Thứ 6, 22/11/2024, 05:55[GMT+7]

Hạnh phúc của cha

Thứ 2, 13/06/2022 | 10:15:20
1,353 lượt xem
Giữa cái nắng chang chang, người đàn ông cao, gầy với gương mặt có phần khắc khổ cùng nước da dãi dầu sương gió bế theo đứa cháu trai 3 tuổi đi dọc đường đua tại trung tâm đua thuyền Thủy Nguyên (thành phố Hải Phòng), ánh mắt nheo nheo hướng về phía đích. Trên gương mặt ấy, duy chỉ có nụ cười là không lúc nào thôi rạng rỡ. Ông là Phạm Quốc Văn, bố của vận động viên (VĐV) Phạm Thị Thảo, người vừa mang về cho thể thao thành tích cao Thái Bình 3 huy chương vàng (HCV) SEA Games 31 ở các nội dung thi đấu: thuyền 4 nữ hạng nặng 1 mái chèo, thuyền 4 nữ hạng nặng 2 mái chèo và thuyền 4 nữ hạng nhẹ mái chèo đôi.

Niềm hạnh phúc của vận động viên Phạm Thị Thảo khi gặp gia đình sau chiến thắng tại SEA Games 31.

Lần đầu tiên được xem con thi đấu ở một giải quốc tế, ông Văn vừa mừng vừa lo. Ông bảo: Con thi những 3 ngày, rất muốn đến cổ vũ cho con từ ngày thi đấu đầu tiên nhưng lại sợ làm con mất tập trung, mải ngóng gia đình mà ảnh hưởng chất lượng thi đấu, phí hoài bao công sức tập luyện nên đành phải ở nhà chờ kết quả. Đến ngày thi đấu cuối cùng, sau khi VĐV Phạm Thị Thảo đã xuất sắc cùng các đồng đội mang về 2 HCV, ông Văn mới dám đưa cháu lên cổ vũ. Chứng kiến cả khán đài rợp cờ đỏ sao vàng, hàng nghìn khán giả tới cổ vũ cho các VĐV, trong đó có con gái mình, ông Văn càng thêm xúc động.

Ông chia sẻ: Gần 1 năm nay Thảo không về nhà, ngay cả tết Nguyên đán vừa qua cũng không về được vì phải tập trung đội tuyển để tập luyện chuẩn bị cho SEA Games. Thành quả đạt được ngày hôm nay là rất nhiều mồ hôi, nước mắt và cả những hy sinh của con khi tạm gác lại công việc gia đình tập trung cho mục tiêu, thành tích chung của đội tuyển. Hiện nay chồng của Thảo làm việc ở Hà Nội nên 2 cháu nhỏ 5 tuổi và 3 tuổi đều được ông bà nội, ngoại thay nhau chăm sóc. Cũng may là gia đình hai bên cách nhau chưa đến 1km nên ông bà  tiện qua lại thăm nom. Cháu ở với ông bà từ nhỏ nên có phần quấn quýt với ông bà nhiều hơn với mẹ, có lẽ đó cũng là thiệt thòi không chỉ của Thảo mà của nhiều nữ VĐV thể thao thành tích cao. Dù tối nào Thảo cũng gọi điện nhưng lâu ngày không về, có lúc cháu lớn dỗi mẹ, đêm ngủ mơ hay gọi mẹ... tôi càng thương con, càng thương những hy sinh, vất vả của con. Vậy là ông bà vừa phải ân cần giải thích từng chút cho cháu hiểu vừa động viên con hãy lấy gia đình, lấy những hy sinh đó của mình làm động lực để cố gắng nhiều hơn, dù có khó khăn tới mấy cũng không bỏ cuộc.

Vận động viên Phạm Thị Thảo cùng hai con sau chiến thắng tại SEA Games 31.

Kỷ niệm sâu sắc nhất của ông Văn là khi con gái thi đấu tại ASIAD 18 năm 2018, tổ chức tại Indonesia. Tại kỳ Đại hội thể thao châu Á này, hành trình đến với chiếc HCV của Thảo gian truân, vất vả hơn rất nhiều những giải đấu khác. Lý do là Thảo sinh con gái lớn vào tháng 8/2017 thì 3 tháng sau đã phải bước vào tập thể lực tại nhà để ép cân, chuẩn bị cho việc trở lại thi đấu. Khi con được 6 tháng tuổi, Thảo đưa con lên Hà Nội rồi lại ra Hải Phòng để hội quân cùng các thành viên đội tuyển quốc gia, chuẩn bị cho ASIAD. Đi cùng Thảo lúc có mẹ đẻ, lúc có mẹ chồng, hai bà thay phiên nhau hỗ trợ con chăm cháu. Nhưng thấy cả mẹ, cả con vất vả quá, trước khi ASIAD diễn ra gần 4 tháng, Thảo lại đưa con về quê, nhờ cậy ông bà chăm sóc để chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho thi đấu. Xa nhà, xa con, gác lại nỗi nhớ con đến quay quắt, Thảo vẫn “gặt” HCV tại ASIAD 18 và tiếp đó là 2 HCV, 1 HCB tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc diễn ra vào cuối năm 2018.  

Nhớ lại ngày đầu Thảo đến với đua thuyền, ông Văn bồi hồi: Có lẽ cái nghiệp thể thao đã chọn Thảo. Khi ấy Thảo đang là học sinh lớp 12 thì được tham gia hội khỏe Phù Đổng. Nhận thấy Thảo có sải tay dài lạ thường, tố chất đặc biệt của một VĐV đua thuyền, HLV Nguyễn Văn Sáu của Trường Năng khiếu thể dục thể thao tỉnh (nay là Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh) đã thuyết phục em và gia đình tham gia tập luyện môn rowing. Thầy Sáu mất tới 2 tháng cùng nhiều lần về tận nhà Thảo mới quyết định đi theo đua thuyền bởi ước mơ của em khi ấy là bóng chuyền. Nếu không có tâm huyết của thầy Sáu ngày ấy có lẽ cũng chẳng có Thảo bây giờ.

Ông Văn cười bảo, nếu không có thể thao giờ Thảo sẽ làm nông cùng gia đình chứ không phải là viên chức của ngành thể thao Thái Bình. Thể thao đã mang đến cho Thảo cũng như gia đình ông quá nhiều, những điều mà có lẽ không phải VĐV thể thao thành tích cao nào cũng may mắn có được.

Tú Anh