Thứ 7, 23/11/2024, 03:42[GMT+7]

ASIAD 2023: 'Nhiệm vụ kép' của các VĐV Đoàn Thể thao Việt Nam

Thứ 3, 26/09/2023 | 06:01:06
2,070 lượt xem
Nhiều tuyển thủ của Đoàn Thể thao Việt Nam phấn đấu giành huy chương Vàng và hướng tới mục tiêu giành vé tham dự Đại hội Thể thao Thế giới (Olympic) Paris 2024.

Ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao, Trưởng Đoàn Thể thao Việt Nam. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)

Không chỉ phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giành từ 2-5 huy chương Vàng tại Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 2023) ở nhóm môn Cầu mây, Karate, Bắn súng, Boxing, Cờ tướng, nhiều tuyển thủ của Đoàn Thể thao Việt Nam cũng đang hướng tới mục tiêu giành vé tham dự Đại hội Thể thao Thế giới (Olympic) Paris 2024.

Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD 2023, ông Đặng Hà Việt, cho biết: "Đây là nhiệm vụ kép mà chúng tôi đặt ra với các tuyển thủ, đặc biệt là nhóm vận động viên đầu tư trọng điểm với sự liên thông về nội dung thi đấu ở ASIAD lẫn Olympic."

Đoàn Thể thao Việt Nam có được sự thuận lợi nhất định trong hành trình tìm kiếm vé dự Olympic 2024 khi Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) xác nhận sẽ trao 74 suất dự Olympic ở 9 môn thi đấu tại ASIAD 19. Cụ thể gồm: Bắn cung (6 suất), Bơi nghệ thuật (10 suất), Quyền Anh (34 suất), Breaking (2 suất), Hockey (2) suất, Pentathlon (10 suất), Sailing (6 suất), Quần vợt (2 suất), Bóng nước (2 suất).

Trong số đó, vé tham dự Olympic được trao cho vận động viên đứng đầu tại ASIAD và nội dung mà họ tranh tài có trong chương trình thi đấu của Olympic 2024.

Ngoài ra, theo quy định chung của IOC, kết quả thi đấu ở các môn tính thành tích bằng thông số cụ thể như Điền kinh và Bơi, nếu vận động viên đạt chuẩn Olympic trong cuộc thi đấu ở ASIAD cũng sẽ được công nhận giành vé dự Thế vận hội.

Xét về năng lực chuyên môn, đây chính là các tấm vé mà Đoàn Thể thao Việt Nam có thể đem về từ ASIAD, bởi mức độ cạnh tranh sẽ thấp hơn so với các cuộc thi đấu đối kháng và chỉ dành cho vận động viên giành được huy chương Vàng.

Trưởng đoàn Đặng Hà Việt chia sẻ: "Không chỉ là hy vọng mà một số vận động viên của Đoàn Thể thao Việt Nam cũng đã được chuẩn bị cho mục tiêu giành vé dự Olympic cùng với giành huy chương trong cuộc thi đấu ở ASIAD. Chúng ta có những vận động viên nằm trong nhóm đầu ở châu lục nhưng khả năng tranh chấp là 50-50 hoặc thấp hơn một chút. Quan trọng nhất vẫn là sự ứng biến linh hoạt, ổn định tâm lý trong thi đấu, nếu thêm chút may mắn thì hoàn toàn có thể gây bất ngờ."

Hiện tại, Thể thao Việt Nam mới chỉ có 2 vé tham dự Olympic 2024 của cuarơ Nguyễn Thị Thật (xe đạp) và xạ thủ Trịnh Thu Vinh (bắn súng).

Điều này cho thấy việc giành suất dự Olympic ở những môn thi đấu đối kháng tính thành tích bằng thứ hạng chung cuộc là cực kỳ khó khăn và tiềm ẩn nhiều thách thức với Thể thao Việt Nam.

Tương quan lực lượng cho thấy các tuyển thủ của Đoàn Thể thao Việt Nam có rất ít hy vọng tranh chấp trong số 74 tấm vé ở 9 môn thể thao nêu trên, khi chỉ có một số ít vận động viên đạt trình độ châu lục ở môn Bắn cung và Quyền anh.

Trong số này, nổi bật hơn cả là Nguyễn Thị Tâm với ngôi á quân thế giới và 2 tấm huy chương Vàng châu Á ở hạng 50kg, nhưng việc mới trở lại sau chấn thương đứt dây chằng chéo gối trái đã làm hẹp đi đáng kể cơ hội tranh chấp huy chương Vàng của cô ở ASIAD 2023.

Hy vọng giành vé dự Olympic 2024 của Thể thao Việt Nam lúc này được cảm nhận rõ nhất ở môn Điền kinh và Bơi khi đang có những tuyển thủ sở hữu thành tích tiệm cận với chuẩn A hoặc chuẩn B.

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng sau khi không thành công trong việc giành vé dự Olympic 2024 từ SEA Games 32, đến nay là thời điểm cần nỗ lực để có thể đạt chuẩn A (15:00.99) ở nội dung sở trường 1.500m tự do nam.

Hay đối với Nguyễn Thị Huyền, thành tích giành huy chương Vàng nội dung 400m rào nữ 56 giây 29 tại SEA Games 32 được coi là le lói cơ hội so với chuẩn A Olympic 54 giây 85.

Dù vậy, để có được tấm vé dự Olympic 2024 ở môn Bơi hoặc Điền kinh với Thể thao Việt Nam trong cuộc thi đấu ở ASIAD là cực kỳ khó khăn.

Đơn cử như trường hợp của Nguyễn Huy Hoàng, từ năm 2019 tới nay kình ngư người Quảng Bình chưa từng tái lập hoặc vượt qua được thành tích 14 phút 58 giây 14 từng đưa anh tới Olympic Tokyo 2020.

Hoặc chỉ kém hơn 1 giây so với chuẩn A nội dung 400m Rào Nữ, song Nguyễn Thị Huyền cũng có rất ít hy vọng khi đã chạm ngưỡng đỉnh cao nhất về thành tích.

Hay nói một cách khác, để có thể hoàn thành chỉ tiêu "kép," đòi hỏi các tuyển thủ của Đoàn Thể thao Việt Nam phải nỗ lực rất lớn và vượt qua được giới hạn của bản thân trong các cuộc thi đấu tại ASIAD 2023./.

Theo Vietnam+