Thứ 7, 23/11/2024, 02:52[GMT+7]

Chung măng tây

Thứ 2, 23/07/2018 | 08:44:24
4,146 lượt xem
2,2ha trồng măng tây mỗi ngày cho thu hoạch từ 30 - 50kg, với giá bán từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng gia đình anh Trần Văn Chung ở thôn Phúc Trung Bắc, xã Phúc Thành (Vũ Thư) thu về hàng chục triệu đồng.

Anh Chung cho biết: Măng tây có giá trị dinh dưỡng cao, có khả năng tăng cường sinh lực, chống lão hóa, béo phì, giảm cholesterol, giúp ổn định huyết áp, phòng ngừa đột quỵ, đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Măng tây chỉ trồng một lần nhưng lại cho thu hoạch từ  7 - 10 năm nếu chăm sóc tốt. Vì thế, khi được biết và tìm hiểu về loại măng tây, tôi đã bị thuyết phục và quyết tâm trồng măng tây trên đồng đất địa phương để phát triển kinh tế.

Để thực hiện dự định của mình, năm 2017, anh Chung thuê 2,2ha đất. Do đây là vùng đất trũng nên gia đình anh phải cải tạo, tiến hành làm luống và hệ thống tưới, tiêu, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển và tỷ lệ nảy mầm của măng. Chưa có kinh nghiệm, anh tự mày mò học hỏi từ những mô hình trồng măng tây ở Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội… và tham khảo, nghiên cứu trên các trang mạng. Tuy nhiên, năm đầu tiên trồng măng tây anh Chung thất bại do thời tiết bất thuận. Mưa nhiều cộng thêm thiếu kinh nghiệm chăm sóc, 320 triệu đồng tiền giống và tiền thuê 7 nhân công mất trắng. Thất bại ngay từ khi khởi nghiệp nhưng không làm anh nản chí. 

Từ kinh nghiệm tích lũy trong năm đầu thất bại, đầu năm 2018, anh quyết định trồng măng tây theo hướng hữu cơ. Phân bón cho cây, anh mua phân bò, gà ủ mục trong 6 tháng rồi đem bón. Việc làm cỏ cũng được thực hiện thủ công. Đối với sâu bệnh, gia đình anh không tiến hành phun thuốc trừ sâu mà dùng phương pháp bắt tay. Qua thường xuyên theo dõi, anh nắm được chu kỳ sinh sản, phát triển và đặc tính của sâu. Sâu hại măng tây là loại sâu to, khỏe, thường xuất hiện nhiều vào các tháng 3, 4, 9, 10. Sâu thường bám thân cây vào buổi tối, vì thế anh cùng mọi người dùng đèn pin để bắt. Việc bắt sâu bằng tay thường tốn công nhưng hiệu quả cao và ít gây hại cho cây.

Măng tây cho thu hoạch đều mỗi ngày.

Nhờ kiên trì chăm sóc, đến nay, 2,2ha măng tây đã cho “quả ngọt”. Vào mùa hè, mỗi ngày gia đình anh thu hoạch được từ 30 - 50kg. Mùa thu măng cho thu hoạch cao hơn, có thể đạt trên 70kg/ngày. Mùa đông, thời tiết lạnh, cây măng tây ít cho thu hoạch nên đây gọi là thời kỳ cây nghỉ đông. Do ít sử dụng phân bón hóa học, không phun thuốc trừ sâu nên măng tây của gia đình anh nhỏ nhưng có độ giòn và ngọt. Số lượng măng thu hoạch không đủ cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Nhân công tiến hành thay thế những cây măng tây mẹ cũ bằng những mầm mới.

Anh Chung cho biết thêm: Măng tây chịu ảnh hưởng khá lớn của thời tiết, ưa nhiệt độ từ 28 - 32oC. Khí hậu miền Bắc lại nắng mưa thất thường, nếu không che chắn sản lượng măng thu hoạch thường thấp hơn một số vùng trồng măng khác. Sau khi trồng khoảng 4 - 5 tháng, măng tây đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, việc thu hoạch phải được thực hiện trước khi mặt trời mọc bởi sau khi có nắng măng tây sẽ nhanh già, chất lượng không cao. Để bảo đảm chất lượng măng sau thu hoạch, gia đình anh Chung phải thuê thêm 7 nhân công. Công việc thu hoạch măng mùa hè được bắt đầu từ 3 giờ 30 phút sáng. Để hạn chế tác động của thời tiết, hiện anh Chung đang tiến hành trồng thử nghiệm măng tây tại hệ thống nhà lưới ở tỉnh Hưng Yên. Nếu thành công, anh dự tính sẽ tiếp tục đầu tư trồng măng tây trong nhà lưới với diện tích ban đầu 5 sào.

Dám nghĩ, dám làm, vợ chồng anh Chung đã đưa thêm một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao về địa phương, góp phần giải bài toán cho vùng đất cấy lúa năng suất thấp và mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp, nông thôn xã Phúc Thành.

Hoàng Lanh