Thứ 3, 23/07/2024, 04:34[GMT+7]

Cất cánh từ nông nghiệp

Thứ 3, 28/08/2018 | 08:24:42
1,022 lượt xem
Từ lợi thế sẵn có, xã An Châu xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là một trong những mũi nhọn quan trọng tạo đà cho quê hương cất cánh.

Một số hộ chọn phát triển trang trại chăn nuôi để làm giàu.

Trời đã trưa nhưng ông Nguyễn Văn Nam, thôn An Nạp, xã An Châu vẫn cẩn thận chăm sóc những luống rau ngoài đồng. 

Ông Nam cho biết: Tôi rất vui khi thấy quê hương đổi mới rõ rệt, đặc biệt là từ khi xã xây dựng nông thôn mới, chú trọng phát triển “tam nông”. Trước đây, mỗi năm gia đình tôi chỉ cấy 2 vụ lúa trên mấy sào ruộng khoán, thóc làm ra cũng chỉ đủ ăn. Từ ngày xã khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng cánh đồng 4 vụ/năm, gia đình tôi mạnh dạn tham gia. Đến nay gia đình đã chuyển từ trồng lúa sang trồng rau, trồng thanh long trên diện tích 1 mẫu. Từ 2 vụ lúa, nay một năm thu 4 - 5 vụ rau và thanh long. Dù vất vả hơn trồng lúa nhưng thu nhập cao gấp 8 lần, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng, trở thành hộ khá của xã.

Đến thăm trang trại VAC của anh Nguyễn Xuân Cách, thôn Kim Châu 1, xã An Châu, chúng tôi thấy mừng cho cơ ngơi mà hai vợ chồng anh vất vả xây dựng. 

Anh Cách cho biết: Xưa đây là vũng đất trũng, cấy lúa không hiệu quả, chẳng ai nhận làm, tôi đứng lên nhận rồi đầu tư làm trang trại VAC. 

Trên diện tích 3.200m2, anh Cách nuôi 100 con lợn thịt, thả trên 1.300 gà, vịt đẻ, tận dụng phân lợn, gà, vịt nuôi 2 ao cá truyền thống. Mỗi năm anh xuất bán 3 lứa lợn, 1 - 2 lứa cá, một ngày thu khoảng 600 - 700 quả trứng, một năm thu về trên 1 tỷ đồng. Với thu nhập này, gia đình anh có điều kiện mua sắm những đồ dùng đắt tiền, chăm lo cho con cái ăn học đầy đủ. 

“Không riêng gia đình tôi, nhiều gia đình trong thôn có điều kiện kinh tế mỗi ngày một phát triển cũng nhờ mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sản xuất cây trồng cho hiệu quả cao” - anh Cách chia sẻ.

10 năm qua, diện tích đất canh tác của An Châu có xu hướng giảm do chuyển sang xây dựng đường giao thông, công trình công cộng... Tuy vậy, diện tích sản xuất lúa chất lượng cao và rau các loại lại tăng nhờ xây dựng và thực hiện hiệu quả các mô hình sản xuất như: mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích 50,5ha tại thôn An Nạp và Kim Châu 2, có gần 280 hộ tham gia, công thức luân canh lúa xuân - cây màu hè - lúa mùa - cây màu vụ đông; mô hình sản xuất 4 vụ/năm duy trì từ 6,5 - 8ha; quy vùng sản xuất rau màu tập trung theo hướng an toàn có diện tích 20ha. 

Ông Đào Ngọc Thuấn, Giám đốc HTX DVNN xã cho biết: Trước đây, đồng đất An Châu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp, từ khi cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo triển khai xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, có sự hỗ trợ về giống, được chuyển giao khoa học kỹ thuật cấy, trồng, chăm bón, phòng, trừ sâu bệnh và hỗ trợ trong bao tiêu sản phẩm nên số quay vòng đất đã tăng lên trên 3 lần. Với thế mạnh là các loại cây bí đao, su hào, bắp cải, súp lơ... không chỉ diện tích mà hiệu quả kinh tế của cây màu vụ đông cũng được nâng cao. 

Ở An Châu vụ đông dần trở thành vụ sản xuất chính trong năm, là xã có diện tích trồng cây vụ đông dẫn đầu trong huyện. Thu nhập bình quân của cánh đồng mẫu lớn đã đạt 150 - 180 triệu đồng/ha/năm; cánh đồng 4 vụ/năm thu nhập bình quân còn cao hơn, khoảng 250 - 300 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có hộ thu trên 400 triệu đồng/ha/năm.

Việc tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng sản xuất 4 vụ/năm thời gian qua ở An Châu không chỉ góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng thành công nông thôn mới mà còn giúp nông dân biết đầu tư sản xuất lớn, sản xuất hàng hóa theo nhu cầu của thị trường, thu lợi nhuận cao. Và quan trọng là giúp nông nghiệp An Châu cất cánh, chiếm tỷ trọng 39,2% trong cơ cấu kinh tế của xã; công nghiệp, xây dựng cơ bản chiếm 29%, thương mại, dịch vụ 31,8%.

Thu Hiền