Thứ 6, 10/01/2025, 10:16[GMT+7]

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024) Tổng Bí thư Trần Phú và những bài học quý báu cho hôm nay

Thứ 4, 01/05/2024 | 08:27:45
803 lượt xem
Là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng lúc 26 tuổi, hy sinh ở tuổi 27, đồng chí Trần Phú để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau nhiều bài học sáng giá.

Chân dung cố Tổng Bí thư Trần Phú. Ảnh tư liệu.

Yêu nước nhiệt thành, nhất định sẽ đến với lý tưởng cộng sản và trở thành người cộng sản chân chính. Chưa đầy 20 tuổi, khi còn học ở Trường Quốc học Huế, Trần Phú đã sớm bộc lộ lòng yêu nước nhiệt thành. Anh sớm tìm hiểu và tham gia Hội Thanh niên tu tiến do nhóm học sinh lớp trên tổ chức để có điều kiện trao đổi tình hình chính trị - xã hội của đất nước, đặc biệt là các phong trào đấu tranh yêu nước và các trào lưu tư tưởng, văn hóa tiến bộ từ bên ngoài vào Việt Nam.

Khi dạy ở Trường Cao Xuân Dục, Trần Phú tranh thủ mọi cơ hội để tuyên truyền tư tưởng yêu nước cho học sinh qua các giờ giảng, đặc biệt là dẫn học sinh đi tới các di tích lịch sử. Thông qua những buổi dã ngoại đó, từ trái tim nhiệt huyết yêu nước, Trần Phú đã truyền cảm hứng cho học sinh về truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất của cha ông.

Trần Phú sớm đến với giai cấp công nhân và nông dân để hiểu thêm tình cảnh, cuộc sống bần cùng của họ. Thực tiễn hun đúc lòng yêu nước và hoài bão cứu nước trong trái tim, khối óc Trần Phú cho đến khi đồng chí biết được tổ chức Tâm Tâm xã và tấm gương Phạm Hồng Thái; liên lạc với các tù chính trị ở Côn Đảo trở về, đọc báo Le Paria của Nguyễn Ái Quốc...

Từ đó, Trần Phú cảm nhận được tín hiệu mới như “chim én báo hiệu mùa xuân”, đồng chí sớm tiếp thu ảnh hưởng tích cực của các sự kiện: Thanh niên Cộng sản đoàn, các lớp huấn luyện chính trị, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Báo Thanh niên ra đời ở Quảng Châu (Trung Quốc).

Là yếu nhân của Hội Phục Việt, Trần Phú đã tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước của hội, từ đó, đồng chí dấn thân vào con “Đường cách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc, đến với lý tưởng cộng sản và trở thành người cộng sản chân chính, nguyện đấu tranh suốt đời giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho Nhân dân.

Yêu nước chân thành, từ “cảm tính” đến “lý tính” của thế hệ thanh niên thời Trần Phú là để đấu tranh giành tự do, độc lập, cứu nước, cứu dân, đưa dân tộc thoát khỏi cảnh sống nô lệ, lầm than. Ngày nay, là người Việt Nam, đặc biệt lớp trẻ càng phải nuôi dưỡng, nung nấu, nâng cao lòng yêu nước, gắn yêu nước với yêu CNXH, thực hiện khát vọng cháy bỏng đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Giữ vững chí khí chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân. Toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Trần Phú từ lúc bước vào con đường hoạt động cách mạng chuyên nghiệp đến hơi thở cuối cùng là một trang sử tuy không dài nhưng tràn đầy ánh sáng của nghị lực, niềm tin. Đồng chí luôn nêu gương sáng về chí khí chiến đấu anh dũng, hiên ngang trước mọi đòn tra tấn, kìm kẹp, dụ dỗ của kẻ thù.

Tạp chí Quốc tế Cộng sản (5/1932) nhấn mạnh: “Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú của chúng ta đã hy sinh, nhưng tên tuổi của đồng chí sẽ vĩnh viễn sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đông Dương, cũng như sống mãi trong trái tim của những người lao động Đông Dương các thế hệ hôm nay và mai sau. Sự nghiệp cách mạng, lòng trung thành và thái độ bất khuất của đồng chí trong nhà tù đế quốc mãi mãi là tấm gương cho những người cộng sản ở tất cả các nước và nhất là cho những người cộng sản Đông Dương”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của Nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng. Đồng chí và hàng trăm nghìn đồng chí khác đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, giai cấp, dân tộc lên trên hết, trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu của mình vun tưới cho cây cách mạng. Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ ấy đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do.

Noi gương đồng chí Trần Phú là thực hành chí công, vô tư. Giữ vững và nêu cao chí khí chiến đấu hôm nay là chiến đấu chống giặc nội xâm, chống thói vô trách nhiệm, sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám đề ra ý kiến, không dám làm, không dám đổi mới sáng tạo, không dám đương đầu với khó khăn, thử thách, không dám hành động vì lợi ích chung. Chúng ta phải học tập tinh thần dũng cảm của đồng chí Trần Phú để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà đồng chí đã chuyển lại cho chúng ta vì một nước Việt Nam “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.

Di tích cách mạng số 90, phố Hàng Bông, Thợ Nhuộm (Hà Nội), nơi đồng chí Trần Phú viết dự thảo Luận cương chính trị. Ảnh tư liệu, chụp năm 1960. 

Bám sát thực tiễn, đúc kết lý luận, xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Nói đến Tổng Bí thư Trần Phú là nói đến Luận cương chính trị của Đảng năm 1930. Đặt trong bối cảnh quốc tế những năm cuối thập kỷ XX, đầu thập kỷ XXX của thế kỷ trước, lúc Đảng ta mới ra đời chưa được Quốc tế Cộng sản công nhận là một bộ phận chính thức, mới thấy hết giá trị lớn lao của Luận cương chính trị năm 1930, thể hiện sự nỗ lực, trí tuệ, tâm huyết, bản lĩnh và sức sáng tạo của đồng chí Trần Phú trong việc tiếp thu, vận dụng đường lối cách mạng thuộc địa của Quốc tế Cộng sản vào Đông Dương.

Bài học sáng giá cho hôm nay khi nói đến Đảng Cộng sản trước hết cần khẳng định: Đảng phải có một đường lối lãnh đạo đúng đắn, đó là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Khi nói về Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số Nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình”.

Thứ hai, Luận cương khẳng định Đảng lãnh đạo cách mạng hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, đưa đất nước tiến thẳng lên CNXH, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Quan điểm chỉ đạo của Đảng hiện nay là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH là theo tinh thần của Luận cương và các văn kiện thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng.

 Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú thuộc xã Tùng Ảnh (Đức Thọ). 

Thứ ba, để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, cần phải “bôn-sê-vích hóa” Đảng về tư tưởng; phải kiên quyết chống lại mọi sự làm lệch lạc đường lối của Đảng, những xu hướng cơ hội, bè phái; phải xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng trên cơ sở cương lĩnh của Đảng; làm cho Đảng ta trở thành một Đảng của quần chúng thực sự, luôn gắn bó mật thiết với Nhân dân. 

Theo: dangcongsan.vn

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày