Thứ 7, 04/01/2025, 09:58[GMT+7]

Công tác phối hợp với tinh thần “hướng về dân, lắng nghe dân”

Thứ 5, 14/03/2024 | 09:26:26
1,720 lượt xem
Phát biểu chiều 13/3, tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế về phối hợp công tác giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Với kết quả đạt được, với tinh thần “hướng về dân, lắng nghe dân để được lòng dân”, sự phối hợp trong năm 2024 và các năm tiếp theo sẽ tiếp tục có những cải tiến, đổi mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của mỗi cơ quan và nhiệm vụ chung được giao".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: DUY LINH.

Bày tỏ nhất trí rất cao với ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các vị đại biểu, thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị hai cơ quan tiếp tục tăng cường phối hợp trong việc củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quán triệt sâu sắc chủ trương: Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, đường lối chiến lược quan trọng, xuyên suốt của Đảng; phát huy dân chủ trong xã hội, phát huy mọi khả năng sáng tạo của nhân dân để đẩy nhanh quá trình phục hồi, phát triển đất nước

Nghị quyết 43 của Trung ương giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các văn bản luật có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất; theo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rà soát các văn bản này.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị phát huy cao độ vai trò của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Hội đồng tư vấn của Mặt trận trong công tác xây dựng pháp luật với tinh thần “từ sớm, từ xa”.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai bên tăng cường phối hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tổ chức thật tốt việc góp ý kiến, phản biện xã hội đối với các dự thảo luật, cố gắng để chất lượng các luật sau khi được Quốc hội ban hành đều nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của nhân dân, cử tri, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại hội nghị. Ảnh: DUY LINH.

Hiện nay, Đảng đoàn Quốc hội đang chỉ đạo triển khai Đề án Đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả.

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai cơ quan nghiên cứu đề xuất các nội dung sửa đổi liên quan đến việc thực hiện vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Đoàn Chủ tịch tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong các hoạt động giám sát; xác định đúng, trúng các nội dung để đưa vào Chương trình giám sát năm 2025 của mỗi bên; phân công đại diện tham gia hoạt động giám sát theo Chương trình giám sát của mỗi bên.

Cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc tại 63 tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; tăng cường nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, phát huy tinh thần dân biết, dân bàn, dân kiểm tra.

Chung quanh những vấn đề được đại biểu quan tâm phản ảnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý hai cơ quan tiếp tục cố gắng tạo chuyển biến trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện; tăng cường giám sát, đôn đốc các cơ quan, tổ chức giải quyết kiến nghị; mặt khác, nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri, đa dạng hóa các hình thức tiếp xúc bảo đảm hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chụp ảnh lưu niệm với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đại biểu. Ảnh: DUY LINH.

Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị hai cơ quan phối hợp khẩn trương, tích cực để sửa đổi Nghị quyết liên tịch 525 về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Nghị quyết 753/2005/NQ-UBTVQH về tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân; ban hành Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, qua 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp cho thấy, công tác phối hợp giữa 2 cơ quan đạt được kết quả tốt hơn. Hai bên phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân kịp thời, bài bản, chất lượng hơn, góp phần phát huy dân chủ, tạo đồng thuận xã hội cao hơn.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến nêu rõ: Những nội dung cử tri và nhân dân quan tâm đều được giám sát ở các cấp độ khác nhau; hầu hết các cuộc giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia; công tác giám sát đã giúp Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm giải quyết rốt ráo nhiều lĩnh vực rất quan trọng: công tác phòng, chống dịch Covid- 19, giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm phục vụ công tác, chăm sóc sức khỏe nhân dân; điều chỉnh bất cập trong đổi mới sách giáo khoa, chương trình giáo dục phổ thông; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia...

Từ thực tiễn những năm qua, theo đồng chí Đỗ Văn Chiến: Quốc hội thật sự đồng hành với Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển; kịp thời tạo hành lang pháp lý để giải quyết việc khó, việc mới chưa có tiền lệ. Theo đó, với 5 kỳ họp bất thường tháo gỡ được nhiều “nút thắt”, được doanh nghiệp, người dân và các địa phương ghi nhận, hoan nghênh…

Theo báo cáo: Trong 5 năm qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động phối hợp Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc thực hiện Quy chế phối hợp, nhất là trong hoạt động tiếp thu, giải trình các ý kiến, kiến nghị sau giám sát, sau phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội.

Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện, Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội... đã có nhiều hoạt động phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhất là trong công tác xây dựng pháp luật, công tác giám sát, công tác dân nguyện và nhiều lĩnh vực công tác khác.

Trong xây dựng pháp luật, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp góp ý, phản biện xã hội đối với 47 dự án luật có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của các tầng lớp nhân dân, đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam , trong đó, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 là 30 dự thảo luật, pháp lệnh.

Chỉ riêng dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được tổng số 8.363.162 ý kiến góp ý cụ thể vào từng điều, khoản.

Với sự tham gia của cả hệ thống Mặt trận, đợt lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thật sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý rộng khắp trên cả nước, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường sự đoàn kết và đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân.


Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày