Thứ 7, 23/11/2024, 22:18[GMT+7]

Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Minh Tân giàu đẹp

Thứ 5, 16/08/2018 | 08:16:02
2,181 lượt xem
Sau rất nhiều cố gắng, năm 2015, Minh Tân đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới.

Trang trại VAC của anh Nguyễn Tiến Đạt, thôn Đình Phùng, xã Minh Tân.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, quân và dân Minh Tân (Đông Hưng) đã cùng lực lượng bộ đội nhiều lần buộc địch phải rút khỏi bốt Đình Thượng; tích cực sản xuất tạo ra lương thực chi viện cho tiền tuyến. Đặc biệt, nhân dân Minh Tân luôn bảo vệ, giúp đỡ cán bộ cách mạng hoạt động trên địa bàn. Riêng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân và lực lượng vũ trang Minh Tân đã trực tiếp và tham gia đánh hàng chục trận lớn nhỏ, tiêu diệt và làm bị thương 167 tên địch, thu hàng trăm khẩu súng, quân trang quân dụng các loại, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Truyền thống anh hùng

Đầu tháng 3/1950, thực dân Pháp kéo quân về lập bốt tại cầu Đình Thượng (xã Minh Tân ngày nay) cạnh đường 39B, chúng xây dựng bốt khá lớn và một tháp canh cao khoảng 15m với khoảng 200 quân. 

Trước tình hình đó, Chi bộ Đảng xã Thăng Long (các thôn của xã Minh Tân ngày nay trực thuộc xã Thăng Long cũ) đã thành lập đội Thái Hùng, đội du kích Trung Kiên để phá tề, trừ gian, tiêu diệt bọn phản động chỉ điểm, vận động thanh niên không đi lính cho Pháp; đồng thời, tăng cường hoạt động của đội nữ dân quân du kích, vận động chị em tích cực tham gia kháng chiến, tiếp tế đạn dược, lương thực và chỉ đường cho bộ đội về làng. 

Sáng ngày 19/8/1950, tại chợ Giắng, du kích xã phối hợp Tiểu đoàn 706, Trung đoàn 64 mở trận đánh bất ngờ đánh tiểu đội lính ngụy, lính Pháp thường đi tuần, kiểm soát tại chợ khiến tinh thần chúng hoảng loạn. Song song với việc tổ chức phục kích đánh địch, Chi bộ đẩy mạnh chính sách địch vận, đội Thái Hùng hoạt động mạnh khiến quân thù khiếp sợ, ngày 22/9/1950 chúng buộc phải rút khỏi bốt Đình Thượng. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn song nhân dân xã Minh Tân với tinh thần nhường cơm sẻ áo, bảo vệ bộ đội đã bất chấp nguy hiểm đào hầm, nhường nhà che giấu, nuôi dưỡng cán bộ; nhiều gia đình nhường hẳn nhà để các cơ quan của cách mạng làm việc.

Trồng rau màu là 1 trong 3 mũi nhọn kinh tế của Minh Tân.

Ngày 15/10/1951, thực dân Pháp trở lại xâm lược, đóng tại bốt Đình Thượng lần hai. Chúng cho xây dựng bốt kiên cố hơn lần trước với mục đích tiêu diệt lực lượng du kích xã, cướp phá tài sản, bắt phu, bắt lính. Trước tình hình đó, lực lượng du kích xã đã tổ chức quấy rối nhiều lần bốt Đình Thượng và Từ Quếch với quy mô lớn đồng thời còn chia thành các tốp nhỏ để săn bắn máy bay địch tiếp tế cho lính Pháp, thu được 11 dù có chứa nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng. 

Từ tháng 5 đến tháng 8/1952, quân và dân Minh Tân phối hợp với bộ đội huyện đánh hàng chục trận lớn nhỏ, đặt mìn, đặt bẫy chông trên đường 39 và xóm Giang, tiêu diệt và làm bị thương hàng chục tên địch, thu giữ nhiều vũ khí. 

Tháng 6/1953, du kích xã phối hợp với Trung đoàn 42, Tỉnh đội Thái Bình đánh một trận lớn tại xóm Giang (Đình Phùng), bắt gọn toàn bộ quân địch... Quân và dân Minh Tân đã bao vây liên tục hàng tháng trời ở bốt Đình Thượng, không cho địch ra ngoài lấy lương thực tiếp tế đồng thời kêu gọi ngụy quân trở về với gia đình, vợ con. Địch khiếp sợ không dám đi càn nữa và đến đêm ngày 2/6/1954 chúng lại rút khỏi bốt Đình Thượng. Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, thực dân Pháp đầu hàng vô điều kiện. 

Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến, du kích Minh Tân đã phối hợp với các đơn vị bộ đội tiêu diệt và làm bị thương 167 tên địch, thu hàng trăm khẩu súng cùng nhiều quân trang, quân dụng. 

Với những thành tích trên, xã Minh Tân vinh dự được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ngoài ra còn khen thưởng 27 gia đình có công với cách mạng, tặng thưởng huân chương, huy chương các loại cho 205 người...

Xây dựng thành công nông thôn mới

Minh Tân vốn là xã nghèo, để nâng cao đời sống nhân dân, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế với hai vùng sản xuất tập trung chuyên trồng đào, phát lộc, rau màu và phát triển thương mại, dịch vụ. 

Từ khi tỉnh có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đến nay, xã đã mạnh dạn chuyển 35ha đất trồng lúa kém hiệu quả của thôn Đình Phùng sang trồng đào và phát lộc. Thu nhập từ trồng đào, phát lộc đạt từ 20 - 30 triệu đồng/sào, cao hơn trồng lúa. Tiếp đó, xã xây dựng cánh đồng lớn chuyên trồng rau màu xen cây cảnh với diện tích hơn 50ha tại hai thôn Hoàng Đức, Hưng Sơn, nâng thu nhập của người dân hai thôn này lên trên 30 triệu đồng/người/năm. Tận dụng quốc lộ 39A chạy qua địa phận các thôn Liên Minh, Duy Tân, Đình Phùng và trục đường xã, hơn 400 hộ dân đã đầu tư kinh doanh các mặt hàng tổng hợp, dịch vụ ăn uống, nước giải khát, tháp phát lộc, đào cảnh..., giải quyết việc làm cho trên 600 lao động. 

Với hai sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng cả nước là đào cảnh và tháp phát lộc đã góp phần đưa Minh Tân từ một xã khó khăn vươn lên trở thành xã mạnh về kinh tế của huyện, đây cũng chính là cơ sở vững chắc, điều kiện thuận lợi cho Minh Tân khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới.

Sau 5 năm, Minh Tân đã huy động được gần 35,5 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nhân dân đóng góp trên 2,8 tỷ đồng; ngân sách xã trên 22 tỷ đồng; con em xa quê và các doanh nghiệp ủng hộ hơn 60 triệu đồng; còn lại do cấp trên hỗ trợ. Với sự đồng thuận, hiến kế, hiến công, góp của của các tầng lớp nhân dân, Minh Tân đã trải nhựa 4,45km và đổ bê tông 4,32km đường trục xã; 6,057km đường trục thôn và 5,293km đường nhánh cấp 1 của thôn; 100% đường ngõ xóm được bê tông hóa. Để phục vụ sản xuất, xã đã hoàn thành cứng hóa 5,715km đường trục nội đồng, 5,315km kênh mương cấp 1 loại 3 của các trạm bơm trong xã được kiên cố vững chắc. Hoàn thiện khu tập trung rác thải, khu sinh hoạt văn hóa và học tập cộng đồng của các thôn và xã. Tu sửa, nâng cấp các công trình trường học, trạm xá, hệ thống điện sinh hoạt và lắp đặt thêm một trạm biến áp 35/0,4KV. 

Đảng bộ xã 4 năm liền đạt trong sạch, vững mạnh, các tổ chức chính trị - xã hội đạt tiên tiến xuất sắc, chính quyền đạt trong sạch, vững mạnh, 5/5 thôn đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa, 87% số hộ dân đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,97%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 31,5 triệu đồng/năm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Diện mạo nông thôn khang trang, hiện đại. Điều kiện phát triển kinh tế thêm nhiều thuận lợi và đi lên, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. 

Sau rất nhiều cố gắng, với tinh thần tự lực, tự cường đồng thời biết tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm của cấp trên và tình cảm của con em xa quê hướng về quê hương, năm 2015, Minh Tân đã hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới, được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới.

Nguyễn Đăng Duyên

(Chủ tịch UBND xã Minh Tân)

Ông Nguyễn Trọng Linh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Minh Tân, huyện Đông Hưng


Thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, MTTQ xã đã tập hợp các tầng lớp nhân dân thành lực lượng hùng mạnh, phối hợp với dân quân du kích địa phương tham gia đánh đuổi thực dân, đế quốc; hăng hái thi đua sản xuất, góp sức người, sức của cho tiền tuyến đánh thắng giặc ngoại xâm. Trong thời bình, nhất là từ khi cả nước bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng nông thôn mới, MTTQ xã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh, cùng thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Đẩy mạnh các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, chăm lo cho người nghèo. MTTQ xã và các tổ chức thành viên đã nêu cao vị trí, vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng, tham gia, tự nguyện đóng góp tiền của, ngày công, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, đưa Minh Tân về đích nông thôn mới năm 2015. MTTQ xã cũng làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, cùng địa phương xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Tích cực vận động, cổ vũ các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho bà con.

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Minh Tân, huyện Đông Hưng

Hội Cựu chiến binh xã Minh Tân thành lập ngày 20/4/1990 với 30 hội viên. Đến nay, Hội đã thu hút được 337 hội viên tham gia sinh hoạt. Trong thời chiến, các cựu chiến binh không ngại gian khổ, hy sinh, chiến đấu ngoan cường; về với thời bình, các đồng chí lại phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nêu cao ý chí tự lực tự cường, vươn lên làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình văn hóa. Nhiều gia đình hội viên ở các thôn Đình Phùng, Hoàng Đức, Hưng Sơn đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Cựu chiến binh các thôn Duy Tân, Liên Minh mở mang dịch vụ buôn bán, trồng hoa, cây cảnh, tăng thu nhập cho gia đình và góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Với tinh thần cựu chiến binh gương mẫu, chung sức đồng lòng xây dựng nông thôn mới, cán bộ, hội viên cựu chiến binh toàn xã đã góp trên 300 triệu đồng, hiến hơn 300m2 đất và tham gia hàng nghìn ngày công phục vụ làm đường giao thông nông thôn. Các cựu chiến binh còn là tấm gương sáng trong thực hiện và vận động người thân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hàng năm có từ 96 - 98% hội viên đạt gương mẫu, trên 90% gia đình hội viên đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

Ông Phạm Bá Kỷ, lão thành cách mạng, thôn Hoàng Đức, xã Minh Tân,huyện Đông Hưng
Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 18 tuổi tôi khoác ba lô lên đường nhập ngũ như lớp lớp thanh niên trong xã, chiến đấu hết mình, không ngại khó, ngại khổ, chỉ mong sớm đánh đuổi giặc ngoại xâm để nhân dân được hưởng thái bình. Dù chỉ lái xe cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp một thời gian ngắn song khí phách và tấm lòng vì nước, vì dân của Đại tướng đã khiến tinh thần của tôi thêm hăng hái. Tôi cùng đồng đội từng bước vượt đường trơn, lầy lội, đường đèo dốc vô cùng nguy hiểm kéo từng khẩu pháo vào trận địa, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.Trong một trận chiến đấu, tôi bị thương, sức khỏe suy giảm nên giải ngũ, về địa phương tham gia công tác ở xã 19 năm. Từ khi đất nước hòa bình, độc lập đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Minh Tân đã đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, ra sức phát triển kinh tế với mũi nhọn là trồng đào cảnh và làm tháp phát lộc, cấy lúa chất lượng cao, trồng rau màu và phát triển thương mại, dịch vụ; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn khang trang, hiện đại. Tinh thần cách mạng của người dân Minh Tân thêm một lần nữa được thể hiện trong việc chung tay góp sức xây dựng thành công nông thôn mới, làm thay đổi diện mạo quê hương, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được cải thiện.

Ông Phạm Đình Hướng, cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã Minh Tân, huyện Đông Hưng

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, quân và dân Minh Tân tích cực tham gia đào hào, san lấp đường 39B, phá bốt Đình Thượng, hăng hái lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Tổng kết chiến tranh, xã có trên 110 người đã anh dũng hy sinh, 93 thương binh, bệnh binh, 6 người bị địch bắt tù đày, 63 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, 13 mẹ Việt Nam anh hùng, 640 người được Nhà nước tặng thưởng huân chương, huy chương kháng chiến các loại, 452 người được nhận bằng khen các cấp... Những năm qua, công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo cho người và gia đình có công luôn được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của xã quan tâm bằng nhiều hình thức. Trong đó, tập trung giải quyết tốt các chế độ, chính sách đối với người có công, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng. Hàng năm, nhân dịp lễ, tết, ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, địa phương tổ chức trao tặng quà của Chủ tịch nước, của tỉnh và trích ngân sách tặng quà các đối tượng chính sách với tổng số tiền trên 250 triệu đồng. Xã cũng tích cực vận động các doanh nghiệp, cá nhân, nhà hảo tâm thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách. Kiểm tra, rà soát, hỗ trợ nhà ở của người có công bị dột nát, đến nay đã giải quyết hỗ trợ kinh phí cho 14 nhà với số tiền 670 triệu đồng. Nhờ đó, các gia đình người có công đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Anh Đinh Thế Quân, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Minh Tân, huyện Đông Hưng

Phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương, những năm qua, đoàn viên, thanh niên xã Minh Tân đã phát huy vai trò xung kích, đi đầu trong các phong trào tình nguyện phát triển kinh tế, vì cuộc sống cộng đồng gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới. 200 cán bộ, đoàn viên trong xã đã đảm nhận nhiều phần việc như làm đường giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng, thắp sáng đường quê, xây dựng sân chơi cho thiếu nhi... Các hoạt động xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, “Đền ơn đáp nghĩa” cũng được đoàn viên, thanh niên tích cực hưởng ứng như phối hợp tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách, làm nhà cho người có công, tặng quà người và gia đình người có công nhân dịp lễ, tết, ngày Thương binh - Liệt sĩ. Nối tiếp truyền thống của cha ông, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, thanh niên Minh Tân hăng hái lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, Đoàn Thanh niên xã còn triển khai nhiều mô hình, phong trào nhằm giáo dục đạo đức, lối sống cho đoàn viên, học sinh, thiếu niên, nhi đồng đạt hiệu quả như chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Thái Bình”, phong trào “Kế hoạch nhỏ”, “Thi đua làm nghìn việc tốt”... Tổ chức sân chơi cho trẻ trong dịp hè và phối hợp tổ chức cắm trại vui tết Trung thu cho trẻ.
Trung Hiếu