Thứ 6, 27/12/2024, 08:04[GMT+7]

“Chìa khóa” tháo gỡ bế tắc ở Libya

Thứ 2, 20/06/2022 | 16:07:53
594 lượt xem
Thủ tướng Chính phủ Thống nhất quốc gia Libya (GNU) Abdul Hamid Dbeibah xác nhận rằng, Ủy ban chung của Quốc hội Libya (HoR) và Hội đồng cấp cao Nhà nước Libya (HCS) đã đạt đồng thuận về cơ sở hiến pháp, mở đường tổ chức các cuộc bầu cử trong một hoặc hai tháng tới. Đây là bước đi tích cực, giúp tháo gỡ bế tắc trên chính trường, vốn đẩy Libya vào cuộc khủng hoảng kéo dài.

Thủ tướng Chính phủ Thống nhất quốc gia Libya Abdul Hamid Dbeibah. Ảnh: THX/TTXVN

Tranh cãi về cơ sở hiến pháp cho bầu cử tổng thống và quốc hội là một trong những thách thức chủ chốt khiến các cuộc bầu cử quốc gia ở Libya từng được lên kế hoạch tổ chức vào tháng 12/2021 bị hoãn vô thời hạn. Thất bại của kế hoạch bầu cử giáng đòn mạnh vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt hơn 10 năm hỗn loạn ở Libya.

Quốc gia Bắc Phi một lần nữa rơi vào bế tắc chính trị, với hai chính quyền đối địch đều tự tuyên bố là hợp pháp. Tháng 3/2022, Quốc hội Libya ở miền đông tuyên bố chỉ định ông Fathi Bashagha làm Thủ tướng, thay ông Abdul Hamid Dbeibah, người đứng đầu GNU có trụ sở ở thủ đô Tripoli. Hiện ông Bashagha vẫn đang điều hành chính phủ ở bên ngoài Tripoli do không thể trở về thủ đô khi chính quyền cũ chưa từ chức. Trong khi đó, tại Tripoli, ông Dbeibah không chấp nhận quyết định bổ nhiệm ông Bashagha và tuyên bố sẽ chỉ bàn giao quyền lực sau khi cuộc bầu cử được tổ chức trên cả nước.

Chính trường Libya chia rẽ sâu sắc hơn sau khi Quốc hội Libya thông qua dự luật ngân sách cho chính phủ được cơ quan này chỉ định thành lập hồi tháng 3, dù chính phủ đương nhiệm không chấp nhận thoái lui. Ngân sách mà Quốc hội ở miền đông thông qua có tổng giá trị 89,7 tỷ dinar (18,6 tỷ USD), nhằm phục vụ chính quyền Thủ tướng Bashagha. Mâu thuẫn về quyền kiểm soát chính phủ và nguồn thu nhà nước cũng như về một giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc xung đột bạo lực tiếp tục đe dọa đẩy Libya trở lại tình trạng chia rẽ và nội chiến. Bất đồng phe phái khiến bạo lực tiếp diễn ở Libya, đe dọa các nỗ lực thiết lập hòa bình. Các cuộc giao tranh tiếp tục nổ ra ở thủ đô Tripoli giữa các lực lượng dân quân đối địch. Phái bộ Liên hợp quốc tại Libya nêu rõ, các cuộc đụng độ gây nguy hiểm cho dân thường và kêu gọi người dân Libya nỗ lực để duy trì sự ổn định mong manh của đất nước vào thời điểm nhạy cảm hiện nay.

Trước sự hối thúc của cộng đồng quốc tế về việc gạt bỏ bất đồng để đạt thỏa thuận chính trị, các thành viên Quốc hội Libya và Hội đồng cấp cao Nhà nước Libya bắt đầu tiến trình đàm phán tại Ai Cập, do Liên hợp quốc làm trung gian. Các cuộc đàm phán nhằm thiết lập một khuôn khổ Hiến pháp cần thiết để Libya tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia càng sớm càng tốt. Các bên đã đạt thống nhất sơ bộ về 137 điều trong dự thảo Hiến pháp.

Tại vòng đàm phán mới nhất, các bên tiếp tục đồng thuận về nhiều điều khoản mới. Theo Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Libya, bà Stephanie Williams, các cuộc đàm phán tại Cairo tiến triển đáng kể và đây là vòng đàm phán cuối cùng để Ủy ban chung HCS-HoR đưa ra một khuôn khổ Hiến pháp cho các cuộc bầu cử quốc gia nhằm đáp ứng nguyện vọng của khoảng ba triệu cử tri Libya. 

Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Libya Mohammed Menfi đã đề nghị HoR và HCS phối hợp vì lợi ích của đất nước. Khẳng định các cuộc bầu cử là ưu tiên, GNU tuyên bố không cho phép thêm một cuộc chiến tranh nữa xảy ra ở Libya. Thủ tướng Dbeibah cho biết, chính phủ của ông cũng đang chờ HoR và HCS hoàn thành nhiệm vụ của họ tại cuộc họp ở Cairo, để chuẩn bị cho các cuộc bầu cử. Theo ông Dbeibah, nhiệm vụ tổ chức các cuộc bầu cử của GNU sẽ bắt đầu ngay khi cơ sở hiến pháp được hoàn thiện.

Mặc dù các phe phái đã đạt được sự đồng thuận đáng kể trong các cuộc đàm phán về Hiến pháp, song việc Libya có thể tiến hành được các cuộc bầu cử hay không vẫn là thách thức lớn. Sau hơn 11 năm đất nước chìm trong khủng hoảng, việc tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia một cách tự do, công bằng là “chìa khóa” cho giải pháp nhằm đưa Libya thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay và thiết lập sự ổn định lâu dài.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày