Tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho tiếp cận tài liệu lưu trữ
Khắc phục những bất cập trong thực hiện chuyển đổi số lưu trữ
Chiều 27/11, thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nêu rõ, tài liệu lưu trữ là nguồn sử liệu chính xác, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu, hoạch định chính sách, chiến lược phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, phản ánh toàn bộ lịch sử hình thành, phát triển cũng như đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia và từng địa phương.
Để phát huy tốt vai trò của tài liệu lưu trữ, ngoài việc bảo quản an toàn tài liệu, bảo mật thông tin của tài liệu lưu trữ, cần quan tâm đến công tác sử dụng, khai thác và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ.
Bên cạnh các quy định về tạo lập nguồn tài liệu, đại biểu cho rằng, dự thảo luật cần tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho việc tiếp cận, khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ; phát huy tốt những giá trị của tài liệu lưu trữ, phục vụ nhu cầu xã hội, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp chiều 27/11. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).
Khoản 3 khoản 4 Điều 3 dự thảo luật xác định nguyên tắc sử dụng rộng rãi, công khai, minh bạch trong việc sử dụng tài liệu lưu trữ. Tuy nhiên, dự thảo mới chỉ dừng lại ở một số quy định liên quan đến việc khai thác tài liệu lưu trữ. Đại biểu đề nghị nghiên cứu kết cấu một chương riêng về khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ gồm cả tài liệu đã được số hóa.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển lưu trữ điện tử đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số là một trong những chính sách mới, cơ bản của dự án luật.
Dự thảo đã dành Chương IV quy định về lưu trữ điện tử. Tuy nhiên, quy định của dự thảo luật về nội dung này chủ yếu tập trung điều chỉnh việc số hóa tài liệu lưu trữ, chuyển tài liệu lưu trữ số sang tài liệu lưu trữ giấy… mà chưa chú trọng tới các quy định về nghiệp vụ lưu trữ điện tử.
Do đó, đại biểu Nghĩa đề nghị tiếp tục rà soát nội dung dự thảo nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; đẩy mạnh chuyển đổi số hoạt động lưu trữ, đáp ứng yêu cầu xây dựng lưu trữ số. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định cụ thể về nghiệp vụ lưu trữ điện tử trong Chương IV của dự thảo luật.
Đại biểu Tạ Đình Thi - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).
Nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) nhấn mạnh, lưu trữ là một trong những vấn đề hệ trọng, chính tài liệu lưu trữ là tài sản quý, được trao truyền giữa các thế hệ, phản ánh một cách chính thống những giá trị truyền thống văn hóa lịch sử, thậm chí phản ánh trình độ phát triển, văn minh của một quốc gia, dân tộc.
Đại biểu cho rằng, chuyển đổi số trong lĩnh vực lưu trữ chính là sự thay đổi phương thức làm việc, chuyển công tác quản lý nhà nước về hoạt động lưu trữ lên môi trường số, dựa trên dữ liệu. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện chuyển đổi số đang có những hạn chế về nhận thức, nhân lực, kinh phí, hạ tầng, khung pháp lý.
Do đó, đại biểu nêu rõ, các quy định của luật phải khắc phục được những bất cập này. Cụ thể, cần có các quy định về cơ sở dữ liệu, tài liệu lưu trữ số, các hoạt động lưu trữ thực hiện trên môi trường điện tử, việc ứng dụng các công nghệ mới của cuộc cách mạng 4.0 vào hoạt động lưu trữ.
Cần thiết bổ sung nội dung lưu trữ tư vào phạm vi điều chỉnh
Đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).
Quan tâm đến hoạt động lưu trữ tư, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) chỉ ra rằng, từ thực tiễn, có rất nhiều tài liệu quý cần lưu trữ ở trong dân. Do đó, việc bổ sung nội dung lưu trữ tư vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật lần này là cần thiết.
Qua nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu cho rằng, hiện nay có tài liệu lưu trữ do Nhà nước thực hiện và tài liệu lưu trữ tư. Tuy nhiên, tài liệu lưu trữ do Nhà nước thực hiện có tính chất bắt buộc, có quy trình chặt chẽ về kiểm tra, phân cấp, quản lý, phân loại cụ thể, còn tài liệu lưu trữ tư thuộc sở hữu hợp pháp của gia đình, dòng họ, cộng đồng, tổ chức xã hội, tổ chức phi Chính phủ… mang tính chất tự giác, tự nguyện, tự bảo đảm kinh phí hoạt động và được huy động để sử dụng nguồn lực hợp pháp để hoạt động. Do đó, 2 hệ thống này có sự khác nhau rõ.
Tuy nhiên, về tổng thể, đại biểu Lý Tiết Hạnh nhận thấy, quy định về lưu trữ tư và lưu trữ do Nhà nước vẫn giống nhau, cùng một hệ quy chuẩn, quy định, và quy định như vậy sẽ có nhiều bất cập.
Do đó, để bảo đảm nguyên tắc chung của hoạt động lưu trữ, đại biểu Hạnh đề nghị cần rà soát kỹ các quy định về hoạt động lưu trữ tư để tương thích với các luật liên quan. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát, đánh giá lại thực hiện việc lưu trữ tư hiện nay như thế nào, bổ sung một số quy định về lưu trữ tư, có thể tư nhân hóa một số nội dung liên quan đến lưu trữ của Nhà nước; hoặc kêu gọi cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia hoạt động hiến tặng, trao đổi hoặc hợp tác trong các hoạt động lưu trữ tư…
Quang cảnh phiên họp của Quốc hội, chiều 27/11. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).
Cũng bày tỏ quan tâm đến quy định về lưu trữ tư, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế), đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ các quy định Nhà nước hỗ trợ hoạt động lưu trữ tư để bảo đảm tính khả thi, dù dự thảo đã dành một Chương riêng về hoạt động này.
Mặt khác, cơ quan soạn thảo cần bổ sung làm rõ quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân đối với tài liệu lưu trữ tư để quy tụ trí tuệ và di sản giá trị ở khu vực tư nhân trong hệ thống tài liệu lưu trữ chung của địa phương, quốc gia.
Cơ quan soạn thảo cũng cần nghiên cứu bổ sung quy định về một số tài liệu lưu trữ của các tổ chức tôn giáo theo hướng lưu trữ lịch sử của Nhà nước, và Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức tôn giáo trong hoạt động nghiệp vụ lưu trữ, bởi một số tài liệu lưu trữ của tổ chức tôn giáo có nội dung, giá trị đối với công tác nghiên cứu và hoạt động quản lý nhà nước.
Phát huy vai trò và sứ mệnh giá trị của tài liệu lưu trữ
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).
Giải trình về một số nội dung cụ thể đại biểu nêu tại phiên họp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm rõ hơn về một số nguyên tắc chung trong quá trình sửa đổi Luật lưu trữ. Theo đó, đây là luật chuyên ngành nhưng lại là luật có ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa và khoa học, góp phần tạo nên những giá trị gắn kết lịch sử, quá khứ, hiện tại và tương lai.
Về vấn đề lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số, Bộ trưởng cho biết, đây là nội dung mới được thiết kế thành một chương riêng, nhằm mục đích hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chính quyền điện tử và xã hội số, công dân số.
Trong quá trình xây dựng luật, Ban soạn thảo cố gắng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật chuyên ngành về công nghệ thông tin, giao dịch điện tử, an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước… đáp ứng yêu cầu kết nối và chia sẻ dữ liệu, thông tin về tài liệu lưu trữ.
Vấn đề đại biểu quan tâm và đề nghị làm rõ hơn về nghiệp vụ lưu trữ điện tử và lưu trữ số, gắn với chuyển về số, Bộ trưởng Nội vụ tiếp thu để hoàn thiện thêm, trong đó quy định lộ trình bảo đảm nguồn lực bố trí các điều kiện để thực hiện nội dung này.
Theo Bộ trưởng, tài liệu lưu trữ là tài liệu quý giá, là tài nguyên thông tin đa dạng, phong phú trong đó có nhiều tài liệu có giá trị quý hiếm của quốc gia và là di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam. Do vậy, việc sửa đổi luật bám sát các nguyên tắc sửa đổi căn bản, toàn diện trên tinh thần, chủ trương của Đảng đối với lĩnh vực lưu trữ, vừa kế thừa, vừa bổ sung, phát triển toàn diện về luật hiện hành, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và bảo đảm đồng bộ, không chồng chéo với hệ thống pháp luật hiện hành.
Bộ trưởng nhấn mạnh, vấn đề cốt lõi nhất của lưu trữ đó chính là bảo quản và lưu trữ, phát huy vai trò và sứ mệnh giá trị của tài liệu lưu trữ. Đây là mục tiêu quan trọng và là sứ mệnh của tài liệu lưu trữ, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển văn hóa và con người Việt Nam và cũng để thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hóa về các lĩnh vực lịch sử.
Giải trình vấn đề được đại biểu quan tâm liên quan lưu trữ tư, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, mô hình lưu trữ tư nhân chưa được pháp luật quy định một cách đầy đủ và tham khảo nhiều quốc gia trên thế giới.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu để thiết kế một cách cụ thể hơn, định hướng hỗ trợ hoạt động lưu trữ tư rõ ràng, mạch lạc và các tổ chức, cá nhân có quyền, trách nhiệm cụ thể trong quản lý lưu trữ tư, nhằm phát huy tối đa vai trò của khu vực tư trong quản lý lưu trữ và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Đêm Gala “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”: Đoàn kết là sức mạnh 21.12.2024 | 09:16 AM
- Khai mạc Chương trình giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn” lần thứ hai 19.12.2024 | 11:10 AM
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Quyết tâm đạt mục tiêu “5 không” trong bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán
- Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh: Kiểm điểm tập thể và cá nhân năm 2024
- Công tác tuyên giáo góp phần tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh
- Nhân lên sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025