Thứ 6, 17/05/2024, 11:20[GMT+7]

Vững vàng nơi chân sóng

Thứ 2, 15/10/2018 | 09:45:46
2,692 lượt xem
Tiền Hải có 23km bờ biển, hệ thống đê điều, thủy lợi lớn, thường xuyên chịu tác động gây hại của sóng do triều cường, gió mạnh, áp thấp nhiệt đới và bão. Chính vì vậy, từ khi thành lập đến nay, huyện luôn chú trọng xây dựng, bảo vệ các tuyến đê biển, đê sông để bảo vệ cư dân, mở rộng đất canh tác, phát triển kinh tế.

Các tuyến đê biển, đê sông của Tiền Hải hàng năm được cứng hóa.

Một thời mở đất

Trước kia, mảnh đất Tiền Châu (còn gọi là cồn Tiền) được hình thành từ quá trình bồi tạo của sông Hồng, sông Lân và sông Trà Lý. Mùa thu năm 1828, dưới sự chỉ huy tài tình của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ, nông dân nhiều địa phương đã về bãi biển Tiền Châu khẩn hoang, quai đê lấn biển lập nên ấp, lý, trại, giáp, đánh dấu sự ra đời của huyện Tiền Hải ngày nay. Với tài tổ chức và vận dụng linh hoạt, sáng tạo của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ,  các công trình đê biển, đê sông phục vụ sản xuất, đời sống dần từng bước được hoàn thiện. Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã thể hiện khả năng, trình độ khoa học đặc biệt trong quy hoạch, xây dựng các công trình thủy lợi. Chủ trương quai đê lấn biển đúng đắn và sáng tạo của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã được dân nghèo các nơi tích cực hưởng ứng. Với truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, đùm bọc lẫn nhau của nhân dân các làng ấp, vùng đất ven biển hoang vu và lầy lội đã dần biến thành những làng ấp trù mật, phì nhiêu. Hệ thống đê biển, đê sông Lân, sông Trà, sông Cá được hình thành, đẩy lùi sự uy hiếp của bão biển và thủy triều, tạo điều kiện biến bãi Tiền Châu hoang vu ngập mặn thành đất đai canh tác màu mỡ. Chỉ sau 6 tháng, Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã tổ chức cho nhân dân khai hoang lấn biển thành lập một huyện mới là Tiền Hải ngày nay. Khi ấy, Tiền Hải có 7 tổng, gồm 14 lý, 27 ấp, 10 giáp, số dân đinh được hơn 2.350 người, số ruộng 18.970 mẫu... 

Những thành quả vĩ đại trong công cuộc khẩn hoang của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ ở Tiền Hải đánh dấu bước phát triển nhảy vọt trong lịch sử khai hoang ở Việt Nam, mang lại những bài học vô giá cho công tác chỉ đạo tổ chức khai hoang sau này của Đảng, Nhà nước ta.

Những tuyến đê biển của Tiền Hải đã góp phần hình thành những vùng nuôi tôm mang lại kinh tế cao.

Đê vững, kinh tế phát triển ổn định

Ngày 26/3/1962, với thành tích quai đê lấn biển, Đảng bộ và nhân dân Tiền Hải vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, căn dặn nhiều điều. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Tiền Hải đã đẩy mạnh công cuộc khai hoang, lấn biển, thành lập thêm các xã mới như Nam Cường, Đông Hải, Nam Phú với trên 2.000ha được cải tạo thành đất canh tác hai vụ lúa đạt năng suất cao. Ngoài ra còn có 4.888ha nuôi trồng thủy sản, trong đó nuôi ngao 1.964ha tạo việc làm, thu hút nhân dân ở các xã nội đồng về đây sinh sống, từng bước tạo thành các vùng kinh tế mới trong tương lai. 56 năm qua (1962 - 2018), những tình cảm sâu nặng, lời chỉ bảo ân tình và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được khắc sâu trong tâm trí của cán bộ, đảng viên và mỗi người dân Tiền Hải. 

Những năm gần đây, được sự quan tâm, đầu tư của trung ương, tỉnh, Tiền Hải đã hoàn thành việc kiên cố hóa tuyến đê biển số 5, số 6 với chiều dài trên 26km và đê sông có khả năng chống xâm thực mặn, chặn sóng biển và bão giật cấp 10. Cùng với đó, huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân thấy rõ tầm quan trọng, có trách nhiệm tham gia bảo vệ đê điều, phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường quản lý đê, không để xảy ra các hoạt động xâm hại công trình, phá vỡ hành lang an toàn đê điều. Từ khi có những dải đê kiên cố đã bảo vệ cư dân ven biển và mang lại nguồn lợi kinh tế lớn, môi trường sinh thái vùng ven biển, cuộc sống của nhiều hộ dân nơi đây đã có những đổi thay rõ rệt. Họ đã quyết tâm bám làng phát triển kinh tế, mở rộng vùng nuôi trồng thủy sản, trồng lúa. Các vùng nuôi trồng thủy sản tại các xã ven biển như Nam Thịnh, Nam Phú, Đông Hải, Đông Minh... được hình thành, mang lại giá trị cao, góp phần cho kinh tế phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của Tiền Hải tăng trên 12%, luôn xếp ở tốp đầu trong các huyện, thành phố của tỉnh. Tổng giá trị sản xuất năm 2017 ước đạt trên 13.911 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm 2008; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ; giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tổng thu ngân sách hàng năm tăng 15%.

Mạnh Thắng