Thứ 7, 23/11/2024, 23:06[GMT+7]

Ông Riên: Trồng khoai lấy bồng

Thứ 4, 26/09/2018 | 08:46:50
16,490 lượt xem
Trước kia, canh bồng khoai từng được ví von như món canh chống đói của nhà nghèo, được nấu từ dây bồng khoai với mắm tôm. Nhưng giờ đây, bồng khoai lại trở thành rau đặc sản không riêng với người thành phố bởi là rau “sạch”, chưa được trồng theo hướng sản xuất hàng hóa. Tại xã Thụy Bình (Thái Thụy) có một mô hình trồng khoai lấy bồng, cho thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng, đang được nhiều địa phương tham quan, học hỏi.

Gia đình ông Riên trồng hai mẫu khoai lấy bồng cho thu nhập cao.

Là chủ của 2 cơ sở sản xuất, buôn bán đồ gỗ lớn của xã Thụy Bình, kinh tế phát triển với doanh thu từ 2 - 3 tỷ đồng/năm nhưng ông Nguyễn Văn Riên, thôn An Ninh luôn trăn trở trước những mảnh ruộng đang bị bỏ hoang bởi cấy lúa kém hiệu quả. Với mong muốn tạo dựng thành công một mô hình sản xuất để người dân học tập, nhân rộng, ông Riên đã từng có ý định đầu tư xây dựng nhà kính trên diện tích 1 mẫu ruộng của gia đình. Nhận thấy nhà kính không phù hợp với địa hình, đầu tư cao, khó nhân rộng nên ông đã tìm tòi, tham quan các mô hình trồng giống cây mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn cấy lúa. Trồng khoai lấy bồng là lựa chọn của ông khi thấy khoai là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, bồng khoai được thị trường ưa chuộng nhưng nguồn cung còn rất ít. Tháng 10/2017, cùng với 1 mẫu ruộng của gia đình, ông thuê thêm 1 mẫu ruộng bỏ hoang ven đường, đầu tư trên 60 triệu đồng dọn cỏ, thuê máy xúc cải tạo lại ruộng.

Theo ông Riên, mỗi sào khoai ông đầu tư khoảng 3 triệu đồng tiền giống, phân bón, 2 tháng sau khi trồng khoai cho thu hoạch, liên tục từ 8 - 12 tháng, với sản lượng thấp nhất đạt 5kg/sào/ngày, giá bán 15.000 đồng/kg bồng thô, 30.000 đồng/kg bồng qua sơ chế, đóng gói hút chân không. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội và Thái Bình. 

Ngoài bán bồng, ông Riên còn bán cây giống cho các hộ có nhu cầu với giá 1.500 đồng/cây. 

Nói về kỹ thuật chăm sóc cây khoai, ông Riên cho biết: Cây khoai trồng một lần có thể lấy bồng trong thời gian từ 8 - 12 tháng, sau đó trồng lại bằng chính cây con từ cây giống ban đầu đẻ ra do vậy hạn chế rất nhiều chi phí cho người trồng. So với các loại cây khác, khoai dễ trồng, cách thức chăm sóc cũng đơn giản, tuy nhiên cần lưu ý cây khoai lấy bồng phát triển tốt, cho năng suất cao ở vùng đất phù hợp nhất cho loại cây này là có nước ra vào thường xuyên. Trồng lúa gặp mưa lớn lo ngập úng nhưng trồng khoai bồng thì có ngập cũng không sao, không sợ bão gió, không phải đầu tư nhiều vốn lại dễ tiêu thụ, thu nhập cao gấp nhiều lần cấy lúa. Thu hoạch bồng khoai cũng nhẹ nhàng, không phải gấp gáp như thu hoạch lúa nên gia đình neo người vẫn làm được. Bồng thu hoạch đến đâu được tiêu thụ hết đến đó, nhiều thời điểm không đủ bồng để bán nên tôi mong muốn mô hình này của mình được nhân rộng, khi đó tôi sẽ giúp người dân tiêu thụ sản phẩm.


Dưới góc nhìn của một người kinh doanh, ông Riên chia sẻ: Nông dân hiện nay mới chỉ biết làm ra sản phẩm chứ chưa biết làm ra hàng hóa, vì vậy thu nhập không cao, phụ thuộc nhiều vào thị trường. Đặc sản của Thái Bình là lúa nhưng cây lúa chưa giúp nông dân làm giàu. Tôi mong muốn qua mô hình này sẽ thu hút được nhiều hộ sản xuất, thành lập HTX chuyên sản xuất một số loại rau đặc sản theo hướng hữu cơ, an toàn để nâng cao giá trị sản xuất trên một diện tích canh tác.

Lưu Ngần

Nguyễn sơn lâm - 5 năm trước

Có ai pit giờ chú Riên còn trồng khoai lấy bồng ko ạ?trả lời giúp m

Hoàng thị tho - 5 năm trước

Cho em xin đt và địa chỉ để mua giống

Hương - 5 năm trước

Cháu muốn xin số điện thoại của chú để mua giống cậy được không ạ

Tải thêm