Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đầu tư mạnh cho xây dựng và hoàn thiện thể chế
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta vẫn đang thực hiện 3 đột phá chiến lược và ngày càng đẩy mạnh hơn, nhất là hoàn thiện thể chế vì thể chế vừa là nguồn lực, động lực cho sự phát triển. Trong các thảo luận của Hội nghị Trung ương 10 Khóa XIII vừa qua, chúng ta có thể cảm nhận rõ, tất cả đều nhận thức phải đẩy mạnh hơn nữa xây dựng và hoàn thiện thể chế, thể chế tiếp tục là một trong 3 đột phá chiến lược nhưng được nhấn mạnh, thúc đẩy hơn.
Thủ tướng khẳng định, qua thực tiễn, chúng ta thấy tầm quan trọng của thể chế. Một trong những lý do cán bộ công chức hiện nay còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai chính là do thể chế, tất nhiên điều này còn phụ thuộc lòng yêu nước, giáo dục, ý thức của mỗi người…; nhưng cần phải tháo gỡ về thể chế để cán bộ, công chức dám làm, không sợ sai. Do đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp tiếp tục làm việc này, trong đó ưu tiên nguồn lực con người, cơ sở vật chất, tài chính.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI).
Thủ tướng nêu rõ tinh thần trong Hội nghị Trung ương 10 Khóa XIII là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; không thể cứ để cấp dưới lên “xin” cấp trên, một vấn đề nhỏ mà tỉnh cứ phải lên “xin” ý kiến Trung ương. Chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết thì chúng ta cứ thế mà làm.
Thủ tướng nêu rõ, trong diễn văn khai mạc và bế mạc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu rõ: Tinh thần là địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm; Trung ương, Quốc hội, Chính phủ chỉ ban hành cơ chế, định hướng, thiết kế công cụ giám sát, kiểm tra.
Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, thủ trưởng các cơ quan phải quán triệt tinh thần này; tháo gỡ để phân cấp, phân quyền mạnh hơn, đi đôi phân bổ nguồn lực, đồng thời nâng cao trách nhiệm, năng lực thực thi cấp dưới. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành chỉ làm vấn đề chiến lược, quy hoạch, định hướng chương trình, đường lối phát triển quan trọng cho đất nước, không nên sa vào những vấn đề cụ thể, dễ tạo môi trường “xin-cho”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI).
Theo Thủ tướng, thực tế đã thấy rõ, chỗ nào tồn tại nhiều cơ chế “xin-cho” thì dễ nảy sinh tiêu cực, phải xử lý, kỷ luật. Chúng ta phải cải cách thủ tục hành chính ngay trong các luật định, thông tư. Thủ tướng bày tỏ không hài lòng về một số Nghị định đã giao một số bộ, ngành phải hoàn thành sớm mà đến nay chưa xong. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành phải nêu cao tinh thần vì nước, vì dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Các thành viên Chính phủ tham dự phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI).
Thủ tướng cũng yêu cầu phải cải cách thủ tục hành chính nội bộ; việc cải cách hành chính cũng phải được thể hiện trong các quy định của Luật, Thông tư, Nghị định; không thể để tình trạng càng ban hành luật lại càng khó thực hiện. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tăng cường quản lý nhưng cũng phải kiến tạo môi trường phát triển chứ không phải thắt chặt, "bó hẹp"; địa phương mạnh dạn quyết các vấn đề. Khi sửa đổi luật thì phải mạnh dạn làm với tinh thần “vướng ở đâu tháo gỡ” ở đó. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải xây dựng thể chế.
Chúng ta đang tăng tốc, bứt phá nhưng các luật mà còn chồng chéo nhau thì rất khó, không thể khuyến khích đổi mới sáng tạo; vấn đề nhỏ mà cũng phải đưa lên Quốc hội, Chính phủ thì không thể đổi mới sáng tạo được. Tinh thần Hội nghị Trung ương 10 vừa qua cũng nêu rõ, ngân sách trung ương chỉ tập trung đầu tư cho các dự án trọng điểm mang tính liên vùng, liên tỉnh, liên quốc gia và quốc tế. Thủ tướng yêu cầu rà soát tối đa các thủ tục; các bộ trưởng, trưởng ngành phải ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Thủ tướng nhấn mạnh, định hướng từ nay đến cuối nhiệm kỳ, chúng ta vẫn phải ưu tiên cho xây dựng và hoàn thiện thể chế; họp bàn phải có “đầu ra” không để ách tắc. Thủ tướng đánh giá, nội dung thảo luận tại phiên họp này đều là những vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Trung ương cũng nhấn mạnh tinh thần vướng mắc thì phải tháo gỡ. Các bộ, ngành khi thực hiện phải bám sát tinh thần này; khi thẩm định, các cơ quan phải nói rõ, các nội dung đã bảo đảm tạo không gian phát triển không hay chỉ siết chặt, "bó lại"? Chúng ta nên tập trung vào những vấn đề gì vướng thì thảo luận để sửa. Tinh thần phải đầu tư công sức, trí tuệ, không thể xem việc này là việc phụ vì đây là một trong ba đột phá chiến lược và ngày càng phải đẩy mạnh hơn nữa.
Đại diện lãnh đạo Bộ Công an phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI).
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ cũng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung dân chủ, kỷ luật, kỷ cương hành chính; nếu ai sợ trách nhiệm thì hãy “đứng sang một bên”; các bộ, ngành khi trả lời phải cụ thể, không chung chung, phân công phải “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”, không được đùn đẩy trách nhiệm. Thủ tướng nêu thí dụ và đề nghị lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét mô hình phát triển nhà ở xã hội đang được triển khai tích cực ở một số địa phương để nhân rộng; lưu ý trong các phong trào thi đua như “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” thì cũng cần đổi mới theo hình thức “chìa khóa trao tay” thì mới đẩy nhanh được, chứ như cách làm hiện nay rất chậm và ách tắc.
Các thành viên Chính phủ tham dự phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật. (Ảnh: TRẦN HẢI).
Thủ tướng nhấn mạnh, trong lúc này, các bộ, ngành cần tháo gỡ nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng, nhất là nỗ lực hơn nữa để bù lại những mất mát do thiệt hại to lớn do bão lũ gây ra. Với tinh thần đó, Thủ tướng mong các đại biểu tập trung nghiên cứu, phát biểu ý kiến ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề, bảo đảm hiệu quả.
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cho rằng, việc xây dựng, ban hành các luật nhằm quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về các lĩnh vực nêu trên; khắc phục những tồn tại, bất cập, hạn chế; phục vụ công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong thời gian tới.
Chỉ đạo về nguyên tắc, yêu cầu xây dựng luật, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thảo luận và cho ý kiến đối với từng nội dung của các dự án luật, Đề nghị xây dựng luật; giao các Phó Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ chủ trì phối hợp Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của thành viên Chính phủ, nghị quyết phiên họp, hoàn thiện hồ sơ dự án luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề lớn trong quá trình phối hợp chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật.
Kết luận chung về phiên họp, cho biết tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội thông qua 15 dự án luật; trình Quốc hội cho ý kiến 11 dự án luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, trong khi thời gian từ nay đến Kỳ họp thứ 8 còn rất ít. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ưu tiên tối đa thời gian, công sức, trí tuệ, tập trung nguồn lực cao nhất, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật để trình Quốc hội theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu.Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tập trung cao nhất cho việc hoàn thiện các luật, sửa đổi, bổ sung các quy định, nhằm đưa ra giải pháp mang tính đột phá để cởi trói, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.
Trong quá trình xây dựng pháp luật phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, tạo sự đồng thuận trong quá trình thẩm tra, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội; khẩn trương báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề phát sinh, những nội dung vượt thẩm quyền.
Thủ tướng lưu ý, quán triệt đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng vào trong các dự án luật, pháp lệnh. Trong xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng, bám sát và lấy thực tiễn làm thước đo; bảo đảm tính khả thi, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền triệt để, đồng thời huy động, phân bổ các nguồn lực có hiệu quả; thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thiểu tối đa chi phí cho người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xóa bỏ cơ chế xin-cho, giảm các khâu trung gian.
Thủ tướng yêu cầu xây dựng pháp luật phải thiết kế công cụ tăng cường quản lý hiệu quả phù hợp với điều kiện Việt Nam, song phải kiến tạo cho sự phát triển và tạo điều kiện huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; khuyến khích sự sáng tạo của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và có công cụ để xử lý những vi phạm của người dân, doanh nghiệp và các chủ thể liên quan, trên quan điểm không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng các luật cần kế thừa những quy định còn phù hợp, có tác động tích cực trong luật hiện hành; cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, luật hóa; những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, còn biến động thì không quy định cụ thể trong dự án luật mà đề xuất giao Chính phủ quy định, hướng dẫn cụ thể, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; quản lý được nhưng phải thông thoáng và rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; tranh thủ tối đa ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và các chủ thể liên quan; tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; tăng cường công tác truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận xã hội trong cả khâu xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Đêm Gala “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”: Đoàn kết là sức mạnh 21.12.2024 | 09:16 AM
- Khai mạc Chương trình giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn” lần thứ hai 19.12.2024 | 11:10 AM
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
Xem tin theo ngày
- Đánh giá kết quả triển khai công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Trao quà tết tại huyện Vũ Thư
- Đồng chí Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng các doanh nghiệp trao quà tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh
- Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương: Thăm, chúc tết tỉnh Thái Bình
- Gặp mặt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; thứ trưởng và tương đương trở lên đang công tác tại các bộ, ngành, địa phương; các tướng lĩnh và một số doanh nhân là người Thái Bình
- Trao quà tết cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn
- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội trao quà tết tại Thái Bình
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tiền Hải mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Gặp mặt cán bộ, hội viên Câu lạc bộ Lê Quý Đôn