Thứ 4, 01/01/2025, 12:08[GMT+7]

Không quy định về thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp ngoài nhà nước

Thứ 5, 10/11/2022 | 10:24:38
1,501 lượt xem
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở chỉ quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước; không quy định về thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp và tổ chức khác có sử dụng lao động thuộc khu vực ngoài nhà nước.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong phiên họp sáng 10/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Sáng 10/11, Quốc hội đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với 443/455 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (bằng 88,96% tổng số đại biểu Quốc hội).

Luật gồm 6 Chương, 91 Điều, quy định về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị; thực hiện dân chủ ở tổ chức có sử dụng lao động; tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở…

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Trước khi các đại biểu tiến hành biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Theo đó, về việc điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở ở tổ chức có sử dụng lao động, do còn có ý kiến khác nhau nên để bảo đảm thận trọng, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về nội dung này.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: việc thực hiện dân chủ ở cơ sở do nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh. Trong đó, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tập trung quy định việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.

Đối với doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước thì thực hiện theo các quy định chung tại Chương I của Luật này; đồng thời dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc (Điều 82).

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, phương án tiếp thu như trên đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng nhiều mặt và nhận được sự đồng thuận của Chính phủ, đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá để ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết Bộ luật Lao động và các quy định khác có liên quan làm cơ sở để các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả.

Quốc hội thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với đa số đại biểu tán thành. Ảnh: THỦY NGUYÊN.

Về việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng tiếp tục quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước như hiện nay; không quy định về thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp và tổ chức khác có sử dụng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước.

Về nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 3) và quyền thụ hưởng của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở (Điều 7), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu các ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc “việc thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động không được làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức có sử dụng lao động”; bổ sung quyền thụ hưởng kết quả việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở của công dân.

Đối với ý kiến về hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, Ủy ban Thường vụ Quốc nhận thấy hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng chủ yếu tập trung vào việc theo dõi, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật của chủ đầu tư về chỉ giới đất đai và sử dụng đất, quy hoạch mặt bằng chi tiết phương án kiến trúc, xây dựng, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; tình hình triển khai và tiến độ thực hiện các chương trình, dự án;… mà không đi sâu vào các vấn đề có tính chi tiết, kỹ thuật. Trên cơ sở đó phát hiện những việc làm xâm hại đến lợi ích của cộng đồng, tác động tiêu cực đến môi trường sống của cộng đồng hay những việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, của cộng đồng.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây không phải các quy định mới mà có sự kế thừa các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Nghị định số 84/2015/NĐ-CP, Nghị định số 29/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu, chỉnh sửa quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tương tự như quy định của Nghị định số 29/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo: nhandan.vn

 


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày