Thứ 3, 23/07/2024, 01:32[GMT+7]

9X đưa sản phẩm làng rèn ra thế giới

Thứ 2, 10/12/2018 | 08:53:55
9,894 lượt xem
Bằng tư duy, nhạy bén kinh doanh của người trẻ cùng cái tâm giữ lửa nghề truyền thống, chàng trai 9X Nguyễn Duy Chinh đã tìm cách nâng giá trị, từng bước đưa sản phẩm của làng rèn An Tiêm (thôn An Tiêm, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy) ra thị trường thế giới, từ đó gìn giữ và phát triển thương hiệu làng nghề.

Nguyễn Duy Chinh (người đeo kính) và các thành viên Hợp tác xã Dao Vua thảo luận về mẫu sản phẩm mới.

Suốt dải đất Việt Nam, theo chính phả, chưa có làng rèn nào có lịch sử lâu đời như làng rèn An Tiêm. Trải qua thăng trầm dâu bể, hơn 730 năm qua, những nghệ nhân nơi đây vẫn giữ lửa nghề. Lần giở lại lịch sử, năm 1288, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã lập doanh trại ở Lưu Đồn (nay là xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy) tổ chức xưởng rèn chuẩn bị vũ khí cho quân đội nhà Trần. Vì có công với đất nước, 5 vị đứng đầu xưởng rèn được vua Trần Nhân Tông sắc phong “Ngũ vị tổ sư nghề rèn”, trong đó, có 4 vị quê làng An Tiêm. Làng rèn cũng có từ ngày đó. Dù vất vả “cùng cực chân than, mặt nhọ với nghề” nhưng tiếng đe, tiếng búa vẫn rộn rã ngân vang qua bốn mùa mưa nắng cùng câu ca dao truyền đời của người dân An Tiêm:

Chẳng tham ao gỗ, cá bè
Chỉ ham cái búa, cái đe thợ rèn.

Trước xu thế hội nhập, dù đã có sự đầu tư cải tiến công nghệ, nhưng nặng tư duy “đập khỏe, bán rẻ”, những sản phẩm truyền thống của An Tiêm như con dao, cái liềm dù bền đẹp vẫn chỉ quanh quẩn theo phiên chợ quê hay trên những sạp hàng nội địa.

Ngay từ những ngày còn là sinh viên trên giảng đường đại học, chàng trai quê biển Nguyễn Duy Chinh, sinh năm 1991 với khiếu kinh doanh đã thử sức qua nhiều công việc khác nhau như mở xưởng giày bán trên mạng, nuôi vịt trời, làm nội thất ô tô..., gặt hái nhiều thành công nhưng cũng nếm trải không ít thất bại. Trước bề dày lịch sử làng nghề, cầm con dao An Tiêm trên tay, Chinh có suy nghĩ khi thế giới bước vào cách mạng công nghiệp 4.0 thì những sản phẩm thủ công sẽ có giá trị cao hơn trên thị trường nếu biết nâng tầm sản phẩm và thương hiệu. Sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, với kỹ thuật rèn thủ công truyền thống của nghệ nhân An Tiêm kết hợp cùng triết lý làm dao của người Nhật “sắc - đẹp - bền - hiệu năng sử dụng cao”, năm 2016, Nguyễn Duy Chinh và những người bạn chung chí hướng đã thành lập HTX Dao Vua với sứ mệnh giúp dao rèn thủ công Việt Nam được sử dụng nhiều hơn và có được sự tôn trọng trên thế giới. Thương hiệu Dao Vua ra đời như một sự tưởng nhớ vua Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và ngũ vị tổ sư nghề rèn.

Như một nhân duyên, anh Nguyễn Mạnh Tường, người được đánh giá cao bởi tay nghề và nắm giữ nhiều kỹ thuật khó khi làm quen với đe búa từ năm lên 7 tuổi, lớp thợ rèn cuối cùng của làng An Tiêm đã chọn HTX Dao Vua làm nơi thể hiện những tinh hoa của nghề. 

Anh Tường chia sẻ: Những con dao mang thương hiệu Dao Vua sử dụng vật liệu thép nhíp Nga (thép carbon), dưới bàn tay người thợ làng An Tiêm, trải qua 22 bước như đánh nóng tạo phôi, đàn, trôi, mài... theo phương thức bí truyền làng nghề và của riêng nghệ nhân để tạo thành phẩm. Nếu như sắc bén và khả năng giữ độ sắc lâu là điểm mạnh của thép carbon thì han rỉ là nhược điểm lớn nhất của loại thép này khi sử dụng để chế tạo dao thủ công. Nhờ kinh nghiệm của nghệ nhân trong quá trình chọn thép, xử lý nhiệt, xử lý bề mặt... cùng những hướng dẫn sử dụng đi kèm, sản phẩm Dao Vua đã hạn chế hơn 70% sự han rỉ so với dao thủ công truyền thống trên thị trường. Không dừng lại ở những loại chất liệu phổ thông, cán và vỏ của Dao Vua sử dụng các loại gỗ như trắc, cẩm, lim, mít..., tùy theo kiểu dáng, chủng loại và yêu cầu của khách hàng. 

Từ những sản phẩm thông dụng với tính năng đơn thuần, đến nay, HTX Dao Vua đã có gần 20 mẫu sản phẩm đa dạng về kiểu dáng và công năng sử dụng như dao đa năng Santoku, dao làm cá Deba, dao làm cá Sashimi, dao thái lọc Gyuto..., sản xuất trung bình từ 1.200 - 1.400 sản phẩm/tháng.

Ngay từ những con dao đầu tiên ra đời, không chỉ dừng lại ở việc phổ biến sản phẩm trên thị trường Việt Nam, Nguyễn Duy Chinh và các thành viên HTX đều chung khát khao đưa Dao Vua làng An Tiêm ra thị trường quốc tế. Với trình độ công nghệ thông tin và ngoại ngữ, ngoài việc duy trì trang web https://daovua.vn, sau hàng trăm lần quảng bá sản phẩm và gửi tặng dao miễn phí tới thành viên của các diễn đàn sản xuất dao và đầu bếp trên thế giới để nhận lại những phản hồi, góp ý chỉnh sửa mẫu mã, kiểu dáng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tháng 2/2018, lô hàng đầu tiên gồm 70 sản phẩm mang thương hiệu Dao Vua đã được xuất khẩu sang Mỹ. Những khách hàng khó tính cách nửa vòng trái đất đã vô cùng bất ngờ khi những con dao rèn thủ công của nghệ nhân Việt Nam tuy đơn giản nhưng không kém phần tinh tế, sang trọng, đặc biệt, có độ sắc bén và hiệu năng sử dụng không thua kém gì dao Nhật, dao Đức, trong khi giá bán rẻ hơn những sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Từ thành công bước đầu, Nguyễn Duy Chinh đã đưa Dao Vua tiếp cận và bày bán trên một số sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới như Alibaba, Chefknivestogo... Đặc biệt, tại Nhật Bản, đất nước hội tụ nhiều tinh hoa trong nghề rèn, các thương hiệu dao nổi tiếng như Rikumo, Kataba, Yoshikin... đã chọn Dao Vua làm đối tác chính thức. 

Đến nay, ngoài tiêu thụ tại thị trường trong nước, 1.200 sản phẩm đã được tiêu thụ tại thị trường Đức, riêng thị trường Mỹ nhập trung bình 70 - 100 sản phẩm/tháng với 10 chủng loại, chưa kể các đơn hàng lẻ theo yêu cầu của khách hàng từ Philippines, Singapore, Anh... với giá bán trung bình khi xuất xưởng từ 20 - 30 USD/sản phẩm. 

Anh David Boyce, đầu bếp chính của khách sạn Manor, Vương quốc Anh sau khi sử dụng Dao Vua trong công việc đã chia sẻ: Thật tuyệt vời khi tôi đã có 3 con dao của các bạn, nó rất sắc và giữ cạnh rất tốt. Tôi hy vọng sản phẩm của các bạn sẽ phổ biến ở thị trường Anh quốc.

Những ghi nhận của khách hàng trong nước và quốc tế như sự động viên giúp tăng thêm động lực cho Nguyễn Duy Chinh và các thành viên HTX Dao Vua có thêm nhiều tâm huyết đầu tư cho mỗi sản phẩm của mình. 

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, chàng trai trẻ Nguyễn Duy Chinh mong muốn sản phẩm Dao Vua sẽ từng bước tiếp cận và có mặt tại các siêu thị trong nước và các nước trên thế giới, đồng thời mở rộng sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Xa hơn, chàng trai 9X dự định mở một làng văn hóa chuyên trưng bày, chế tác các sản phẩm theo phương pháp cổ truyền giúp nâng tầm sản phẩm và thương hiệu của làng rèn.

Làm thợ rèn vui như diễn kịch
Râu bằng than mọc lên bằng thích
Nghịch ở đây già trẻ như nhau
Nên nụ cười nào có tắt đâu

Trong tiếng quai búa rộn ràng vang trên ngõ xóm thênh thang, những nụ cười hồn nhiên như lời chia tay của người dân làng rèn, mộc mạc nhưng thắm tình, như lửa lòng người thợ An Tiêm mang sản phẩm làng rèn ra thế giới.

Minh Hưng