về việc thực hiện sáng kiến pháp luật của đại biểu Quốc hội. Nghị quyết giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng và trình Quốc hội Quy chế về vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ tư. Nghị quyết cũng đề cập đến những đổi mới trong hoạt động tiếp xúc cử tri...

 Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Đây chính là chế tài để giám sát việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng trước cử tri cả nước. Nghị quyết yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành đã được chất vấn tại kỳ họp thứ hai và kỳ họp thứ ba sẽ tiếp tục trả lời và có báo cáo về việc thực hiện lời hứa trước cử tri. Sau khi có kết quả việc thực hiện lời hứa này mới có cơ sở để đánh giá trách nhiệm của các bộ trưởng trước cử tri.

PV: Xin cảm ơn ông!

HÀ DUNG (Thực hiện)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày