Tăng cường đầu tư hạ tầng chiến lược, đấu tranh trấn áp tội phạm
Điểm sáng về hạ tầng giao thông chiến lược
Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết, khái quát về kết cấu hạ tầng năm 2023, có thể nói, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, kết quả việc phát triển kết cấu hạ tầng đã đạt khối lượng rất lớn.
Về con số, năm 2023, ngành giao thông đã khởi công 26 công trình, khánh thành 20 công trình của 5 lĩnh vực chuyên ngành và trên 6 vùng kinh tế. Cả 5 lĩnh vực chuyên ngành của giao thông năm vừa qua đều có công trình được khởi công, được quan tâm đầu tư đúng điểm nghẽn và các công trình đều mang tính chiến lược, động lực và đột phá.
Về hàng không, cuối năm 2023, chúng ta vừa khánh thành sân bay Điện Biên. Lần đầu tiên, các loại máy bay tầm trung A320, A321, Boeing 727 có thể cất cánh trực tiếp từ sân bay Điện Biên, thực hiện những đường bay dài đến thành phố Hồ Chí Minh và các nước trong khu vực châu Á. Bên cạnh đó, trong năm vừa qua, chúng ta cũng vừa khánh thành nhà ga hành khách Phú Bài, khởi công 2 công trình rất lớn là Nhà ga T3-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Về hàng hải, các luồng cho tàu biển lớn vào các cảng biển lớn đều được đầu tư hoàn thành. Lớn nhất có thể kể đến là luồng hàng hải cho tàu biển vào cảng Nam Nghi Sơn (Thanh Hoá) từ phao số 0. Thứ hai là luồng từ phao số 0 vào cảng CMIT thuộc khu vực Cái Mép-Thị Vải, có thể đón được tàu lên đến 100.000 tấn đưa vào khai thác không cần đợi thủy triều.
Về đường sắt, năm vừa qua, tuyến đường sắt hiện hữu đã được nâng cấp và đưa vào khai thác rất hiệu quả. Trong vòng 10 năm gần đây, lần đầu tiên Bộ Giao thông vận tải mở mới một ga liên vận quốc tế tại Bắc Giang. Chỉ sau 3 tháng mở ga liên vận, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và cả lực lượng hải quan đã hoàn thành cửa khẩu đường sắt vào sâu trong nội địa. Từ ga liên vận này, lần đầu tiên hàng hóa có thể xuất khẩu trực tiếp từ Bắc Giang sang Trung Quốc cũng như chiều ngược lại. Dự kiến, khối lượng hàng hóa xuất khẩu qua ga này lên đến 12 tỷ USD/năm, góp phần giải quyết tình trạng ách tắc nông sản hằng năm.
Bên cạnh đó, đường sắt Việt Nam cũng đã nâng cấp, mở ra các kho hàng, bãi hàng, kho liên vận quốc tế như từ ga Yên Viên mở thẳng sang ga Thạch Gia Trang (Trung Quốc) với 2 đôi tàu chạy liên tục hằng tuần hay tuyến đường sắt liên vận chạy thẳng từ ga Sóng Thần (Bình Dương) sang Trung Quốc. Đáng nói, trong 5 năm trở lại đây, nhờ sự phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt mà Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã kinh doanh có lãi.
Đường thủy nội địa cũng có nhiều công trình tạo động lực, phải kể đến là kênh Nối Đáy-Ninh Cơ rút ngắn tuyến vận tải thủy từ Hòa Bình về đến Ninh Bình hơn 80km, tiết kiệm chi phí về xăng dầu cho các doanh nghiệp khoảng 5 giờ và hơn 400 tỷ đồng.
Ở phía nam, tuyến kênh Chợ Gạo là tuyến huyết mạch kết nối từ vùng đồng bằng sông Cửu Long lên vùng Đông Nam Bộ đã nâng cấp và được đưa vào khai thác. Như vậy, riêng năm 2023, chúng ta đã đưa vào khai thác 475 km cao tốc. Con số này so sánh xấp xỉ bằng cả nhiệm kỳ 2016-2020. Đây là những điểm sáng về kết cấu hạ tầng năm 2023.
Về phân cấp uỷ quyền trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, có thể nói, việc phân cấp uỷ quyền là tất yếu khách quan. Ở bất kỳ quốc gia nào, muốn phát triển hiện đại thì một trong những điều kiện tiên quyết là phát triển kết cấu hạ tầng. Năm vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 5 quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông. Đây là bức tranh của hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Để thực hiện được điều này, khối lượng công việc là khổng lồ, dự kiến để đầu tư hạ tầng giao thông đến 2030 là khoảng 2 triệu tỷ đồng. Với khối lượng công việc này, Bộ Giao thông vận tải không thể tự mình thực hiện được (từ nguồn lực, con người và thời gian). Do vậy, việc các địa phương tham gia vào việc phát triển kết cấu hạ tầng là cần thiết.
Đặc biệt, việc phân cấp thời gian vừa qua đã phát huy ngay hiệu quả. Chính phủ chỉ đạo, Bộ Giao thông vận tải chủ trương tập trung vào quản lý Nhà nước, chỉ thực hiện các dự án có tính phức tạp cao, sử dụng công nghệ mới.
Thực tiễn đã chứng minh các cao tốc Hải Phòng-Hạ Long, Hạ Long-Vân Đồn, Vân Đồn-Móng Cái thì các địa phương đã chủ động xin được phân cấp là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án.
Vừa qua, tuyến cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ do tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư đã được khánh thành. Tất cả các dự án do địa phương làm chủ đầu tư như: Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh, Vành đai 4 Hà Nội, Biên Hoà-Vũng Tàu… đều đã khởi công. Các địa phương đều chủ động giải phóng mặt bằng và thu xếp nguồn vật liệu xây dựng thực hiện dự án.
Tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ khởi sắc
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, sáng 5/1, tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức báo cáo số liệu tăng trưởng tín dụng của năm 2023 là 13,71%. Như vậy, khối lượng tuyệt đối có thể đưa vào nền kinh tế là khoảng 1,5 triệu tỷ trong năm 2023.
Ngân hàng Nhà nước cũng dự kiến, năm 2024 sẽ tăng trưởng 15%. Như vậy, nếu tính trên cơ sở lượng tiền, dư nợ hiện nay là khoảng 13,56 triệu tỷ thì có nghĩa là gần 2 triệu tỷ sẽ được tăng thêm vào năm 2024 này. Tất nhiên, 15% tăng trưởng là nằm trong điều kiện tính toán hiện nay. Nếu như giữa năm và cuối năm điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, cho phép kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm được dòng vốn đối ứng và những đối tượng cần thiết, cũng như an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng thì sẽ giao thêm cho các ngân hàng thương mại để tăng trưởng tín dụng.
Trả lời cho câu hỏi: “Năm 2024 có thuận lợi hơn không?”; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, trước hết, qua tổng kết tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương sáng nay và đặc biệt là định hướng điều hành của Chính phủ, năm 2024 có nhiều dấu hiệu cho thấy sự khởi sắc của nền kinh tế. Điều này được xác định dựa trên cơ sở kết quả của năm trước.
Ông Đào Minh Tú mong rằng, nếu không có tác động khó khăn của quốc tế với Việt Nam như năm 2023 thì chắc chắn nhu cầu đầu tư của nền kinh tế sẽ tăng lên và phải có nguồn lực tất yếu để đáp ứng cho nhu cầu đầu tư, phát triển đó.
Thứ hai, muốn tăng tín dụng phải phụ thuộc vào các yếu tố như lãi suất. Hiện nay, lãi suất đã giảm và thấp hơn trước dịch nhiều. Thậm chí, có chuyên gia đánh giá, trong khoảng 10 năm hay 20 năm qua, mức lãi suất cho vay này là rất thấp. Đây là một trong những yếu tố cơ bản để tăng trưởng tín dụng có thể tăng mạnh.
Thứ ba, cơ chế điều hành cũng như việc triển khai thực hiện cho vay của các ngân hàng thương mại đã có sự chủ động và những cơ chế mới cho việc điều hành tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đã giao ngay từ trước ngày 1/1 vừa qua về hạn mức tín dụng là 15% để các tổ chức tín dụng phấn đấu đạt được chỉ tiêu đó. Nếu như ngân hàng, tổ chức tín dụng nào đạt được chỉ tiêu này mà vẫn có khả năng cung ứng thêm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm chất lượng cũng như an toàn hệ thống, bảo đảm điều kiện kinh tế vĩ mô cho phép thì sẽ được tiếp tục giao thêm.
Qua cơ chế, định hướng của Chính phủ, những điều kiện về lãi suất, nhu cầu vay, điều kiện vay của doanh nghiệp, cũng như cơ chế vận hành chung của các tổ chức tín dụng, mong rằng năm 2024 sẽ khởi sắc hơn rất nhiều so với năm 2023.
Tăng cường trấn áp tội phạm các loại
Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2023 được coi là điểm sáng trong kết quả công tác của hệ thống chính trị; trong đó, lực lượng công an nhân dân là chủ chốt, đặc biệt là trong công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực.
Bộ Công an luôn theo chủ trương "làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực" trên tinh thần thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, triệt để thu hồi tài sản cho Nhà nước, nhân dân.
Qua quá trình theo dõi các vụ án cho thấy, việc "làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng", ví dụ như: hành vi thao túng thị trường chứng khoán là vụ án liên quan Tập đoàn FLC; vi phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp là vụ Tập đoàn Tân Hoàng Minh; thao túng trong lĩnh vực ngân hàng là vụ Ngân hàng SCB (Vạn Thịnh Phát); thao túng chính sách là vụ vi phạm trong hoạt động đăng kiểm tại nhiều địa phương; lĩnh vực xăng dầu có vụ việc của Công ty Xuyên Việt Oil; liên quan đến tài nguyên, khoáng sản là vụ vi phạm ở tỉnh An Giang. Rõ ràng, qua các vụ án này, những người nào có ý đồ, tiếp tục thao túng thì sẽ chùn bước. Trong năm qua, qua các vụ án "làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng" thì thị trường chứng khoán, trái phiếu cũng tốt lên.
Đối với kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán cũng như các lễ hội đầu năm 2024, chủ trương của Bộ Công an là tạo môi trường an toàn, an ninh, lành mạnh cho nhân dân. Chính vì thế, Bộ Công an đã phát lệnh tổ chức cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Cao điểm này được triển khai từ ngày 15/12/2023.
Đại diện Bộ Công an cho biết, kết quả trong 15 ngày triển khai, tức là từ ngày 15/12 đến 29/12/2023.
Thứ nhất, Bộ Công an đã chủ động nắm chắc tình hình, bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia trên tất cả các lĩnh vực, bảo đảm đặc biệt an toàn các mục tiêu trọng điểm, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các sự kiện chính trị, kinh tế-văn hóa quan trọng của cả nước, tất cả các vùng đều bình yên.
Về kế hoạch tấn công trấn áp tội phạm, tập trung trấn áp tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến tín dụng đen, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án, tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản và các đối tượng khác thường xảy ra vào các dịp tết; tăng cường đấu tranh, triệt phá các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, xuyên quốc gia, các vụ sản xuất, mua bán ma túy trong nước; đẩy mạnh phát hiện, đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm; đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Kết quả, tội phạm về trật tự xã hội, tức là tội phạm hình sự giảm 8,75% so với 15 ngày trước cao điểm.
Tấn công trấn áp tội phạm đạt kết quả rõ rệt và con số, cụ thể: Điều tra khám phá 1.587 vụ phạm tội về trật tự xã hội; bắt, xử lý 3.544 đối tượng, trong đó khởi tố, bắt 103 vụ với 191 đối tượng liên quan tới hoạt động tín dụng đen; phát hiện, xử lý 1.379 vụ với 6.032 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về cờ bạc; bắt và thanh loại 192 đối tượng truy nã; phát hiện 2.474 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về kinh tế; 38 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ; 38 vụ phạm tội về sử dụng công nghệ cao; 97 vụ buôn lậu; 645 vụ sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm; 49 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả; triệt phá 2.713 vụ phạm tội về ma túy, bắt 4.112 đối tượng; thu giữ 27,83 kg heroin.
Về công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, Bộ Công an đã tổ chức vận động, thu hồi 2.121 súng, tăng 61% với 8919 viên đạn, 3150 vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ các loại; thu hồi 283 kg pháo nổ; phát hiện 581 vụ với 875 đối tượng sản xuất, mua bán, vận chuyển tàng trữ pháo trái phép; thu giữ 11 tấn pháo nổ.
Lực lượng công an luôn duy trì phương tiện, lực lượng thường trực chiến đấu, tuyên truyền, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy, xử lý các cơ sở vi phạm, nguy cơ cháy nổ cao; điều 454 lượt xe chữa cháy, phương tiện với 2.809 lượt cán bộ chiến sĩ, tham gia chữa cháy 133 vụ, cứu được 36 người.
Tiếp theo, tăng cường tuần tra, bảo đảm an toàn giao thông, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo chuyên đề như: vi phạm nồng độ cồn, ma túy, quá tải quá khổ, các xe container; phát hiện xử lý 145.841 vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt hơn 334 tỷ đồng, tước 31.462 giấy phép lái xe, trong đó có 36.560 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Việc vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông được tiến hành rất mạnh mẽ, tăng 83% so với 15 ngày trước cao điểm.
Đợt cao điểm này kéo dài đến giữa tháng 2/2024 nên lực lượng công an nhân dân tiếp tục tiến hành trấn áp tội phạm để bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân dân. Người phát ngôn Bộ Công an bày tỏ mong muốn, các nhà báo trong dịp Tết tiếp tục đưa tin, tuyên truyền, ủng hộ lực lượng công an thực hiện chức trách của mình.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
- Đổi mới sáng tạo ở báo Đảng: Dám nghĩ, dám làm, sẽ có đột phá 21.06.2024 | 11:20 AM
- Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân: Đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất 07.06.2024 | 18:53 PM
Xem tin theo ngày
- Lễ phát động “300 ngày chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam
- UBND tỉnh: Tiếp tục nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Khoa học - động lực cho phát triển
- Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 7,32%
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật