Thứ 7, 23/11/2024, 01:19[GMT+7]

Minh Chuyên: Thông điệp lịch sử

Thứ 2, 24/12/2018 | 08:43:09
3,793 lượt xem
Gần 40 năm say nghề với nhiều tác phẩm như một minh chứng lịch sử hùng hồn về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của quân và dân Việt Nam trong thế kỷ XX - thông điệp lịch sử này sẽ cùng người dân Thái Bình và cả nước trường tồn theo thời gian.

Bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh Minh Chuyên với các tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng ở thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai (Vũ Thư) lưu giữ và trưng bày trên 600 tư liệu, hình ảnh, hiện vật bao gồm 82 tác phẩm văn học, 255 tập phim tài liệu do Minh Chuyên viết kịch bản và đạo diễn và rất nhiều tư liệu quý về đề tài chiến tranh.

Trong số những người viết văn, làm báo đương đại hiếm có người viết nào thành công và có được bảo tàng cá nhân gồm tư liệu đồ sộ về đề tài chiến tranh cách mạng và hậu chiến tranh ở Việt Nam như nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn cao cấp Minh Chuyên. 

Ngày 25/10/2018 Minh Chuyên được tổ chức kỷ lục Việt  Nam xác lập số 2165/QĐ-KLVN năm 2018 khẳng định là người sáng tác các tác phẩm văn học, điện ảnh, truyền hình về hậu chiến tranh ở Việt Nam nhiều nhất. 

Còn đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Vi Hòa nhận xét về Minh Chuyên: Viết kịch bản và đạo diễn 255 tập phim tài liệu phát sóng truyền hình quốc gia là một nỗ lực độc đáo của nhà văn, nhà báo, đạo diễn cao cấp Minh Chuyên. Nhiều bộ phim như “Huyền thoại tàu không số”; 25 tập phim “Ký ức chiến tranh nhìn từ hai phía”; 52 tập phim “Bức thông điệp lịch sử”, phim về “Ông cố vấn”, đặc biệt phim “Linh hồn Việt Cộng” và phim “Cha con người lính” từng làm xôn xao dư luận trong và ngoài nước. 

Nghệ sĩ nhân dân Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam đánh giá: Hầu hết các tác phẩm truyền hình của đạo diễn Minh Chuyên chỉ tập trung vào đề tài chiến tranh cách mạng và hậu quả chiến tranh. Ông là một trong những người có công đóng góp xây dựng nền điện ảnh cách mạng, một đạo diễn xuất sắc trong lĩnh vực phim tài liệu, truyền hình. 

Nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa nhận xét: Đọc các tác phẩm của Minh Chuyên nghĩ về cuộc giao duyên giữa văn và báo. Minh Chuyên cầm bút viết để trả ơn cuộc đời, trả ơn những người đồng đội mà hơn 10 năm Minh Chuyên sống và chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Mỗi trang viết, mỗi thước phim được Minh Chuyên gạn lọc, đau đáu về số phận con người, thông qua các bài báo, tác phẩm văn học, thước phim tài liệu là cách nhìn của Minh Chuyên vừa nhân hậu vừa quyết liệt để trả lại tên cho đồng đội. Bút ký “Người không cô đơn” là tác phẩm Minh Chuyên ngợi ca lòng nhân ái cao thượng của con người, tố cáo tội ác chiến tranh đã đẩy người lính sau cuộc chiến vào bất hạnh. “Thủ tục làm người còn sống”, đã trả lại tên cho người lính từ chiến trường trở về và ngay sau khi câu chuyện này đến với bạn đọc và công chúng Minh Chuyên đã phải trả giá và đối mặt với “tai họa”. Ông đã từng bật khóc và bất lực trước sự việc có nhiều ý kiến khác nhau, phải sau 17 lần các cuộc họp của cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương vụ việc “Thủ tục làm người còn sống” mới được sáng tỏ. “Đứa con màu da thú”, “Vào chùa gặp lại” và nhiều lắm các trang viết, thước phim của Minh Chuyên đã khẳng định điều đó với bạn đọc. Nay các trang viết, các tập phim tài liệu đang được trưng bày tại “bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh Minh Chuyên”.

Khách đến tham quan bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh Minh Chuyên ở thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai (Vũ Thư).

Làm báo, viết văn để trả ơn cuộc đời

Minh Chuyên tâm nguyện như vậy, sự nghiệp cầm bút của ông cháy lòng trong câu chữ, trong từng trang viết, từng đề tài sống hết lòng, hết dạ vì trang văn, bài báo vì nhân vật có lẽ chẳng ai hơn được Minh Chuyên đó cũng là một lý do, một bí kíp của người làm nghề dẫn Minh Chuyên đến thành công. 

Theo Minh Chuyên, để có trang viết và những thước phim mang theo hiện thực cuộc sống thì ông luôn tiếp cận thực tiễn, đối thoại trực tiếp với nhân vật là việc làm không thể bỏ qua khi cầm bút. Thu thập và ghi chép tư liệu cẩn trọng ban đầu là vấn đề hết sức lưu tâm, vì vậy người viết phải nghe nhiều, đi nhiều, nghe một lần rồi nghe lại và kiểm chứng tư liệu, từ đó chắt lọc, cân nhắc vấn đề đưa vào trang viết, đưa vào tác phẩm. Với những vấn đề chưa thực rõ, nhạy cảm thì đề nghị nhân vật viết ra giấy tác giả lưu giữ làm căn cốt cho bài viết của mình. Đó cũng là cách phòng ngừa từ xa cho tác giả. Mỗi bài viết, trang viết tác giả không căn cứ nghe thấy kể, phỏng đoán rồi đưa ra lời nhận xét chủ quan mà người cầm bút tiếp cận trực tiếp nhân vật, sự việc, sự kiện, lấy tư liệu đầy đủ, nhiều chiều, lắng nghe nhiều phía, viết trung thực, khách quan thì hiệu quả, hiệu ứng xã hội sẽ tốt. 

Gần 40 năm viết báo, viết văn, viết kịch bản và đạo diễn phim tài liệu truyền hình của nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ ưu tú Minh Chuyên đã có được 105 chứng chỉ khen thưởng các loại, trong đó có giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017 và giải thưởng cúp vàng quốc tế tác phẩm điện ảnh năm 2006. Minh Chuyên được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập số 2165/QĐ-KLVN năm 2018 khẳng định là người sáng tác các tác phẩm văn học, điện ảnh, truyền hình về hậu chiến tranh ở Việt Nam nhiều nhất. Để hôm nay, Minh Chuyên có được niềm tin yêu mến phục không chỉ của đồng nghiệp mà Minh Chuyên được độc giả, thính giả, người xem truyền hình cả nước và thế giới biết đến ông. Để hôm nay Minh Chuyên có được bảo tàng cho riêng mình tặng cho quê hương, đất nước. Minh Chuyên viết là để trả ơn cuộc đời.

"Mỗi tác phẩm của Minh Chuyên như một bức thông điệp nhắn gửi cho mai sau để có cuộc sống hòa bình hôm nay, người Việt Nam đã đổ máu hy sinh như thế nào."

(Nhà nghiên cứu lý luận văn học, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Phương Lựu)


Nguyễn Công Liêm
(Thành phố Thái Bình)