Thứ 7, 23/11/2024, 03:38[GMT+7]

Vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức Thái Bình trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ 3, 15/05/2018 | 15:33:42
2,543 lượt xem
Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (còn gọi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0) đang diễn ra, tác động sâu sắc đến các lĩnh vực của các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam và tỉnh Thái Bình. Trong việc ứng dụng thành tựu, đưa ra giải pháp hạn chế tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò của đội ngũ trí thức là rất quan trọng.

Các tác giả Thái Bình đạt giải tại hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14.

Trong lịch sử phát triển ngành công nghiệp, đến nay đã diễn ra bốn cuộc cách mạng. Mỗi cuộc cách mạng đều đặc trưng bằng sự thay đổi về bản chất của sản xuất và sự thay đổi này được tạo ra bởi các đột phá của khoa học và công nghệ. 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất diễn ra vào nửa cuối thế kỷ 18 và gần nửa đầu thế kỷ 19, với thay đổi từ sản xuất chân tay đến sản xuất cơ khí do phát minh ra động cơ hơi nước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra vào nửa cuối thế kỷ 19 cho đến khi đại chiến thế giới lần thứ nhất xảy ra, với thay đổi từ sản xuất đơn lẻ sang sản xuất hàng loạt bằng máy móc chạy với năng lượng điện. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba diễn ra từ những năm 1970 với sự ra đời của sản xuất tự động dựa vào máy tính, thiết bị điện tử và internet. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được cho là đã bắt đầu từ vài năm gần đây, diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm công nghệ sinh học, kỹ thuật số và vật lý. 

Những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ là: trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu. Cuối cùng là lĩnh vực vật lý với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions…) và công nghệ nano.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, với khả năng kết nối không biên giới giữa các quốc gia thông qua các thiết bị di động. Cuộc cách mạng lần này làm thay đổi căn bản cách thức con người tạo ra sản phẩm, từ đó tạo nên “cách mạng” về tổ chức các chuỗi sản xuất - giá trị. Với tất cả sự ưu việt, cách mạng 4.0 đã mang lại cho mỗi quốc gia những cơ hội để phát triển nhảy vọt nhưng bên cạnh đó cũng có không ít thách thức.

Việt Nam, với sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đã và đang nhanh chóng đón bắt, nắm cơ hội, tranh thủ các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến để đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thu hẹp khoảng cách phát triển với các quốc gia trong khu vực. Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Để giải quyết những khó khăn này, Đảng và Nhà nước ta tập trung mọi nguồn lực xác định lấy trí thức làm nòng cốt cho sự phát triển. Đội ngũ trí thức phát triển tất yếu sẽ hóa giải được những nguy cơ từ sự xâm nhập quá nhanh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào cuộc sống và biến thành cơ hội để đất nước chuyển mình.

Vai trò của đội ngũ trí thức Thái Bình trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XIX đã xác định 3 đột phá chiến lược tăng trưởng kinh tế tỉnh sẽ thực hiện trong những năm tới, trong đó có nội dung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Điều này khẳng định sự quan tâm của tỉnh với việc phát huy năng lực, trí tuệ của đội ngũ trí thức.

Trong thực tế, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, dân số và lao động, đội ngũ trí thức Thái Bình không ngừng lớn mạnh. Hiện nay, đội ngũ trí thức toàn tỉnh (tính từ trình độ cao đẳng chuyên nghiệp trở lên) gần 4 vạn người, chiếm 2,4% dân số, có 1.534 trí thức có trình độ trên đại học, trong đó 1 giáo sư, 14 phó giáo sư, 78 tiến sĩ, 1.363 thạc sĩ, 78 bác sĩ chuyên khoa II. Tốc độ tăng của đội ngũ trí thức gấp 4,1 lần tốc độ tăng dân số và 1,3 lần tốc độ tăng lao động. Nguồn bổ sung vào đội ngũ trí thức khá dồi dào với gần 3.000 sinh viên con em Thái Bình tốt nghiệp các trường cao đẳng và đại học mỗi năm. Ngoài ra còn có nguồn từ các địa phương khác trong cả nước.

Đội ngũ trí thức của Thái Bình giữ vai trò chính yếu trong hệ thống chính trị, đã và đang có đóng góp to lớn và quyết định trong sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương. Đội ngũ trí thức Thái Bình đã đóng vai trò nòng cốt trong việc tham mưu xây dựng chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phong trào nghiên cứu khoa học, công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được đẩy mạnh, thu hút ngày càng nhiều trí thức và người lao động tham gia. Nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ mới trong các doanh nghiệp cũng có xu hướng phát triển. Hàng năm, toàn tỉnh có hàng chục đề tài, dự án khoa học, công nghệ cấp tỉnh và hàng trăm đề tài cấp cơ sở được nghiên cứu, nhiều công nghệ mới được chuyển giao ứng dụng và hàng nghìn sáng kiến được áp dụng, làm lợi hàng chục tỷ đồng và nhiều lợi ích khác không tính được bằng tiền (trong lĩnh vực hành chính, sự nghiệp giáo dục đào tạo, y tế…). Để nghiên cứu, tiếp thu, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì vai trò chủ đạo phải là những người có kiến thức, trình độ không ngoài ai khác phải là đội ngũ trí thức.

Trách nhiệm của đội ngũ trí thức với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Để cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được ứng dụng trong các lĩnh vực góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững thì đòi hỏi đội ngũ trí thức của tỉnh nâng cao trách nhiệm thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, mỗi trí thức phải xác định việc nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là trách nhiệm xã hội giao cho mình, đặc biệt là đội ngũ trí thức có trình độ cao và đội ngũ trí thức trong các cơ quan đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội càng cần phải nâng cao vai trò, trách nhiệm.

Hai là, mỗi trí thức phải tâm huyết, tích cực học tập, nâng cao trình độ, chủ động nghiên cứu tiếp thu, ứng dụng một cách sáng tạo, hiệu quả các thành tựu của cuộc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để giải quyết các vấn đề cụ thể của thực tiễn và ngay trong công việc của cơ quan, tổ chức nơi mình làm việc.

Ba là, mỗi trí thức phải tích cực nghiên cứu tham mưu với tỉnh, với cơ quan, tổ chức có chủ trương, chuẩn bị các điều kiện, nhất là đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở vật chất để đón nhận, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tham mưu có cơ chế, chính sách khuyến khích động viên, khen thưởng những người có nhiều thành tích trong việc đưa những tiến bộ khoa học, công nghệ nói chung và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nói riêng ứng dụng có hiệu quả trong thực tiễn.

Hy vọng, với sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và của các sở, ban, ngành, đoàn thể, đội ngũ trí thức của tỉnh sẽ phát huy được vai trò, trách nhiệm, tích cực học tập, nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào thực tiễn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Lê Hồng Sơn

(Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Thái Bình)