Chủ nhật, 22/12/2024, 17:04[GMT+7]

Paralympic 2024: Những kỷ lục gia của Thể thao Người khuyết tật Việt Nam

Thứ 3, 27/08/2024 | 21:04:24
1,751 lượt xem
7 vận động viên Việt Nam tham gia Paralympic 2024 là 7 tấm gương về ý chí vươn lên mạnh mẽ, sự khổ luyện không ngừng nghỉ và là 7 kỷ lục gia đáng nể của Thể thao Người khuyết tật Việt Nam.

Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam sẵn sàng tập luyện để chuẩn bị tranh tài tại Paralympic Paris 2024. (Ảnh: TTXVN phát)

7 vận động viên Việt Nam góp mặt tại Paralympic 2024 đều là những kỷ lục gia của Thể thao Người khuyết tật Việt Nam và là tấm gương của ý chí vươn lên để vượt qua nghịch cảnh.

Lê Văn Công: Kỷ lục gia thế giới

Lê Văn Công sinh năm 1984 trong một gia đình làm nông tại Hà Tĩnh. Do mẹ mắc sốt xuất huyết khi mang thai anh, nên đôi chân của Lê Văn Công bị teo ngay từ khi mới chào đời. 

Trải qua tuổi thơ và lớn lên với cơ thể tật nguyền, song ý chí vươn lên của Lê Văn Công luôn cháy bỏng.

Đô cử Việt Nam Lê Văn Công giành Huy chương Bạc nội dung cử tạ hạng 49kg nam tại Paralympic Tokyo 2020, ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bước ngoặt cuộc đời đến với Lê Văn Công vào năm 2005 khi anh gặp huấn luyện viên Nguyễn Hồng Phúc tại câu lạc bộ hướng nghiệp cho người khuyết tật tại Thành phố Hồ Chí Minh, rồi chính thức gắn bó với môn Cử tạ dành cho người khuyết tật. 

Bắt đầu từ tấm huy chương Bạc quốc gia khi lần đầu thi đấu hạng 49kg và nghị lực kiên cường, vừa đi tập, vừa đi làm mưu sinh trang trải cuộc sống, Lê Văn Công trở thành gương mặt tiêu biểu của Cử tạ Người khuyết tật Việt Nam.

Trong bộ sưu tập huy chương, Lê Văn Công có đủ huy chương Vàng ở các giải khu vực, châu lục và thế giới. Đỉnh cao là tấm huy chương Vàng tại Paralympic Rio (Brazil) vào năm 2016, đồng thời lập kỷ lục thế giới với thành tích nâng tạ 183kg.

Đến năm 2017, Lê Văn Công tiếp tục phá kỷ lục của chính mình với 183,5kg ở Giải vô địch Thế giới và kỷ lục này đến nay vẫn chưa có ai vượt qua. 

Trong sự nghiệp, Lê Văn Công cũng đã từng giành huy chương Bạc tại Paralympic 2021 tại Tokyo, Nhật Bản.

Bộ sưu tập huy chương ngày một nhiều lên nhưng đổi lại là một chấn thương mãn tính trên vai, khiến anh thường xuyên phải tiêm thuốc giảm đau để tập luyện và thi đấu. 

Lần thứ 3 đến với Paralympic, Lê Văn Công vẫn cháy bỏng khát vọng giành huy chương để mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Nguyễn Bình An: 2 lần vô địch ASIAN Para Games

Chàng trai sinh năm 1985 ở một vùng quê nghèo của tỉnh Trà Vinh có số phận hoàn toàn trái ngược với tên gọi Nguyễn Bình An. Một cơn sốt bại liệt đã vĩnh viễn cướp đi đôi chân lành lặn, khỏe khoắn của cậu bé Bình An từ năm 6 tuổi.

Gia cảnh khó khăn, cùng với đôi chân ngày một teo tóp đã khiến cuộc sống của Bình An ngày càng vất vả. Năm 1999, Bình An được giới thiệu tới Trung tâm chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh Trà Vinh để học nghề may, nhưng cũng không đủ kiếm sống. 

Đô cử Nguyễn Bình An trong nỗ lực lập kỷ lục ASEAN Para Games với mức cử 182kg. (Ảnh: Hữu Chiến-Văn Phong/TTXVN)

Trong 15 năm tiếp theo, chàng trai ngồi xe lăn đi bán vé số mỗi ngày để mưu sinh và ước mơ được thi đấu cử tạ nhen nhóm khi xem truyền hình trực tiếp ASEAN Para Games 2003 diễn ra tại Việt Nam, nhưng khó khăn là ở Trà Vinh không có cơ sở tập luyện.

Phải đến năm 2010, Bình An mới được biết đến khi giành tấm huy chương Vàng ở giải quốc gia. Những thành công liên tiếp đến với anh sau đó nhờ sự khổ luyện, ý chí vươn lên mạnh mẽ và được địa phương cùng các huấn luyện viên của đội tuyển Cử tạ Người khuyết tật tận tình chỉ dạy.

Điểm nhấn trong sự nghiệp của Nguyễn Bình An là 2 tấm huy chương Vàng Asian Para Games năm 2014, 2018 và chức vô địch thế giới vào năm 2016, cùng hàng loạt huy chương Vàng ở các kỳ ASEAN Para Games trong thời gian này.

Nguyễn Bình An được coi là một hy vọng giành huy chương tại Paralympic 2024 cho đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam và trên tất cả, sau những gì đã thể hiện, lực sỹ 39 tuổi đã trở thành tấm gương về nghị lực vươn lên.

Đặng Thị Linh Phượng: Nữ hoàng Cử tạ

Đặng Thị Linh Phượng sinh năm 1983 tại Thành phố Hồ Chí Minh, bị khuyết tật ở chân và được bố mẹ gửi vào cô nhi viện từ khi mới lọt lòng do hoàn cảnh quá khó khăn. Linh Phượng sau đó được bà nội và bác ruột đón về chăm sóc và nuôi dưỡng.

Lớn lên với nhiều khó khăn nhưng Linh Phượng vẫn tự mình hoàn thành chương trình bổ túc lớp 5 dưới sự giúp đỡ của một người hàng xóm, rồi sau đó xin đi làm nghề khảm tranh ở một công ty thủ công mỹ nghệ gần nhà để để phụ giúp bà nội trang trải cuộc sống.

Nữ lực sỹ cử tạ Đặng Thị Linh Phượng giành huy chương Bạc Asian Para Games 4. (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)

Cuộc sống của Linh Phượng một lần nữa trải qua biến cố khi bà nội qua đời vào năm cô 20 tuổi và những khó khăn một lần nữa trở lại. Phải đến năm 27 tuổi, Linh Phượng mới đến với thể thao vì nghĩ rằng đi tập cho khuây khỏa.

Nhờ huấn luyện viên Nguyễn Hồng Phúc phát hiện ra những tố chất đặc biệt và thuyết phục Linh Phượng chuyển sang tập cử tạ, Thể thao Người khuyết tật Việt Nam đã dần tìm ra một nữ hoàng với những thành tích vượt bậc chỉ trong thời gian ngắn.

Linh Phượng giành tấm huy chương Vàng hạng 50kg nữ ngay lần đầu tiên dự ASEAN Para Games vào năm 2011 và lần lượt sau đó giành các tấm huy chương châu Á và thế giới. 

Tại Paralympic Rio 2016, Linh Phượng trở thành nữ vận động viên đầu tiên giành huy chương cho Thể thao Người khuyết tật Việt Nam với tấm huy chương Đồng và đang mơ ước một lần nữa được bước lên bục chiến thắng tại Paris.

Châu Hoàng Tuyết Loan: "Bà già gân" 10 lần phá kỷ lục Đông Nam Á

Sinh năm 1975, Châu Hoàng Tuyết Loan là vận động viên lớn tuổi nhất của đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam dự Paralympic 2024. 

Không tính những tấm huy chương, việc nữ vận động viên 49 tuổi với 5 lần góp mặt ở sân chơi lớn nhất thế giới đã tạo nên một kỷ lục vô tiền khoáng hậu.

Châu Hoàng Tuyết Loan đã 10 lần phá kỷ lục ASEAN Para Games của chính mình. (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Châu Hoàng Tuyết Loan không chỉ là chị cả, mà cũng là một trong những vận động viên xuất sắc đến mức… quen thuộc ở mỗi kỳ ASEAN Para Games. 

Đều đặn từ năm 2005 trở lại đây, "bà già gân" có tổng số 10 lần phá kỷ lục thành tích của chính mình ở mỗi kỳ ASEAN Para Games.

Sau tất cả những tấm huy chương và kỷ lục ở mỗi lần nâng tạ, còn là một câu chuyện hết sức cảm động về hành trình vượt khó của nữ lực sỹ luôn thường trực nụ cười trên môi. 

6 tháng tuổi, Tuyết Loan đã bị bại liệt hỏng đôi chân và sớm mồ côi cha. 15 tuổi, cô bươn chải làm đủ nghề để kiếm sống.

Nhưng sự nghiệt ngã của số phận dường như chưa buông tha, từ năm 2010, các bác sỹ phát hiện ra Tuyết Loan bị ung thư vòm họng. Từ đó đến nay, cô vẫn vừa điều trị, vừa lao động kiếm sống, vừa tập luyện, vừa giành huy chương và sắp tới tham dự Paralympic.

Đỗ Thanh Hải và Lê Tiến Đạt: Cuộc rượt đuổi trên "đường đua xanh"

Paralympic 2024 ghi nhận một dấu ấn đặc biệt của Thể thao Người khuyết tật Việt Nam khi có 2 "kình ngư" cùng thi đấu nội dung 100m ếch hạng thương tật SB5 được trao suất tham dự đại hội và sẽ cùng tranh tài tại Paris.

Kết quả này là phần thưởng xứng đáng cho nỗ lực vươn lên và khẳng định mình từ thành công ở đấu trường khu vực và châu lục các năm gần đây.

Kình ngư Đỗ Thanh Hải. vinh dự được nhận danh hiệu "Vận động viên khuyết tật của năm" năm 2022. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Đặc biệt, cuộc rượt đuổi trên "đường đua xanh" giữa 2 "kình ngư" này diễn ra đầy thú vị với nhiều tấm huy chương cho đội tuyển Bơi Người khuyết tật Việt Nam.

Đỗ Thanh Hải, vận động viên sinh năm 1990, gần nhất từng giành 4 huy chương Vàng ASEAN Para Games 2023 và lần thứ 3 có vinh dự góp mặt tại Paralympic trong sự nghiệp- sẽ một lần nữa tranh tài cùng Lê Tiến Đạt- người cũng đã giành 4 huy chương Vàng, phá 2 kỷ lục tại ASEAN Para Games vừa qua.

Còn nhớ tại ASIAN Para Games diễn ra tại Quảng Châu, Trung Quốc vào năm ngoái, Tiến Đạt và Thanh Hải cũng là 2 "kình ngư" về đầu tiên ở chung kết nội dung 100m ếch SB5, đem về 1 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc cho đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam.

Dưới bể bơi, họ là đối thủ. Thời gian còn lại, họ là đồng đội cùng nhau gắng sức tập luyện, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống. Hành trình tới Paralympic đã ghi nhận nỗ lực rất lớn của bộ đôi "kình ngư" này và người hâm mộ hy vọng một lần nữa được chứng kiến khoảnh khắc chiến thắng của họ tại Paris.

Phạm Nguyễn Khánh Minh: Hy vọng mới trên đường chạy tốc độ

Chân chạy sinh năm 1996 là vận động viên nhỏ tuổi nhất của đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam dự Paralympic và có lẽ cũng là người duy nhất có hoàn cảnh không quá éo le như nhiều đồng nghiệp.

(Nguồn: paralympic)

Khánh Minh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh cùng gia đình. Từ nhỏ, Khánh Minh là một cậu bé hoàn toàn bình thường, nhưng đến năm 8 tuổi, thị lực của Minh bắt đầu giảm sút dù chạy chữa nhiều nơi. Đến 18 tuổi, Khánh Minh gần như mất hoàn toàn thị lực.

Bản thân vốn là một chàng trai yêu thích thể thao và vận động nên Khánh Minh quyết định gắn bó với việc tập luyện điền kinh một cách chuyên nghiệp với thời lượng 4-5 tiếng mỗi ngày kể từ khi gặp huấn luyện viên Đặng Văn Phúc.

Ngay kỳ ASIAN Para Games đầu tiên vào năm 2018, Khánh Minh đã giành được 1 huy chương Bạc, 1 huy chương Đồng và tiếp tục giành 1 huy chương Bạc tại Quảng Châu (Trung Quốc) vào năm ngoái. 

Đặc biệt, Khánh Minh từng có thành tích trong top 6 thế giới ở nội dung 400m T12 (không có người dẫn đường) và nổi lên như một hy vọng mới cho Điền kinh Người khuyết tật Việt Nam.

Khánh Minh chia sẻ: "Người bình thường chạy nhanh đã khó, với người mắt kém thì chắc chắn còn khó hơn nhưng không vì thế mà tôi nản chí. Tôi đã sẵn sàng tới Paralympic với mong muốn được cháy hết mình"./.

Theo Vietnam+