Thứ 7, 23/11/2024, 08:25[GMT+7]

Tư duy mạch lạc, hành động quyết liệt, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả hơn

Chủ nhật, 18/12/2022 | 05:36:26
1,021 lượt xem
Các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, sáng tạo, tư duy mạch lạc, hành động quyết liệt, phản ứng chính sách kịp thời, nhanh và hiệu quả hơn. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề: “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức” do Chính phủ phối hợp Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 17/12 tại Hà Nội.

Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5.

Các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đồng chủ trì Diễn đàn; đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; các chuyên gia, cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam dự Diễn đàn. 

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5. 

Tại Diễn đàn, đồng chí Trần Tuấn Anh nêu rõ những bất cập, hạn chế từ nội tại của nền kinh tế cùng với bối cảnh thế giới đang có nhiều diễn biến bất lợi, có nhiều vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ... đang đặt ra thách thức gay gắt đối với ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng và các vấn đề an sinh xã hội trong nước; tác động trực tiếp tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển cả trước mắt và dài hạn.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần phải làm gì để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế để hạn chế tối đa các rủi ro và bất ổn cho nền kinh tế; nhận diện đúng các cơ hội, những khó khăn thách thức và đề xuất các chủ trương, chính sách thích ứng phù hợp là điều kiện cần để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Nghị quyết Đại hội XIII cũng như các Nghị quyết của Đảng đã đề ra.

Tại diễn đàn lần này, các nội dung trong chương trình được cân nhắc xây dựng, tập trung vào các vấn đề cốt lõi, vừa mang tính cấp bách vừa có tính chiến lược, dài hạn đối với nền kinh tế Việt Nam.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại diễn đàn. 

Tại diễn đàn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cùng với những thay đổi do tác động bởi đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế thế giới năm 2022 tiếp tục xảy ra những biến động chưa từng có, tác động nhanh, phức tạp, khó lường; nhiều tổ chức quốc tế đã liên tiếp đưa ra cảnh báo về những rủi ro, thách thức, bất ổn kinh tế toàn cầu; điều chỉnh dự báo hạ thấp tăng trưởng kinh tế thế giới cũng như của nhiều nền kinh tế lớn trong năm 2022 so với những dự báo trước đấy.

Sang năm 2023, dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn năm 2022; lạm phát duy trì mức cao trên toàn cầu; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài kèm theo mất giá trị đồng tiền, giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng tại nhiều khu vực và quốc gia làm suy giảm sản xuất của nhiều ngành, lĩnh vực; thị trường bất động sản ở nhiều nước gặp khó khăn hơn; khu vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, thất nghiệp gia tăng dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội và chính trị ở một số nước... một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế như Anh, Mỹ, Đức, Italia...

Nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, an ninh lương thực trên toàn cầu gia tăng... sẽ tác động mạnh, kéo dài, trên phạm vi lớn tới hầu hết các quốc gia, nền kinh tế, ngay cả các dự báo lạc quan gần đây nhất cũng phải thận trọng hơn để hóa giải, khắc phục những khó khăn, thách thức, giải quyết những điểm nghẽn phát triển của nền kinh tế, tận dụng cơ hội phát triển, huy động tối đa nguồn lực đầu tư toàn xã hội, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp... đạt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và 5 năm 2021-2025 mà Trung ương Đảng, Quốc hội đã đề ra, triển khai thực hiện những mô hình kinh tế, xu thế mới, cần quyết liệt, tập trung đẩy mạnh và triển khai nhanh hơn các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2023 và định hướng lớn ưu tiên…

Phát biểu trực tuyến, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Andrea Coppola đánh giá, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 là cơ hội tuyệt vời để thảo luận về những thách thức do nền kinh tế toàn cầu gây ra và những tác động chính sách có thể có đối với Việt Nam nhằm giảm thiểu rủi ro kinh tế vĩ mô đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia quốc tế phát biểu tại Diễn đàn. 

* Sáng cùng ngày, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 đã chính thức khai mạc với 4 hội thảo chuyên đề, nội dung xoay quanh việc phân tích, đánh giá các kết quả phát triển kinh tế-xã hội đất nước năm 2022 trên nhiều lĩnh vực, dự báo tác động tình hình trong nước và quốc tế, các đại biểu đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp quan trọng để Chính phủ xây dựng kế hoạch, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Hội thảo chuyên đề 1 có chủ đề “Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới”. Các đại biểu đã tập trung phân tích, thảo luận, làm rõ không gian phát triển quốc gia; định hướng phát triển cho các vùng động lực, cực tăng trưởng; các ngành ưu tiên, mũi nhọn có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với tình hình thực tiễn, khả năng cân đối nguồn lực của nền kinh tế… Từ đó, các đại biểu cũng đưa ra những nhận diện về rào cản, khó khăn và đề xuất giải pháp, chính sách trọng tâm nhằm tạo không gian phát triển mới, thúc đẩy động lực tăng trưởng mới hiệu quả, bền vững.

Tại hội thảo chuyên đề 2, các đại biểu tập trung vào nhận diện rủi ro và thách thức đối với thị trường tài chính cũng như thị trường bất động sản hiện nay, nhận diện những rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô; tiềm năng của thị trường bất động sản và thị trường tài chính Việt Nam. Trên cơ sở đó, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản…

Với hội thảo chuyên đề 3, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023 là nội dung được các đại biểu quan tâm thảo luận. Nhiều ý kiến đánh giá đây là kênh có tác động lan tỏa tốt, giúp thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, nhất là trong tình hình kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro gia tăng.

Các đại biểu trao đổi, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, sâu sắc về các kết quả, hạn chế tồn tại trong công tác giải ngân đầu tư công và nâng cao hiệu quả đầu tư công; đồng thời đề xuất những giải pháp, đưa ra những kiến nghị để khắc phục căn bản, triệt để vấn đề này trong thời gian tới, tạo động lực tăng trưởng cho năm 2023.

Các đại biểu tham dự diễn đàn. 

Hội thảo chuyên đề 4 với chủ đề “Phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế-xã hội” nhận được sự quan tâm lớn với hơn 200 khách mời tham dự. Các tham luận chính của hội thảo tập trung bàn về các vấn đề: triển vọng thị trường lao động toàn cầu 2023 và các gợi ý chính sách đối với Việt Nam; tình hình doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động năm 2022; đổi mới và nâng cao hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn, thách thức; bảo đảm việc làm, an sinh xã hội và phúc lợi cho người lao động…

Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, đề cập tình hình kinh tế-xã hội năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đến thời điểm này có thể khẳng định, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; các các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; thị trường lao động bị đứt gãy trong đại dịch Covid-19 đã được khắc phục... Chúng ta đang có một nền kinh tế phát triển đúng hướng, hiệu quả trong điều kiện khó khăn, trong điều kiện một đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài, bên trong còn có hạn. Đây là điểm sáng và chúng ta phải phát huy vì có sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc của người dân và doanh nghiệp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Hiện nay, chúng ta xác định tình hình khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi để từ đó chuẩn bị tâm thế, nguồn lực, sẵn sàng ứng xử phù hợp với mọi rủi ro, thách thức. Rõ ràng, sau đại dịch, chúng ta chưa hồi phục thì lại gặp các tác động từ bên ngoài và bên trong, trong đó có vấn đề thị trường chứng khoán chưa bền vững; trái phiếu doanh nghiệp có rủi ro; thanh khoản và cung ứng tiền có vấn đề; thị trường bất động sản đang bị ách tắc; thị trường lao động có hụt hẫng cục bộ, rồi các vấn đề thị trường xăng dầu…

Chúng ta đang có một nền kinh tế phát triển đúng hướng, hiệu quả trong điều kiện khó khăn, trong điều kiện một đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài, bên trong còn có hạn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính


Theo Thủ tướng, đó là quá trình vận động của sự phát triển, nảy sinh những tồn tại, mâu thuẫn, cũng là do nền kinh tế chúng ta còn có những điểm yếu kém, khi xuất hiện cùng lúc vào thời điểm khó khăn thì những điểm này lại bộc lộ rõ nét hơn. Chính vì thế, chúng ta phải xử lý làm lành mạnh hoá các thị trường đi đúng bản chất, hài hoà lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Chính phủ phải liên tục, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành; các bộ, ngành phải phản ứng chính sách kịp thời, nhanh và hiệu quả hơn. Nhà nước phải có can thiệp để thị trường trở lại bình thường, doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh lại, người dân cũng phải chia sẻ.

Năm 2023, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta không bi quan nhưng không lạc quan, không hoang mang, lo sợ, mất bản lĩnh, nhưng nghĩ phải bình tĩnh, suy nghĩ phải chín, hành động phải quyết liệt, tư duy phải mạch lạc. Trên tinh thần đó, Thủ tướng nhấn mạnh tư duy điều hành năm 2023 là: “Đoàn kết, kỷ cương; Bản lĩnh, linh hoạt; Đổi mới, sáng tạo; Kịp thời, hiệu quả”. Thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.

Các bộ, ngành, địa phương phải chủ động, sáng tạo, kịp thời, thích ứng tình hình; bám sát Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm về phát triển kinh tế-xã hội; phải nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, lựa chọn ưu tiên phù hợp.

Về vĩ mô, Thủ tướng khẳng định phải thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt và hiệu quả; tìm điểm cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát để có ưu tiên; nước ta là nước đang phát triển, do đó lựa chọn thiên về tăng trưởng, ngân hàng là cơ quan chuyên môn phải làm; cân bằng và điều hòa giữa tỷ giá và lãi suất. Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, tập trung có trọng tâm, trọng điểm: phải thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, có chính sách giãn, hoãn thuế, phí và lệ phí; chi phải tiết kiệm tối đa.

Hai chính sách này phải được phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ nhau; khắc phục các vấn đề chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường lao động thì nguyên tắc trong bất cứ hoàn cảnh nào phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan; phải giữ ổn định hệ thống. Giải quyết dứt điểm những tồn tại; giải quyết bình tĩnh, không cả gói. Nhà nước tôn trọng quy luật thị trường nhưng phải có cơ chế để can thiệp khi cần.

Về đổi mới sáng tạo và lập nghiệp, phát triển nguồn nhân lực: dứt khoát chúng ta phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo vì đang hạn chế, yếu kém, một chỉ tiêu không hoàn thành năm nay là tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo phải có hạ tầng, kết nối. Con người là yếu tố quan trọng nhất trong đổi mới sáng tạo. Vấn đề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, an ninh lương thực, an ninh thông tin thì phải kêu gọi nguồn lực từ hợp tác công tư, lấy đầu tư công làm vốn mồi, dẫn dắt đầu tư tư.

Con người là yếu tố quan trọng nhất trong đổi mới sáng tạo. Vấn đề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, an ninh lương thực, an ninh thông tin thì phải kêu gọi nguồn lực từ hợp tác công tư, lấy đầu tư công làm vốn mồi, dẫn dắt đầu tư tư.


Thủ tướng yêu cầu, công tác quy hoạch phải được làm nhanh, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, dài hạn, nhưng thực hiện có thể phân kỳ; chú trọng giải ngân vốn đầu tư công; hoàn thiện thể chế; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo kỹ năng nghề; bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; làm tốt công tác đối ngoại; đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực, thiết lập lại công bằng; kiểm soát giá cả, chống lạm phát, nhất là quan tâm vấn đề lương thực, thực phẩm, giá năng lượng, nhà ở; làm tốt công tác truyền thông khách quan, trung thực; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; các bộ, ngành phải tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, coi công việc của người dân, doanh nghiệp như công việc của mình.

Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn các tổ chức quốc tế trong suốt 35 năm vừa qua luôn đồng hành, giúp đỡ Việt Nam trong quá trình phát triển; khẳng định Việt Nam sẵn sàng và luôn lắng nghe mọi ý kiến tư vấn, đóng góp phản biện mang tính chất xây dựng của các chuyên gia, tổ chức quốc tế để vận dụng vào quá trình điều hành phát triển kinh tế-xã hội; nêu rõ, chúng ta cần có thái độ hợp tác xây dựng chân thành, tin cậy, chính xác và hiệu quả.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày