Thứ 7, 23/11/2024, 03:20[GMT+7]

Hồng An sâu nặng ân tình

Thứ 6, 18/05/2018 | 08:42:00
2,072 lượt xem
Trong 5 lần về thăm Thái Bình có 2 lần Bác Hồ thăm xã Hồng An, huyện Hưng Hà (ngày 10/1/1946 và ngày 28/4/1946) khi biết tin đê Đìa (huyện Hưng Nhân cũ) bị vỡ và chỉ sau ba tháng nhân dân Thái Bình đã đắp đê thành công. Nhớ lời căn dặn của Bác năm xưa, người dân Hồng An hôm nay ra sức lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày một đẹp giàu.

Hồng An hôm nay.

Chúng tôi đến thăm gia đình cụ Trần Hữu Hán, thôn Việt Thắng, được cụ niềm nở đón tiếp và cho xem những tư liệu lịch sử cụ sưu tầm về Bác Hồ. 

Cụ Hán cho biết: Năm 1946, tôi được chính quyền xã phân công tham gia hoạt động giảng dạy, công tác đoàn tại địa phương, ngày Bác Hồ về thăm tôi được giao nhiệm vụ trong đoàn đón tiếp Bác. Ngày 10/1/1946, biết tin Bác chuẩn bị đến thị sát tại khu vực xảy ra vỡ đê Đìa mọi người vui mừng lắm vì nghĩ Bác sẽ đi đường thủy đến nên rất nhiều người đã tụ tập trên triền đê để mong được một lần thấy Bác. Khi Bác đi ô tô từ Hưng Yên sang, mọi người ùa ra đón đoàn xe của Bác. 

Vì được giao nhiệm vụ trong đoàn đón tiếp Bác nên cụ Hán nhớ như in hình ảnh Bác Hồ ngày ấy: Bác ăn mặc giản dị lắm, bộ quần áo ka ki trắng, Bác nhẹ nhàng và ân cần hỏi thăm sức khỏe của người dân, về tình hình đê bị vỡ. Khi đến khu vực người dân đắp đê, Bác giậm chân xuống mặt đê để kiểm tra và căn dặn cán bộ chỉ huy cùng người dân đắp đê cho cẩn thận, tránh để đê bị vỡ sẽ gây thiệt hại rất lớn cho hoa màu cũng như tài sản của nhân dân. 

Cùng được chứng kiến Bác Hồ về thăm, cựu chiến binh Trần Duy Sự, thôn Việt Thắng cho biết: Bác căn dặn người dân Hồng An ngoài nhiệm vụ đắp đê thì cần kháng chiến chống lại giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Nhân dân Thái Bình cần sớm đắp xong đê để tái sản xuất, khi nào đắp xong đê vỡ Bác sẽ về kiểm tra.

Người dân lập bia di tích Bác Hồ về thăm Hồng An năm 1946.

Nhớ lời căn dặn của Bác, người dân Hưng Nhân tích cực tham gia đắp đê. Hàng nghìn bao tải, cây tre, luồng được chuyển từ nhiều nơi đến khu vực đê Đìa để phục vụ công tác đắp đê. Khi ấy, trên quãng đê dài hơn 3km thuộc địa phận xã Hồng An có hơn 600m đê bị vỡ, lòng cát bị hút sâu, nhân dân phải đào sâu và gia cố thêm tre, luồng để móng đê được vững chắc. 

Cựu chiến binh Trần Duy Sự cho biết: Không khí đắp đê khi ấy vui như ngày hội. Vì không có mực, giấy bút nên chúng tôi dùng những tấm cót rồi lấy nước cơm phết lên trên thành chữ, đồng thời rắc trấu lên nước cơm để chúng mau dính lại với nhau tạo thành bức khẩu hiệu thi đua. Từng đoàn cứ thế thay nhau ăn nghỉ rồi lại làm, chỉ trong vòng 3 tháng đã hoàn thành hơn 600m đê bị vỡ. Được tin nhân dân Thái Bình đắp đê thành công, Bác Hồ về thăm lại đê Đìa, lần này người dân Hồng An vui mừng lắm. 

Cụ Hán chia sẻ thêm: Ngày 28/4/1946, Bác về thăm quãng đê vừa được đắp xong, người dân đón tiếp Bác từ rất xa, có người đi bộ mất cả tuần từ nhà đến đây chỉ để mong được một lần thấy Bác. Khi đến khu vực đê, Bác khen ngợi nhân dân Thái Bình đắp đê giỏi, đồng thời căn dặn bà con cần sớm khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất. Bác cũng nhắc nhở chính quyền xã mỗi khi mưa bão cần cử cán bộ ra điếm trông coi đê, tránh để vỡ đê gây thiệt hại về người và của.

72 năm sau ngày Bác về thăm, con đường nông thôn mới được trải nhựa, bê tông thẳng tắp, những ngôi nhà cao tầng hiện hữu trước mắt chúng tôi như khẳng định sự thay da đổi thịt trên mảnh đất Hồng An. 

Ông Trần Hữu Sơn, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương trong xây dựng nông thôn mới, Hồng An đã vận động được hơn 157 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục công trình và về đích năm 2014. Để có được kết quả đó, xã đã thực hiện chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra nên mọi việc khó khăn, lớn nhỏ trong xã đều được người dân chung tay thực hiện. Hiện Hồng An có hơn 3km đê đã được cứng hóa. Đời sống người dân trong xã ngày một khấm khá, thu nhập bình quân đạt hơn 39 triệu đồng/người/năm.

Tiến Đạt