Lực cản mục tiêu nỗ lực ứng phó khủng hoảng khí hậu toàn cầu
Các nhà bảo vệ môi trường lắp ráp các loại rác thải nhựa làm viện bảo tàng tại Gresik ở phía Đông đảo Java của Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại hội nghị vừa bế mạc tại thành phố Bonn của Đức, các nước đang phát triển bày tỏ thất vọng khi các bên tham gia chỉ đạt “tiến bộ ít ỏi” trong nhiều vấn đề, nhất là việc thiết lập cơ sở tài chính để giảm bớt tổn thất ngày một lớn do thời tiết cực đoan và nước biển dâng. Bao trùm các cuộc đàm phán tại Bonn vẫn là bầu không khí căng thẳng lâu nay giữa các nhóm nước phát triển và đang phát triển. Nổi bật là tranh cãi về việc bên nào phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cũng như cách thức để phục hồi và giảm thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo của nhóm 20 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, trong 20 năm qua, nhóm này đã thiệt hại khoảng 525 tỷ USD, tương đương với 20% tổng giá trị tài sản, do tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Liên minh các quốc đảo nhỏ (AOSIS) cho biết, 39 thành viên của AOSIS chưa nhận được bảo đảm nào về các khoản hỗ trợ tài chính nhanh chóng và lớn hơn trong vấn đề khí hậu.
Điểm mới là lần đầu tiên nhiều nước phát triển đã thừa nhận “khoảng trống” trong việc cung cấp tài chính cho các nước dễ bị tổn thương để giúp các nước này phục hồi sau tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các nước giàu lại ngăn cản các cuộc thảo luận về cơ sở tài chính mới, thậm chí phản đối các nước đang phát triển đưa chủ đề này vào chương trình nghị sự Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (COP27), dự kiến diễn ra tại Ai Cập vào tháng 11 tới. Việc kỳ hội nghị giữa năm của Liên hợp quốc không đạt được bước tiến lớn nào về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và các mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu đã để lại một “núi công việc” trước COP27.
Trong khi đó, tại hội nghị cấp cao trực tuyến Diễn đàn các nền kinh tế lớn về năng lượng và khí hậu (MEF), do Mỹ chủ trì, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi tiến hành “cuộc tấn công tổng lực” vào ngành nhiên liệu hóa thạch, đề nghị các nền kinh tế lớn chấm dứt “thời đại của nhiên liệu hóa thạch”. Theo nhà lãnh đạo Liên hợp quốc, trong nhiều thập niên qua, ngành nhiên liệu hóa thạch đã nỗ lực thuyết phục các nhà lãnh đạo thế giới và xoay chuyển quan điểm dư luận liên quan vấn đề trách nhiệm của ngành này đối với tình trạng biến đổi khí hậu.
Dựa trên dữ liệu hiện có đối với khoảng 200 quốc gia và các công ty giao dịch lớn, gồm cả những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch, tổ chức Net Zero Tracker đã tiến hành nghiên cứu và chỉ ra rằng, các công ty lớn nhất thế giới vẫn chưa đạt mục tiêu cần thiết để chống biến đổi khí hậu và khoảng cách đáng kể vẫn tồn tại giữa các doanh nghiệp trong kế hoạch cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Theo báo cáo hằng năm của Net Zero Tracker, khoảng một nửa số công ty lớn nhất thế giới trong bảng xếp hạng Forbes 2.000 chưa công bố kế hoạch đưa lượng khí thải về mức 0. Gần 40% số công ty trong bảng xếp hạng này có kế hoạch cắt giảm khí thải, nhưng sử dụng phương án “bù đắp carbon”, nghĩa là mua “tín chỉ carbon” nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn về cắt giảm khí phát thải.
Tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra ngày một tăng và sẽ tồi tệ hơn nếu các biện pháp hạn chế phát thải từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch không được thúc đẩy mạnh mẽ. Giới chuyên gia hối thúc, thay vì hứa hẹn, hay sử dụng những từ ngữ sáo rỗng, các nước giàu cần thể hiện tinh thần hợp tác và đoàn kết quốc tế bằng hành động cụ thể, đồng hành cùng các quốc gia trong cuộc chiến quy mô toàn cầu nhằm bảo vệ hành tinh và tương lai bền vững của nhân loại.
Theo Nhân Dân
Tin cùng chuyên mục
- Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ 20.07.2022 | 11:00 AM
- 10 năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn còn 11.03.2021 | 09:43 AM
- Bạo loạn tại nhà Quốc hội - Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh và vị thế nước Mỹ 10.01.2021 | 14:37 PM
- 4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ 03.11.2020 | 15:02 PM
- Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ 12.06.2020 | 08:49 AM
- Người Mỹ trong vòng xoáy của “cơn bão kép” 03.06.2020 | 09:29 AM
- Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc 04.04.2020 | 09:51 AM
- Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu 11.03.2020 | 17:27 PM
- Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 31.01.2020 | 13:59 PM
- Nhìn lại thế giới 2019: Các xu hướng chiến lược ở châu Phi 24.12.2019 | 15:59 PM
Xem tin theo ngày
-
Đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về một số báo cáo, tờ trình
- Khởi công dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu
- UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị