Thứ 2, 12/08/2024, 10:16[GMT+7]

Kiểm soát súng đạn ở Mỹ còn nhiều chông gai

Thứ 3, 29/01/2013 | 14:41:09
1,006 lượt xem
Những ngày này, nước Mỹ đang "sôi sục" trong cuộc tranh luận về vấn đề kiểm soát việc sở hữu và sử dụng súng.

Chương trình kiểm soát súng toàn liên bang Tổng thống B.Ô-ba-ma vừa công bố không làm dịu đi những căng thẳng chung quanh đề tài trên, mà dự đoán sẽ còn tiếp tục làm "đau đầu" những nhà làm luật ở Mỹ.

Vụ thảm sát kinh hoàng tại trường tiểu học ở bang Con-nếch-ti-cớt đã khơi lại trong dư luận Mỹ cuộc tranh luận liên quan vấn đề kiểm soát việc buôn bán vũ khí tràn lan trong dân chúng. Trong khi các nhà làm luật đang "loay hoay" tìm cách đạt được sự nhất trí về một đạo luật kiểm soát vũ khí tiến công, người dân Mỹ tiếp tục "đổ xô" đi mua súng.

Theo Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI), chỉ trong một tháng cuối năm 2012, số hồ sơ đăng ký mua súng lên tới gần 2,8 triệu, tăng 39% so mức kỷ lục được thiết lập vào tháng trước đó là hơn hai triệu hồ sơ và tăng 49% so với tháng 11-2011. Năm 2012 được coi là năm có số lượng vũ khí được bán tại thị trường Mỹ đạt mức cao chưa từng có trong 15 năm qua. Hiện, Mỹ đứng đầu thế giới về tỷ lệ sở hữu vũ khí và số nạn nhân của súng đạn. Với dân số khoảng 315 triệu người, hiện có hơn 270 triệu khẩu súng các loại được lưu hành trong xã hội.

Sở hữu vũ khí tiến công là thói quen lâu nay của người Mỹ, hình thành nên "nền văn hóa súng đạn". Việc sở hữu súng được pháp luật cho phép này cũng là nguyên nhân khiến người Mỹ có nguy cơ trở thành nạn nhân trong các vụ bắn giết cao hơn 20 lần so với người dân ở các nước phát triển khác. Súng đạn xếp thứ 13 trong danh mục các nguyên nhân dẫn đến chết người nhiều nhất hằng năm ở Mỹ. Theo kết quả điều tra của LHQ, từ năm 2003 đến năm 2010 đã có khoảng 88 nghìn người Mỹ thiệt mạng trong các vụ bạo lực súng đạn.

Không phải nước Mỹ chưa từng "mạnh tay" trong việc kiểm soát vũ khí tiến công trong dân chúng. Năm 1994, QH Mỹ đã ban hành lệnh cấm mười năm đối với việc buôn bán và sở hữu 19 loại vũ khí. Ðạo luật này hết hạn từ năm 2004 và kể từ đó chưa được khôi phục. Trong cương lĩnh tranh cử năm 2008, Tổng thống Ô-ba-ma ủng hộ khôi phục đạo luật súng đạn. Tuy nhiên, khi ông Ô-ba-ma còn chưa làm được gì nhiều để thực hiện lời hứa này, người dân Mỹ đã "đổ xô" đi mua súng tàng trữ do lo ngại chính quyền sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt về sở hữu vũ khí.

Trước bối cảnh hiện nay, khi sức ép của dư luận ngày càng gia tăng, Tổng thống Ô-ba-ma và Nhóm đặc nhiệm do Phó Tổng thống G.Bai-đơn đứng đầu đang gấp rút thực hiện chiến dịch tìm giải pháp cho vấn đề bạo lực súng đạn và an ninh học đường. Mới đây, bang Niu Oóc cũng mở màn cho cuộc chiến quy mô toàn quốc nhằm vào "văn hóa súng đạn" ở Mỹ bằng việc thông qua luật "Siết chặt sở hữu súng đạn Niu Oóc".

Tuy nhiên, việc tự do sở hữu súng đạn vốn tồn tại hàng trăm năm nay tại "xứ cờ hoa", khó có thể thay đổi trong thời gian ngắn. Hơn nữa, việc sửa đổi quyền sở hữu, sử dụng súng đồng nghĩa với việc sửa đổi Hiến pháp Mỹ. Ngày 16-1 vừa qua, Tổng thống Ô-ba-ma đã công bố Chương trình kiểm soát súng đạn toàn liên bang, một trong những nỗ lực mạnh mẽ nhất nhằm cải tổ luật kiểm soát vũ khí tiến công từ hai thập niên gần đây.

Một số biện pháp cụ thể về kiểm soát súng đạn mà Tổng thống Ô-ba-ma đưa ra, bao gồm các biện pháp hành pháp và lập pháp, cần được QH Mỹ thông qua và được dự báo sẽ khó vượt qua cửa ải tại Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Trong khi đó, khả năng Hiệp hội súng đạn quốc gia (NRA), một trong những tổ chức có ảnh hưởng lớn đối với đời sống chính trị Mỹ, có thể không chịu nhượng bộ trước Nhà trắng về vấn đề siết chặt kiểm soát kinh doanh súng đạn. Với khoảng 4,5 triệu hội viên, NRA một mực cho rằng, mọi biện pháp hạn chế súng đạn là vi phạm Hiến pháp Mỹ. Ðối mặt với khó khăn từ nhiều phía như vậy, con đường đi đến việc ban hành một đạo luật về kiểm soát vũ khí của Tổng thống Ô-ba-ma chắc chắn còn nhiều chông gai.

Theo Nhân dân

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày