Thứ 6, 22/11/2024, 18:13[GMT+7]

Khoa học, công nghệ tạo đà phát triển công nghiệp, nông nghiệp

Thứ 7, 29/12/2018 | 09:58:33
1,266 lượt xem
Muốn phát triển công nghiệp, nông nghiệp theo hướng công nghệ cao cần phát huy vai trò đòn bẩy của khoa học, công nghệ (KHCN). Năm 2018, nhiều đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh đã đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng KHCN vào sản xuất, làm tăng giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm.

Doanh nghiệp tư nhân điện cơ Thiên Thuận ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất máy nông nghiệp.

Nhiều nghiên cứu, sáng tạo KHCN về công nghiệp, nông nghiệp


Để khuyến khích các tầng lớp nhân dân nghiên cứu, sáng tạo KHCN, các ngành, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp đã có cơ chế hỗ trợ, khen thưởng. Do vậy, trong năm 2018 đã có nhiều đề tài thiết thực, hiệu quả, có tính ứng dụng, nhân rộng cao được ra đời, cụ thể ở lĩnh vực công nghiệp có giải pháp “Nghiên cứu xây dựng mô hình khung nhà màng bằng vật liệu cốt sợi polymer để phục vụ sản xuất nông nghiệp”; “Hoàn thiện, chuyển giao quy trình công nghệ, dây chuyền thiết bị sản xuất gạch và cấu kiện bê tông nhẹ, không nung sử dụng hiệu quả năng lượng”; “Nghiên cứu sản xuất sữa bí đỏ trên dây chuyền sản xuất sữa gạo tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen”; “Ứng dụng quy trình công nghệ chế biến đồ uống từ quả bần tại vùng ven biển tỉnh Thái Bình”… Trong lĩnh vực nông nghiệp có các đề tài: “Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen ngao dầu”; “Sản xuất giống cá trắm đen”; “Ứng dụng kỹ thuật sinh sản để lai tạo bò F1 hướng thịt”… Nhiều đề tài, giải pháp, mô hình đã được ứng dụng vào thực tiễn và mang lại thành công như: nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng trong nhà có che phủ nilon; ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để sản xuất ong mật chất lượng cao; mô hình nuôi vỗ béo bò thịt để nâng cao năng suất, chất lượng thịt bò… Tiếp tục khơi dậy niềm đam mê, sự sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, hội thi sáng tạo khoa học - công nghệ và kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII và cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ IV năm 2018 - 2019 đã được phát động và đón nhận nhiều đề tài, giải pháp tham gia, trong đó có nhiều đề tài về công nghiệp, nông nghiệp.


Đột phá nhờ ứng dụng KHCN


Song hành với việc nghiên cứu, sáng tạo, nhiều doanh nghiệp còn mạnh dạn ứng dụng KHCN vào sản xuất. Để bắt nhịp với cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao chất lượng sản xuất, Doanh nghiệp tư nhân điện cơ Thiên Thuận đã mạnh dạn đầu tư 4 cánh tay rô bốt từ Nhật Bản và tiến hành đổi mới dây chuyền sản xuất. Dù mới khai thác 1/3 công suất song hoạt động của mỗi cánh tay rô bốt tương đương với 10 lao động, giúp doanh nghiệp giảm chi phí nhân công, nâng số lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, tạo sự cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.


Ông Nguyễn Như Lĩnh, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân điện cơ Thiên Thuận cho biết: Hiện nay, với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, việc đầu tư máy móc, ứng dụng KHCN vào sản xuất có ý nghĩa quan trọng. Những cánh tay rô bốt sẽ giúp người lao động tại doanh nghiệp thực hiện những công đoạn độc hại như hàn xì, sơn… Cùng với việc đầu tư cánh tay rô bốt, doanh nghiệp cũng đã áp dụng máy móc hiện đại, tự động hóa nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm. Từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, đến nay doanh thu của doanh nghiệp đã đạt gần 40 tỷ đồng/năm.


KHCN không chỉ mang đến thành công cho các doanh nghiệp kinh doanh về công nghiệp, trong lĩnh vực nông nghiệp, KHCN cũng đóng vai trò khá tích cực. Những năm qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed luôn đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại của châu Âu vào sản xuất, nghiên cứu. Từ các nhà máy chế biến hạt giống, chế biến gạo đến trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và phòng thử nghiệm quốc gia mã số Vilas 110 đều được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại. Nhờ đó, hàng năm ThaiBinh Seed Group đã cho ra đời nguồn giống lúa, ngô, lạc, đậu tương, rau… đạt năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần đưa ngành Nông nghiệp đạt được những bước tiến mới.

Trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm mới của ThaiBinh Seed đã chọn, tạo nhiều giống lúa mới, chất lượng.


Sự vào cuộc của ngành Khoa học và Công nghệ


Năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai 86 nhiệm vụ KHCN từ cấp bộ tới cấp cơ sở trên nhiều lĩnh vực khác nhau với tổng kinh phí trên 23 tỷ đồng. Hoạt động KHCN trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, hoạt động KHCN đã tập trung cho việc đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ KHCN để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm cụ thể như: hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống co màng co tự động, phục vụ dây chuyền đóng lon công suất 50.000 lon/giờ; thiết kế, chế tạo hệ thống điều khiển đèn chiếu sáng công cộng qua mạng thông tin di động tại Thái Bình…


Cùng các hoạt động KHCN thuộc lĩnh vực công nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ còn phối hợp với nhiều đơn vị, tổ chức tiến hành khảo nghiệm, tuyển chọn nhiều giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, có triển vọng và xây dựng các mô hình sản xuất như: mô hình trình diễn 3 giống ngô NK6410, NMH1242, NK7318 BT/GT tại xã Việt Thuận (Vũ Thư); mô hình thử nghiệm giống khoai tây Forza, Rivola và Amanda nhập khẩu từ Hà Lan; mô hình thâm canh giống dưa hấu Phù Đổng và dưa lê Kim Vương vụ xuân hè năm 2018 tại xã Việt Hùng (Vũ Thư), xã An Bồi (Kiến Xương) và nhiều mô hình có tính ứng dụng cao khác.


Hoạt động KHCN được triển khai, các đề tài được ứng dụng vào thực tiễn đã góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển ngành Công nghiệp, mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội, cải tạo môi trường, tăng thu nhập cho người dân. Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan sẽ tích cực tuyên truyền, phổ biến kết quả nghiên cứu, chuyển giao thành tựu KHCN đồng thời rà soát, sửa đổi và bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm đổi mới việc xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KHCN; chủ động đầu tư và có cơ chế khuyến khích việc nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh.

Hoàng Lanh