Chủ nhật, 05/01/2025, 04:46[GMT+7]

Lựa chọn phương án tối ưu nhất trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy để báo cáo cấp có thẩm quyền

Thứ 5, 02/01/2025 | 17:25:06
701 lượt xem
Sáng 2/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” chủ trì Phiên họp lần thứ 7 của Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ bảy của Ban Chỉ đạo. (Ảnh: TRẦN HẢI).

Tham dự phiên họp có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thành viên Ban Chỉ đạo.

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo tập trung rà soát các công việc đã triển khai và thảo luận về các nội dung tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền trong thời gian tới; cho ý kiến về phương án kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển nhiệm vụ của Ủy ban về các cơ quan khác; và một số nội dung khác.

Theo báo cáo, đến nay tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã trình phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ.

Ban Chỉ đạo của Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị ở địa phương cơ bản đảm bảo tiến độ, yêu cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến kết luận Phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI).

Sau khi nghe các báo cáo, ý kiến, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận tinh thần, trách nhiệm cao của các thành viên Ban Chỉ đạo; yêu cầu Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tiếp thu các ý kiến để tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền.

Thủ tướng nêu rõ, kể từ phiên họp trước tới nay, chỉ trong thời gian ngắn, các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành đã tích cực, khẩn trương triển khai nhiệm vụ và hoàn thành nhiều công việc, nổi bật là 5 nội dung:

Lãnh đạo Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI).

Thứ nhất, thống nhất phương án hợp nhất, sáp nhập các bộ, ngành, cơ quan.

Thứ hai, các bộ, cơ quan đã cơ bản hoàn thành phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy bên trong để trình Chính phủ.

Thứ ba, Chính phủ đã ban hành 3 Nghị định liên quan đến chính sách, chế độ đãi ngộ với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Thứ tư, trình Chính phủ chuẩn bị ban hành Nghị định về quản lý tài sản công trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.

Các thành viên Ban Chỉ đạo tại Phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI).

Thứ năm, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan đã rà soát, tổng hợp các vướng mắc, các văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức, bộ máy để đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Chỉ đạo các nhiệm vụ trong thời gian tới, nêu rõ mục tiêu tổ chức bộ máy "Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng-Hiệu lực-Hiệu quả", Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo, các bộ, cơ quan tiếp tục rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền về phương án sắp xếp, tinh gọn các đơn vị, cơ quan theo kết luận, chủ trương, định hướng của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW, Ban Chỉ đạo của Chính phủ.

Đối với phương án sắp xếp của các cơ quan, đơn vị, Thủ tướng lưu ý cần lắng nghe ý kiến nhiều chiều; cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì hoàn thiện phương án, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định; với những vấn đề chưa chín, chưa rõ, còn ý kiến khác nhau thì đề xuất cấp có thẩm quyền để khẩn trương nghiên cứu bước tiếp theo và sẽ sớm báo cáo cụ thể hơn.

Các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo tham dự Phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI).

Thủ tướng chỉ đạo việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế phải gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; cần tiếp tục rà soát chính sách để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, với những vấn đề đặc thù thì cần rà soát, tổng hợp trên cả nước, đánh giá tác động để xây dựng, đề xuất một số chính sách phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, trong đó khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý tài sản công để có căn cứ xử lý vấn đề về tài sản công trong quá trình sắp xếp.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, xây dựng để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc xử lý các vấn đề vướng mắc, phát sinh liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, đặc biệt là những văn bản nếu không sửa ngay sẽ ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, đến nền kinh tế, cản trở sự phát triển.

Liên quan tới mô hình, phương thức quản trị, quản lý các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng yêu cầu tổng kết các mô hình hay, kinh nghiệm tốt, cách làm hiệu quả đã có trong thực tiễn, nghiên cứu lựa chọn phương án tối ưu nhất.

Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh, dù cơ quan nào thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước thì cũng phải giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp, trao quyền nhiều hơn cho hội đồng thành viên; các cơ quan chức năng tập trung xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, thực hiện công tác cán bộ và thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát.

Theo: nhandan.vn


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày