Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc ngày 21/10, chia làm 2 đợt
Ngày 11/7, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 35, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành tổng kết Kỳ họp thứ 7 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.
Kỳ họp thứ 7 tiếp tục đổi mới, cải tiến, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn
Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên cả ba lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tiếp tục đổi mới, cải tiến, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn.
Cụ thể, Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết (có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật); cho ý kiến lần đầu về 11 dự án luật và xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác; trong đó, đã xem xét, quyết định kiện toàn nhân sự cấp cao của Nhà nước.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).
Trong thời gian giữa 2 đợt của Kỳ họp, với tinh thần trách nhiệm cao, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, cơ quan, tổ chức hữu quan đã làm việc khẩn trương, liên tục, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức họp để chỉ đạo tiếp thu, giải trình kỹ lưỡng, thấu đáo ý kiến của đại biểu Quốc hội và hoàn thiện các dự án luật, dự thảo nghị quyết.
Các nội dung còn có ý kiến khác nhau đều được xem xét, phân tích kỹ để tiếp thu, giải trình, bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua. Vì vậy, các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua với sự đồng thuận rất cao, trong đó có 2 luật và 1 nghị quyết nhận được sự tán thành của 100% đại biểu Quốc hội có mặt.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành xem xét, quyết định kiện toàn nhiều nhân sự cấp cao của Nhà nước, đây là một trong những nội dung trọng tâm của Kỳ họp. "Công tác nhân sự được tiến hành thận trọng, đúng định hướng của Đảng với quy trình, thủ tục chặt chẽ theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, đạt được sự đồng thuận, thống nhất rất cao của các đại biểu Quốc hội", Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV để ghi nhận các kết quả của Kỳ họp và quyết định nhiều nội dung quan trọng khác.
Trong đó, đã quyết định: thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024; tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ trong thời gian từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024; điều chỉnh một số nội dung liên quan chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030...
Dự kiến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội xem xét, thông qua 11 dự án luật
Về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, căn cứ các quy định của pháp luật, nghị quyết của Quốc hội và tình hình thực tế, dự kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật; cho ý kiến 12 dự án luật.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).
Trong trường hợp dự án Luật Điện lực (sửa đổi) được chuẩn bị tốt, đủ điều kiện thông qua theo quy trình tại một kỳ họp thì tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 dự án luật; cho ý kiến 11 dự án luật.
Bên cạnh các dự án luật đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trường hợp có dự án luật, dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật khác được bổ sung vào Chương trình, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để điều chỉnh nội dung Kỳ họp phù hợp.
Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Về dự kiến thời gian họp, do số lượng nội dung lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng tại Kỳ họp thứ 8 rất lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp, Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất tiếp tục tổ chức Kỳ họp thứ 8 theo 2 đợt họp (với khoảng cách 9 ngày giữa 2 đợt họp) để có thời gian cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.
Dự kiến, Quốc hội làm việc 23,75 ngày, khai mạc vào ngày 21/10/2024; bế mạc ngày 28/11/2024; dự phòng ngày 29/11/2024.
Đợt 1 được bố trí 15 ngày (từ 21/10 đến 8/11), chủ yếu bố trí thảo luận các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp và thảo luận ở Tổ một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến; chất vấn và trả lời chất vấn.
Đợt 2 diễn ra trong 9 ngày, từ 18/11 đến 28/11; chủ yếu bố trí Quốc hội biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết và thảo luận ở Tổ về một số dự án luật và thảo luận ở hội trường về các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến.
Hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh chương trình kỳ họp
Phát biểu tại phiên họp, các ý kiến cơ bản thống nhất với dự thảo Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; đồng thời nhấn mạnh, Kỳ họp đã hoàn thành khối lượng lớn công việc trên cả ba lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Các hoạt động tại Kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.
Bên cạnh kết quả đạt được, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu một số hạn chế, bất cập cần khắc phục trong các kỳ họp tiếp theo như: tình trạng có đại biểu Quốc hội sử dụng quyền tranh luận để phát biểu ý kiến, không rõ nội dung tranh luận; một số nội dung được đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp rất gấp, làm bị động cho các cơ quan thẩm tra; hồ sơ tài liệu gửi chưa đầy đủ, đánh giá tác động chưa cụ thể, chưa tốt nên gây nhiều vất vả trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý...
Về vấn đề cần rút kinh nghiệm, các ý kiến đề nghị cần hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh chương trình kỳ họp; đồng thời khắc phục tình trạng gửi chậm tài liệu.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan liên quan chuẩn bị thật kỹ, thật sớm các nội dung dự kiến trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8.
Theo đó, Chính phủ, các Bộ, ngành cần bám sát Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; việc gửi tài liệu cần bảo đảm trước 20 ngày để các đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu.
Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội bám sát tiến độ chuẩn bị của cơ quan soạn thảo; kịp thời đôn đốc, nhắc nhở hoàn thiện tài liệu; chủ động tổ chức nghiên cứu, thẩm tra.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát để hoàn thiện dự kiến nội dung Kỳ họp, trong đó lưu ý nội dung cần bổ sung vào chương trình Kỳ họp phải thực sự cấp thiết, cấp bách, được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
- Đổi mới sáng tạo ở báo Đảng: Dám nghĩ, dám làm, sẽ có đột phá 21.06.2024 | 11:20 AM
- Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân: Đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất 07.06.2024 | 18:53 PM
Xem tin theo ngày
- Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 7,32%
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật
- Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng, định hướng phát triển đất nước
- Khai mạc hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2024
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII