Thứ 7, 23/11/2024, 04:47[GMT+7]

Việt Nam cần nhân lực để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Chủ nhật, 01/10/2023 | 07:53:40
809 lượt xem
Ngày 30/9, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Tại họp báo, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của các phóng viên liên quan nhiều vấn đề mà dư luận xã hội đang hết sức quan tâm.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9. (Ảnh: Nhật Bắc).

Nỗ lực tăng nguồn cung nhà ở xã hội

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan vấn đề nhà ở xã hội, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện nay, pháp luật về nhà ở, nhất là liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, đã quy định rất rõ các hình thức đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội, trong đó có nguồn lực nhà nước cũng như huy động các nguồn lực khác, các doanh nghiệp nguồn vốn khác, không hạn chế phạm vi nào.

Liên quan đến việc các doanh nghiệp chưa "mặn mà" khi đầu tư các dự án, theo tôi, pháp luật đã quy định về việc dành quỹ đất để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trước đây là 20% diện tích trong các dự án nhà ở cơ bản. Hiện nay, Luật Nhà ở 2014 đã sửa đổi theo hướng sẽ giao cho Ủy ban nhân dân các địa phương dành đủ quỹ đất theo chương trình kế hoạch phát triển nhà ở, đủ quỹ đất ở các khu vực độc lập cũng như trong các dự án nhà ở thương mại nếu phù hợp với điều kiện, quy hoạch. Như vậy, quỹ đất để đầu tư nhà ở xã hội trong thời gian tới sẽ đầy đủ hơn và dễ tiếp cận hơn.

Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trả lời tại họp báo. (Ảnh: Nhật Bắc).

Về ưu đãi cho chủ đầu tư, đây là nội dung được quan tâm rất nhiều trong thời gian qua, cụ thể là ưu đãi nhiều hay ít bảo đảm cho việc thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia. Quy định đã rất rõ về chính sách ưu đãi, bao gồm việc miễn thuế sử dụng đất, miễn thuế thu nhập, lợi nhuận 10%, ưu đãi vay vốn... Trong thời gian qua đã có nhiều nhà đầu tư tham gia. Tuy nhiên, thời gian tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật nhà ở (sửa đổi), có hỗ trợ tích cực hơn như hỗ trợ miễn tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, dành 20% diện tích đất để chủ đầu tư có thể đầu tư các khu thương mại, dịch vụ, được các địa phương hỗ trợ đầu tư các hạ tầng kỹ thuật trong khu đô thị…

Trong quá trình sửa đổi luật, có nhiều ý kiến cho rằng tại sao không nâng lợi nhuận lên 15%? Bộ đã khảo sát và thấy rằng như vậy sẽ làm nâng giá bán nhà cho người thu nhập thấp. Trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp cũng thấy lợi nhuận 10% là chấp nhận được rồi. Quan trọng doanh nghiệp đang cần là cải cách thủ tục hành chính, các địa phương phải tích cực vào cuộc để giải quyết việc này, lúc đó sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư, sự tham gia của các doanh nghiệp sẽ nhiều hơn.

Các doanh nghiệp cũng được tiếp cận, hỗ trợ, vay lãi suất ưu đãi… Riêng với nhà ở xã hội đã có gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ để các chủ đầu tư vay với lãi suất ưu đãi, thấp hơn từ 1,5-2%. Đó là những chính sách hết sức kịp thời. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã tích cực đầu tư. Chắc chắn rằng trong giai đoạn tới nguồn cung về nhà ở xã hội sẽ tốt hơn. Đặc biệt, vừa qua Chính phủ đã ký đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 với những giải pháp rất đồng bộ, sẽ đồng bộ cả về thể chế, thủ tục hành chính, nguồn vốn, đất đai. Sắp tới, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XV sẽ thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó nhóm chính sách nhà ở xã hội sẽ có hiệu lực ngay.

Đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn

Liên quan câu hỏi về khả năng đáp ứng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ, chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Việt Nam cũng như chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ đến Hoa Kỳ trong thời gian vừa qua đã mở ra rất nhiều cơ hội, trong đó có cơ hội phát triển khoa học công nghệ và ngành công nghiệp mới, cụ thể hơn là ngành công nghiệp bán dẫn. Đây là một trong những ngành công nghiệp đang chiếm ưu thế và chúng ta đang đón đầu để cố gắng vươn lên, đi đầu, dẫn trước.

Ngành công nghiệp chip bán dẫn là ngành hết sức mới ở Việt Nam. Vì mới nên chúng ta phải có sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng để đón nhận và phát triển nó một cách hiệu quả. Ở đây có rất nhiều khía cạnh để đề cập. Tuy nhiên, khía cạnh đào tạo nguồn nhân lực là khía cạnh mang tính chất nền tảng để chúng ta phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Trong thời gian tới, đào tạo nguồn nhân lực có nội dung hết sức mới là Thủ tướng Chính phủ vừa mới giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư một nhiệm vụ là khẩn trương xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn đến năm 2030.

Qua sơ bộ nghiên cứu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 3 trụ cột chính đào tạo nhân lực phục vụ cho công nghiệp bán dẫn. Trụ cột đầu tiên mang tính lâu dài, dài hơi để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chính là đào tạo đại học. Để đào tạo được các kỹ sư, tiến sĩ, thạc sĩ giỏi về bán dẫn thì bắt buộc phải đào tạo đại học, và đòi hỏi sự hợp tác của ba đối tác hết sức quan trọng.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trả lời tại họp báo. (Ảnh: Nhật Bắc).

Đầu tiên là Nhà nước. Nhà nước cần có cơ chế tạo điều kiện cho các trường đại học, các viện đào tạo số lượng sinh viên đủ để phục vụ trong ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện nay chúng ta vẫn còn thiếu hụt lực lượng này.

Đối tác thứ hai chúng ta cần tập trung đó là các viện và các trường đại học. Rõ ràng đối với các viện và các trường đại học, phải có một kế hoạch mang tính chất dài hơi là mở thêm các khoa, phòng đào tạo. Hoặc thuê mướn hoặc hợp tác với các trường trên thế giới để có nguồn giáo viên dạy được cho học sinh, sinh viên Việt Nam về công nghiệp bán dẫn. Trên cơ sở đó chúng ta mới có sự hấp dẫn đối với sinh viên đăng ký học các khoa này.

Và nhóm đối tác thứ ba hết sức quan trọng, nếu không chúng ta đào tạo sẽ lãng phí, không sử dụng được, đó chính là doanh nghiệp trong công nghiệp bán dẫn.

Trong hai chuyến thăm vừa rồi của Tổng thống Hoa Kỳ và Thủ tướng Chính phủ, rất mừng là có nhiều doanh nghiệp chip bán dẫn của Hoa Kỳ rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, và bày tỏ ý định sẽ đầu tư tại Việt Nam. Không những thế họ còn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để có các hoạt động ở bên Hoa Kỳ.

Ngành công nghiệp chip bán dẫn là ngành hết sức mới ở Việt Nam. Vì mới nên chúng ta phải có sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng để đón nhận và phát triển nó một cách hiệu quả. 


Hy vọng rằng với nhu cầu của các doanh nghiệp đầu tư chip bán dẫn tại Việt Nam có thể khắc phục được số lượng dự kiến chúng ta đào tạo sinh viên cho ngành chip bán dẫn.

Trụ cột thứ hai hết sức quan trọng mà hiện nay chúng ta còn thiếu là đào tạo kỹ sư, người lao động, chúng tôi gọi tắt là kỹ thuật viên, những người cụ thể làm việc trong lĩnh vực này.

Trụ cột cuối cùng là huy động nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam. Một nhân tài có thể dẫn dắt được hàng chục, hàng trăm người đi theo. Và việc thu hút nhân tài trong công nghiệp bán dẫn, đặc biệt ở Việt Nam, là việc hết sức quan trọng.

Với ba trụ cột đấy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương, các doanh nghiệp, các nhà khoa học cố gắng hoàn thành đề án này theo đúng tiến độ đề ra.

Ngăn ngừa, hạn chế các vụ việc cháy nổ chung cư

Liên quan công tác phòng cháy ở các chung cư mini, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, sau vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Công an đã có nhiều chỉ đạo rất quyết liệt. Các địa phương cũng đã vào cuộc, trong đó nổi bật nhất là tổng kiểm tra, rà soát tất cả hoạt động của các chung cư mini này.

Trong thời gian vừa qua, chúng ta đã phát hiện ra nhiều sai phạm. Tuy nhiên để giải quyết vấn đề này thì đã có nhiều chỉ đạo và đặc biệt là phải có giải pháp cho cả những chung cư mini hiện hữu. Bộ cho rằng, về mặt tổng thể, đã có quy định trong Luật Xây dựng, Luật Phòng cháy chữa cháy… rất đầy đủ. Tuy nhiên, thời gian qua, một số nơi chưa thực hiện nghiêm túc, dẫn đến nhiều chung cư mini chưa bảo đảm yêu cầu đề ra.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ cho rằng, việc đầu tiên là các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, rà soát để chấn chỉnh và xử lý nghiêm các cấp đã để xảy ra sai phạm trong việc đầu tư xây dựng cũng như hoạt động của các loại hình này.

Vấn đề thứ hai là các địa phương cần đôn đốc, chỉ đạo các chủ nhà khẩn trương có những giải pháp đầu tư, cải tạo khu vực để xe, khu vực dễ phát sinh cháy nổ, bố trí lối thoát cho cư dân sống trong các chung cư này một cách thuận lợi nhất; cải tạo thêm các cầu thang, lối thoát hiểm an toàn, phù hợp.

Vấn đề thứ ba là chỉ đạo, đầu tư các trang thiết bị về bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy. Vấn đề này, Bộ Công an đã có chỉ đạo rất quyết liệt. Ngoài ra cũng cần phải rà soát lại toàn bộ hệ thống điện trong các tòa nhà, bảo đảm không bị cháy chập, cung cấp đủ công suất; mua sắm thêm các công cụ phòng chống cháy, có những công cụ như mặt nạ phòng độc để giúp người dân bảo đảm an toàn khi xảy ra cháy.

Vấn đề thứ tư là tăng cường tập huấn đối với các hộ dân sống trong các tòa nhà chung cư mini, để các hộ dân có những ứng phó kịp thời nếu chẳng may ở đó xảy ra cháy nổ.

Liên quan đến quản lý, vận hành các chung cư này cũng cần phải được quan tâm. Đó là phải bố trí người bảo vệ đủ sức khỏe, có kiến thức, có kỹ năng, có kinh nghiệm để xử lý cháy nổ. Đồng thời cũng phải có nội quy để hướng dẫn người dân để biết cách quản lý, vận hành khi sống trong chung cư này một cách thống nhất.

Khởi tố những vụ án nóng

Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: Thứ nhất là về vụ án của Ngô Thị Tố Nhiên, căn cứ vào kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ thu thập được, ngày 20/9/2023, Cơ quan an ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngô Thị Tố Nhiên, sinh năm 1974, Giám đốc Công ty TNHH Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam về tội chiếm đoạt tài liệu của cơ quan tổ chức quy định tại Điều 342 Bộ Luật Hình sự.

Trung tướng Tô Ân Xô phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ. 

Cùng bị khởi tố, bắt tạm giam với Ngô Thị Tố Nhiên còn có Dương Đức Việt, sinh năm 1979, chuyên viên cao cấp Ban Quản lý đầu tư, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia thuộc EVN và Lê Quốc Anh, sinh năm 1984, Trưởng phòng Phân tích hệ thống Công ty cổ phần tư vấn điện 1 cùng với tội chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ thu thập được xác định, từ năm 2020, Ngô Thị Tố Nhiên đã biết Lê Đức Anh và Dương Quốc Việt là những người có quyền tiếp cận các thông tin, tài liệu liên quan đến hoạch định chính sách phát triển lưới điện của Tập đoàn EVN, về hệ thống lưới điện 500kV và hệ thống lưới điện 220kV nên Nhiên đã hợp thức hóa việc chiếm đoạt tài liệu bằng cách ký hợp đồng lao động, hợp đồng chuyên gia với Lê Quốc Anh và Dương Đức Việt theo hình thức bán thời gian có trả lương. Hai đối tượng trên, 2 bị can trên đã cung cấp những tài liệu liên quan đến EVN cho Ngô Thị Tố Nhiên.

Các hành vi vi phạm của Ngô Thị Tố Nhiên, Lê Quốc Anh và Dương Đức Việt đã phạm tội chiếm đoạt tài liệu của cơ quan tổ chức và hiện nay cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra.

Các hành vi vi phạm của Ngô Thị Tố Nhiên, Lê Quốc Anh và Dương Đức Việt đã phạm tội chiếm đoạt tài liệu của cơ quan tổ chức và hiện nay cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra. 


Sau khi Ngô Thị Tố Nhiên bị khởi tố, một số cơ quan truyền thông nước ngoài và một số tổ chức phản động lưu vong đã đưa tin xuyên tạc, vu cáo Việt Nam bắt giam các nhà hoạt động môi trường. Đối với việc này, Bộ Công an bác bỏ luận điệu xuyên tạc kể trên và coi đó là hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Vụ việc thứ hai liên quan vụ án của Công ty bất động sản Nhật Nam: Ngày 8/9/2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với Vũ Thị Thúy - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Nhật Nam về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174, Bộ Luật Hình sự.

Quá trình điều tra xác minh ban đầu từ năm 2020 đến 2022, Công ty Nhật Nam đã thu tổng số tiền khoảng hơn 8.941 tỷ đồng của khoảng 20.000 cá nhân, thông qua 45.525 Hợp đồng hợp tác kinh doanh (một cá nhân ký nhiều hợp đồng). Công ty chi trả tiền hoa hồng cho các cá nhân giới thiệu huy động vốn khoảng hơn 2.272 tỷ đồng. Thúy chi sử dụng cá nhân khoảng hơn 635 tỷ đồng... Hiện cơ quan điều tra đã làm rõ và ghi được lời khai của 111 bị hại, bước đầu xác định số tiền bị chiếm đoạt là hơn 138 tỷ đồng.

Bản thân Vũ Thị Thúy tại cơ quan điều tra đã khai nhận các hoạt động đầu tư, kinh doanh của công ty Nhật Nam đều chưa thu được lợi nhuận. Công ty Nhật Nam không có dự án, bất động sản nào tại tỉnh Hòa Bình và tỉnh Bình Thuận như quảng cáo cho các cá nhân.

Về thủ đoạn đưa thông tin quảng cáo sai sự thật của Vũ Thị Thúy và công ty Nhật Nam: Năm 2019, Vũ Thị Thúy thành lập công ty Nhật Nam nhưng Thúy không góp vốn cổ đông; mục đích thành lập công ty của Thúy là để huy động vốn của các cá nhân. Báo cáo tài chính của công ty Nhật Nam từ năm 2019 đến năm 2021 đều thua lỗ.

Vũ Thị Thúy đã tổ chức các buổi hội thảo thu hút số lượng lớn các cá nhân tham dự như: Tổ chức 2 hội thảo lớn vào các ngày 13/3/2022 và ngày 2/7/2022 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, thu hút 5.561 người tham dự. Ngoài ra, Thúy mở 32 Văn phòng đại diện tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong cả nước để tổ chức quảng bá, huy động vốn. Tại các buổi hội thảo, Thúy sử dụng một số cá nhân có uy tín trong xã hội, có thời gian công tác trong ngành pháp luật để giới thiệu về việc công ty kinh doanh uy tín, trả gốc, lãi đầy đủ, cam kết không bị mất vốn nếu đầu tư vào công ty.

Qua vụ việc trên, Bộ Công an khuyến cáo các nhà đầu tư hết sức tỉnh táo và tìm hiểu kỹ trước khi tham gia vào các dự án huy động vốn. Bộ Công an đang tiếp tục làm rõ để thu hồi tài sản, giảm thiểu thiệt hại lớn nhất cho nhà đầu tư.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày