Thứ 5, 05/12/2024, 09:58[GMT+7]

Từ trang nhật ký của người lính hiểu thêm cội nguồn sức mạnh Việt Nam

Thứ 3, 24/07/2018 | 08:38:15
3,979 lượt xem
Khác với những quyển nhật ký của bao người lính viết trước và sau những trận đánh khốc liệt, cuốn nhật ký này kể lại cuộc sống, tâm tư, tình cảm, đặc biệt là cuộc đấu tranh nội tâm của người lính trong những ngày luyện tập trên đất Bắc chuẩn bị vào chiến trường khói lửa.

Trang nhật ký đầu tiên ngày nhập ngũ của liệt sĩ Đỗ Đình Xô.

Và chỉ qua một số đoạn đủ cho ta hiểu thêm về cội nguồn sức mạnh để hàng triệu chiến sĩ vượt qua những suy nghĩ cá nhân, dấn bước vượt Trường Sơn vào cuộc chiến đầy hy sinh gian khổ làm lên chiến thắng vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đôi dòng cảm nhận

Đúng dịp tháng tư lịch sử, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Nhân Bình, doanh nhân Đỗ Kim Định đưa tôi quyển nhật ký của người anh trai liệt sĩ Đỗ Đình Xô ghi lại hơn 7 tháng luyện tập đến ngày lên đường vào Nam chiến đấu. Với giọng văn giàu hình ảnh, tình cảm, chân thành, những đoạn nhật ký như những thước phim sống động, ở đó hiện lên cuộc sống luyện tập gian khổ, nỗi nhớ, tình yêu gia đình, xưởng máy, quê hương, nhất là với những người thân yêu. Và hiện lên sau từng trang nhật ký là danh dự con người, là tinh thần trách nhiệm của người công dân trước vận mệnh Tổ quốc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng đất nước. Đặc biệt là tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của các thế hệ thanh niên thời chống Mỹ.

Một tinh thần sẵn sàng lên đường, chiến đấu, hy sinh

Ngày 31/1/1971: Ngày lên đường nhập ngũ. Đêm ngủ Nam Toàn, đêm đầu tiên trong đời người lính. Chăn mỏng lạnh quá, gia đình tốt quá nhường cả chăn chiếu và ổ rơm cho mà ngủ.

Ngày 12/2/1971: Buổi trưa của rừng núi Hòa Bình. Tiếng chim rúc rích và núi giăng mù, gió Đông Nam về rồi thế là mùa xuân đã khoác lên núi đồi cái áo xanh tươi trẻ thay áo vàng tàn tạ mùa đông.

Ngày 18/4/1971: Sao sợ thế những lúc ngồi rỗi như thế này. Tất cả thành phố, gia đình, bạn bè, tất cả những cái gì xưa kia quen thân cứ gọi xô về bao nhiêu buồn buồn ấy. Rặng núi cứ sầm sập mà ngăn lấy tầm mắt, hướng Đông Bắc, hướng quê nhà.

Ngày 22/4/1971: Nếu không có gì thay đổi thì sẽ đảm nhận trách nhiệm A phó rồi đấy. Nhiệm vụ mới quả là nặng nề hơn một chiến sĩ bình thường. Thôi hãy cố gắng lên vì nhiệm vụ cách mạng. Bình tĩnh, khôn khéo, lắng nghe... “Là đoàn viên thanh niên có nghĩa là phải làm thế nào cống hiến toàn bộ công tác, toàn bộ sự nghiệp của mình cho cách mạng!” (Lênin).

Ngày 23/4/1971: Đồng Rặt ơi, mấy chục giờ nữa là xa nhau rồi đấy. Chào nhé, những ngọn đồi cỏ gai in dấu chân ta những buổi tập rèn, chào nhé những con đường mòn đá nổi lô nhô, chào đêm tối Đồng Rặt mênh mông tiếng dế kêu, chào giếng nước có cây bưởi ven đồi thơm thơm hương buổi sáng, chào những người mẹ dân tộc Mường chân chất yêu thương, chào các cô gái, với nụ cười mang muôn vẻ duyên dáng của hoa rừng.

Ta lại ra đi, tiếp những con đường vào gian khó và vinh quang: chiến đấu. Ta ra đi mang tất cả tình yêu đất nước, quê hương ra trận. Đồng Rặt ơi, hẹn ngày về chiến thắng!

Ngày 14/5/1971: Nghe kẻng và bật dậy... Cứ thế từ 6 giờ 30 sáng đến 9 giờ, 10 giờ và có hôm 11 giờ khuya... Sáng báo động hành quân từ 3 giờ đêm, chạy 10km lấy than, tới thao trường, chiều lại đi 10km lấy than, tối đến thao trường nhấp nháy... xạ kính. Đấy, cứ thế lá thư chẳng kịp ghi, áo quần tắm rửa phải hết sức tranh thủ gấp rút. Càng đi sâu vào đời người lính càng gian khổ và bận nhiều.

Ngày 12/6/1971: Cái buổi chiều ấy, đêm ấy sao hãi hùng thế, tiếp theo là những ngày chưa bao giờ gặp phải trong đời mình, cơn sốt cứ lên, mệt và tức thở, bụng đau đớn và đi ngoài liên tục, một hột đường không có và trong túi chẳng còn lấy 1 hào... Cách nhà có 30km thôi nhớ quá.

Ngày 24/6/1971: Buổi sáng, cầm tờ giấy ra viện, đứng giữa thị xã mà lòng rối bời bao nỗi giằng co! Muốn về nhà quá, Thành Nam! Ơi tiếng còi tầu náo nức ngoài ga và những chuyến xe Nam Hà ì ầm lấy khách. Về ư? Chỉ 45 phút thôi là thấy cậu mợ và các em! Đeo ba lô, đi dưới trời mưa nhẹ mà nôn nao khó tả!... Chữa giấy đi ư? Bác sĩ đã gợi ý rồi đấy! Mình hết giở giấy ra lại cất giấy vào! Mông lung, đắn đo! Xô ơi, liệu mà vén tay áo đốt nhà táng đấy! Nếu đơn vị biết thì bẽ mặt! Và bao nhiêu ngày cố gắng thế là đi vèo! Nghị lực ơi! Hãy nén lại khát khao về với gia đình đi. Cố lên! Cố lên nào, về nhà mà vui trong phấp phỏng lo âu thì sao đây? Mình phải rẽ vào một hàng nước để lấy lại bình tĩnh. Mình đã thắng, cái quyến rũ đã bị đẩy lùi, lên xe về thẳng đơn vị!

Ngày 24/7/1971: Trong bước đường đi đến tương lai, vấn đề vào Đảng đã bao nhiêu lần mình day dứt... nhưng trước sau mình sẽ cố gắng kiên tâm rèn luyện trong đội quân cách mạng. Đảng sẽ hiểu mình. Nếu vì nguyên tắc, mình không trở thành một đảng viên thì cũng là một quần chúng tốt của Đảng. Trong tập thể gang thép này, lẽ sống cao đẹp phải là hy sinh chiến đấu vì lợi ích của cách mạng phải nhen cho ngọn lửa ấy bốc cao trong mình!

Ngày 27/7/1971: ...Chạy nhanh lên tầu ơi, đây rồi ta đợi, ta mong... Ôi kia rồi những ngọn đèn thành phố, những ngọn đèn chong mắt thức với phố phường xưởng thợ, thức với ca chiều ca đêm, thức với bến phà ngọn sóng, bóng những lưng trần bốc vác... Thành Nam yêu thương ơi, chào quê hương nhé, 6 tháng rồi mới trở lại hôm nay!... Ôi, lại được đặt chân lên những phố phường năm xưa từng thấm giọt mồ hôi mình, từng thấm máu đồng chí những ngày chiến tranh…

Nhà máy của ta ơi, tiếng máy nổ vẫn đều đặn rền rền cho những ánh đèn rực rỡ như ngày xưa ta còn đi ca đấy ư... Tất cả vẫn như xưa... tiếng máy reo ầm ì, vẫn như xưa người bạn gái cúi xuống thao tác những đường răng... Vẫn như xưa mà sao tim ta đập mạnh thế khi vào thăm lại nhà máy ơi... dãy máy vẫn sóng hàng, làn phai vẫn ra đều... bao đêm rồi ta nhớ máy ơi, chiếc thước cắp đây từ tay bạn chỉ cho ta từng mi crông... Đứng lặng đi mà trông cỗ máy của mình. Máy C616, “Cỗ máy thanh niên”.

Ngày 28/8/1971: Sao nhiều thế mưa gió ơi, tất cả đất trời mịt mù mờ ám. Gió mưa có biết không nỗi lòng quặn đau của người lính đang thương mẹ, thương em sống nổi trôi nơi bờ bãi vì bão và lụt ở quê nhà.

Ngày 1/9/1971: Một tin buồn đau lòng đến với mình. Nhà cửa thế là tiêu mất cả. Chao ôi bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu gom góp hàng năm trời của cậu mợ và các em, của mình thế là bão lụt quái ác đã cuốn đi. Biết làm sao bây giờ cậu mợ! Còn đâu? Ở đâu?

Ngày 17/9/1971: Đợt này Xô bị đau lưng rồi lại đau chân... Trước ngày hành quân có 48 tiếng, lo quá, chả lẽ lại bỏ ở nhà. Xô phải tìm đủ mọi cách chạy chữa. Bóp cả buổi dầu nóng và phải nhờ chị chủ nhà dẫn tới 1 cô chửa con so bóp cho 1 tiếng liền. “Chao ôi, chưa bao giờ Xô bị đau mà lại tích cực lo toan thuốc thang như lần này”…

Ngày 20/9/1971: Hai ngày rồi, cơn sốt... lắm lúc mình tưởng rằng gục mất... Mình cố cắn răng bám đội hình, tai ù đi, đầu nóng giần giật. Người chiến sĩ cách mạng phải chịu đựng gian khổ, mình cứ tự nhủ mỗi bước đi rằng, cố gắng, cắn răng vào mà bước, đừng để anh em phải khiêng cáng. Cố, cố khi nào ngất thì nhờ đến anh em.

Ngày 25/9/1971: Hãy còn giữa mùa thu, xanh thắm da trời. Một vài cơn gió đông bắc sớm đem đến cái lành lạnh báo hiệu mai mốt mùa đông. Nhiều lúc Xô cứ lo lo rằng không đủ sức mà vượt nổi Trường Sơn. Xô ghét cái ốm vô cùng ở đời người lính. Lúc ấy Xô cứ muốn bật lên gọi mẹ. Tiếng mẹ lúc này cũng nguy hiểm, nó dễ làm mình yếu lại.

Ngày 28/9/1971: Ngày lên đường về phép đã tới. Trở lại quê hương lần này nữa rồi lên đường khói bụi của cuộc chiến đấu đang tiếp diễn.

Ngày 7/10/1971: Còn 4 ngày nữa, ngày tôi ra đi, ngày rời quê hương vào mặt trận.

Thành phố tôi đang đẹp những tối trăng giữa mùa thu, ánh trăng và mặt trăng ngọt như bánh của các em bày cỗ đêm rằm. Tôi đi ngắm bao nhiêu cái dịu dàng của thành phố trong tà áo những bạn gái, ngắm cái “hoa lệ” của mảnh đất tôi lớn lên... Buổi ấy, tôi hẹn vợ chồng Phụ ở cửa nhà hát nhân dân để đi xem. Đứng chờ lâu không thấy, tôi đi một mình và nghĩ đến mình khi thấy những đôi bạn tình qua trước mặt.

Tôi, một mình với áo quần người lính. Tình yêu, giá bên mình lúc này có một cô gái. Cô đơn chăng, cũng chẳng phải. Mình đâu phải không có lấy một người bạn gái, đâu phải không tìm nổi một người yêu. Ngày mai đã lên đường rồi, cuộc sống hiện tại của người lính bảo mình hãy từ chối tình yêu.

Một người đồng đội đi vội vã phía bên kia đường, anh đi, lưng nặng ba lô, tay xách túi dáng cúi cúi thân thuộc của người lính. Anh không để ý đến tất cả. Tôi nhìn theo anh, đồng chí ơi, anh đi vội ra tầu để kịp giờ lên đơn vị trả phép đấy ư? Người lính, tôi và anh và bao nhiêu đồng chí, chúng ta ra đi, thẳng tới chiến trường...

Một buổi chiều ngồi với mợ, tôi nhìn mợ tôi mà lòng trào lên bao xót xa. Con thương mợ nhiều lắm, mợ đau khổ của con. Tôi cố khắc sâu hình bóng mợ tôi và dù bao nhiêu đau đớn trong lòng tôi cố gắng động viên mợ. Đất nước đang còn bóng giặc, những người mẹ của chúng ta còn đang đau khổ vì mòn mỏi đợi trông con mình. Chúng tôi còn phải ra đi, mang nặng trong lòng tình thương của mẹ. Lòng mẹ bao la nhắc chúng tôi phải làm sao đền đáp lại mẹ những chuỗi ngày đằng đẵng nhớ thương, đừng để mẹ phải tủi thân vì con mình hèn đớn. Mợ ơi, dù con phải xa mợ, và có sao đi nữa mong mợ hãy chịu đựng tất cả hy sinh vì cách mạng.

Ngày 10/10/1971: Còn hơn chục tiếng nữa, mình từ biệt gia đình? Chào cậu mợ kính yêu đang sống cuộc đời sớm khuya tần tảo, chào các em thương nhớ vang tiếng cười tuổi thơ tháng năm nghèo khó. Tạm xa để ngày mai gặp lại thành Nam quê hương, mảnh đất hằng ru ta bằng tiếng máy dệt đêm ngày, mảnh đất đỏ những con đường hoa gạo tuổi thơ.

Cậu mợ hãy yên lòng nén nhớ mong những tháng năm chờ đợi. Con sẽ về với bao nhiêu hẹn ước, con sẽ về với bao nhiêu tình thương yêu của cậu mợ và các em.

Tạm gửi lại quê nhà quyển nhật ký này. Quyển nhật ký những ngày đầu nhập ngũ. Ta sẽ đọc lại ngày mai chiến thắng trở về... (Đêm trước ngày lên đường).

Nhưng người chiến sĩ này đã không bao giờ còn được đọc lại quyển nhật ký của mình nữa. Anh đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ, vào một ngày tháng tư đỏ lửa năm 1972 ở xã Hòa Thuận, huyện Giồng Giềng, tỉnh Kiên Giang khi cùng đồng đội vượt sông Cái Lớn đánh vào căn cứ của Mỹ ở vùng 4 chiến thuật huyện Chương Thiện, Rạch Giá (thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang ngày nay).



Liệt sĩ Đỗ Đình Xô
Sinh ngày 15/2/1950.
Trú quán: 78/82, Trần Đăng Ninh, thành phố Nam Định.
Nguyên quán: Song Lãng, Vũ Thư, Thái Bình.
Giải nhất học sinh giỏi văn lớp 7 toàn thành phố Nam Định năm học 1964 - 1965.
Công nhân nhà máy cơ khí Nam Hà.
Hy sinh ngày 15/4/1972.

Lã Quý Hưng

(Báo Đầu tư)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày