Thứ 2, 20/05/2024, 22:27[GMT+7]

Ý kiến cử tri gửi tới Kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh khóa XVI

Thứ 3, 10/07/2018 | 15:12:25
920 lượt xem
Kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh khóa XVI sẽ diễn ra từ ngày 10-12/7/2018. Phóng viên Báo Thái Bình đã ghi nhận ý kiến của cử tri và các tầng lớp nhân dân gửi tới kỳ họp.

Ông Nguyễn Văn Chế, xã Thụy Sơn (Thái Thụy)

Chúng tôi đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm 2018. Nông nghiệp từng bước được hiện đại hóa, cơ giới hóa, giảm sức lao động, sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa nên giá trị sản xuất được nâng lên. Nhân dân phấn khởi vì lúa xuân được mùa, năng suất cao. Cơ chế, chính sách thông thoáng nên đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn vào đầu tư phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao. Quy hoạch, xây dựng thêm nhiều cụm công nghiệp, nhiều nhà máy, xí nghiệp đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho người lao động. Xây dựng nông thôn mới được quan tâm, đẩy mạnh nên nhiều nơi thôn làng sầm uất như phố phường, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm vẫn còn một số hạn chế, vì vậy, tôi mong kỳ họp thứ sáu, HĐND tỉnh khóa XVI sẽ thảo luận, đề ra được các giải pháp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được cấp phép; bảo đảm vệ sinh môi trường, nâng cao công nghệ lò đốt rác thải sinh hoạt; duy trì, bảo đảm chất lượng nước sạch nông thôn; tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp...

Ông Nguyễn Tiến Chinh, xã Hợp Tiến, (Đông Hưng)

Xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước nên những năm qua đã được các tầng lớp nhân dân đồng thuận, hưởng ứng. Nhờ xây dựng nông thôn mới, người dân nông thôn được đi trên các con đường bê tông rộng rãi, thoáng đãng ra tới tận ruộng, ruộng được dồn thành các thửa lớn thuận tiện đưa máy móc vào sản xuất. Công nghiệp về làng khiến làng quê sôi động, nhộn nhịp, đời sống nhân dân được nâng cao. Con em được học trong các ngôi trường khang trang… Tuy nhiên, những xã chưa về đích nông thôn mới lại là các xã đặc biệt khó khăn, vì vậy, HĐND tỉnh cần xem xét, nghiên cứu, tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ có tính đặc thù để các xã có nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng phấn đấu về đích nông thôn mới sớm. Với những xã đã về đích cũng cần có cơ chế hỗ trợ để nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là tiêu chí về cơ sở hạ tầng.

Ông Nguyễn Văn Doanh, xã Thống Nhất (Hưng Hà)

Ô nhiễm môi trường hiện đang là vấn đề bức xúc ở nhiều địa phương. Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, giám sát việc gây ô nhiễm môi trường của một số doanh nghiệp theo ý kiến cử tri; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách để nâng cao chất lượng xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, rác thải ngày càng nhiều, công nghệ xử lý rác thải còn hạn chế, một số doanh nghiệp tại khu, cụm công nghiệp vẫn xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Vì vậy, đề nghị HĐND, UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, nâng mức hỗ trợ các địa phương xây dựng lò đốt rác công nghệ hiện đại; có chế tài xử phạt đủ sức răn đe với hành vi gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp, các làng nghề.

Ông Bùi Công Toan, xã Vũ Quý (Kiến Xương)

Từ khi bàn giao hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện quản lý, Điện lực Thái Bình đã quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp một số cột điện, lắp mới một số trạm biến áp, thay thế, nâng cấp một số tuyến đường dây hạ thế. Đặc biệt, chất lượng nguồn điện phục vụ người dân gần đây có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, hệ thống cột điện và dây điện ở một số khu vực xuống cấp, nguy cơ gây mất an toàn. Nhiều nơi, tình trạng dây điện, cáp viễn thông, truyền hình giăng mắc chằng chịt, gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, là mối đe doạ đối với người dân nhất là trong mùa mưa bão. Nguy hiểm hơn, nếu xảy ra chập cháy, những đường dây nằm sát khu dân cư có thể gây cháy lan vào nhà dân, gây thiệt hại nghiêm trọng. Rất mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, di chuyển cột điện nằm trên lòng đường, thu gom, tháo gỡ dây điện, dây cáp viễn thông cũ, không sử dụng nữa.

Ông Nguyễn Văn Đệ, xã Tân Lập (Vũ Thư)

Nhằm tạo động lực giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cùng với các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nông thôn của trung ương, HĐND tỉnh đã xây dựng và ban hành nhiều nghị quyết hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển. Các chính sách này góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các cách đồng mẫu lớn. Song sản xuất nông nghiệp hiện nay đang tiềm ẩn những rủi ro rất lớn. Vấn đề đầu ra cho nông sản đang gặp khó khăn, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa của nông dân còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Vì vậy, tôi đề nghị tỉnh quy hoạch vùng sản xuất hợp lý hơn với điều kiện thổ nhưỡng, nâng cao hiệu quả sản xuất của các cánh đồng mẫu lớn; có cơ chế cụ thể, rõ ràng trong thực hiện tích tụ ruộng đất. Tiếp tục hỗ trợ nông dân mua một số loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ thuốc diệt chuột, tổ chức diệt đồng loạt mới phát huy hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Miến, phường Kỳ Bá, (thành phố Thái Bình)

Cử tri rất mừng là chất lượng giáo dục- đào tạo của tỉnh những năm qua vẫn được duy trì và nâng lên; cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt cao. Vừa qua tỉnh cũng đã cho phép một số địa phương tổ chức tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo viên năm 2018 ở bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở một số bậc học, trường học, bộ môn. Tuy nhiên, để giữ vững và nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh quan tâm thảo luận, đưa ra giải pháp chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định, không để xảy ra tình trạng lạm thu ở các trường học; công tác đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp đội ngũ giáo viên, về tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cục bộ. Khi sắp xếp đội ngũ giáo viên cần xem xét cả về phẩm chất, đạo đức, tư cách của nhà giáo. HĐND tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ các trường nâng cấp, khắc phục các công trình vệ sinh xuống cấp.

Ông Nguyễn Trọng Đạt, xã Thụy Chính (Thái Thụy)

Tôi rất mừng và đồng thuận với chủ trương xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, là khu kinh tế ven biển, bao gồm 30 xã, thị trấn thuộc 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải, trong đó huyện Thái Thụy có 14 xã và thị trấn Diên Diềm. Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình sẽ thu hút đầu tư, tăng trưởng công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh nói chung, của 2 huyện biển nói riêng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Được biết đây là khu kinh tế tổng hợp đa ngành mang tính đột phá của tỉnh, nhằm khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí trong việc kết nối kinh tế thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận. Vì vậy, tôi đề nghị tỉnh tập trung đầu tư triển khai xây dựng sớm Khu kinh tế Thái Bình theo lộ trình đã đề ra. Trong quá trình triển khai, phải lựa chọn các doanh nghiệp, nhà đầu tư có uy tín, chất lượng, không gây ô nhiễm môi trường, phát triển mạnh kinh tế biển gắn với du lịch sinh thái. Quy hoạch, thu hồi đất phục vụ xây dựng Khu kinh tế Thái Bình phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Nam, xã Duy Nhất (Vũ Thư)

Qua theo dõi trên hệ thống truyền thông, tôi thấy các kỳ họp trước của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã có nhiều đổi mới, chất lượng, hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng cao. Song cử tri mong muốn bên cạnh những quyết định quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, ngân sách, kỳ họp cần bàn thảo và quyết định các vấn đề mang tính cấp bách, bổ sung, điều chỉnh kịp thời những bất cập nẩy sinh trong quá trình thực hiện các nghị quyết đã ban hành. Tập trung giải quyết dứt điểm một số vấn đề cử tri kiến nghị tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Dành nhiều thời gian hơn nữa cho phiên chất vấn, đại biểu phải theo đến cùng vấn đề chất vấn, thủ trưởng các ngành trả lời thẳng vào vấn đề và thực hiện đúng lộ trình, giải pháp đã đề ra. Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên tổ chức giám sát việc thực hiện trả lời chất vấn của thủ trưởng các ngành tại các kỳ họp trước.

Ông Nguyễn Văn Tiến, xã Đông Hà (Đông Hưng)

Trong nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, HĐND tỉnh cũng đã đề ra nhiều giải pháp để các cấp, các ngành tăng cường quản lý, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm, buôn bán hàng giả, hàng nhái. Thời gian qua, các cấp, các ngành có liên quan đã vào cuộc tích cực, tổ chức các đợt thanh, kiểm tra đột xuất, định kỳ phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, buôn bán hàng giả. Song, tình trạng sử dụng chất kích thích tăng trưởng cấm trong chăn nuôi, sản xuất các loại rau xanh, hóa chất cấm dùng chế biến nông sản, thủy sản, hóa chất tẩy rửa thịt, cá ôi thối hoặc thực phẩm không rõ nguồn gốc, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nhân dân. Thậm chí, họ còn buôn bán thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng dẫn đến việc phòng trừ sâu bệnh của bà con nông dân không hiệu quả, năng suất cây trồng thấp. Trong khi đó, quy định xử lý vi phạm chưa bảo đảm tính răn đe nên người tiêu dùng hàng ngày vẫn mua, sử dụng hàng kém chất lượng. Cử tri đề nghị các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để người tiêu dùng tự bảo vệ mình, lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin, lên án, tẩy chay những cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm an toàn thực phẩm. UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng cơ chế ngăn chặn các thực phẩm nguy hại từ bên ngoài vào tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất để sản xuất sạch phát triển.

Ông Bùi Ngọc Đảng, xã Vũ Công (Kiến Xương)

Thời gian qua, việc chi trả chế độ chính sách cho người có công, người từng tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/điôxin được thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số đối tượng làm giả hồ sơ để trục lợi chính sách, gây bức xúc trong nhân dân. Cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng khẩn trương tiến hành rà soát, phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp sai phạm, chi trả không đúng đối tượng và hành vi làm giả hồ sơ, thủ tục để nhận chế độ chính sách. Cử tri cũng mong muốn tỉnh  kiến nghị với trung ương sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, có những điều chỉnh phù hợp trong quá trình thực hiện việc chi trả chế độ chính sách cho người có công, người từng tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam/điôxin góp phần bảo đảm sự công bằng cho người dân.

Ông Trần Bá Duy, xã Vũ Lễ (Kiến Xương)

Trong xây dựng nông thôn mới, nhiều xã đã về đích nhưng một số địa phương vẫn xử lý rác thải theo phương thức chôn lấp, không bảo đảm tiêu chuẩn sẽ gây ô nhiễm mỗi trường nước và đất. Cử tri mong muốn, các cấp, các ngành tham mưu với tỉnh có cơ chế phù hợp hỗ trợ các địa phương xây dựng lò xử lý rác thải tập trung bảo đảm xử lý triệt để rác thải. Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ xi măng; tuyên truyền vận động nhân dân góp công, góp của đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đầu tư kinh phí nâng cấp các tuyến đường liên xã đã xuống cấp tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.  

Thu Hiền – Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày