Kinh tế toàn cầu đối mặt nguy cơ suy thoái
Trong đánh giá mới nhất, IMF dự báo GDP của Mỹ sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm 2022, thấp hơn so với mức 3,7% đưa ra hồi tháng 4. IMF cũng giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ từ mức 2,3% xuống còn 1,7% trong năm 2023, đồng thời cho rằng tốc độ tăng trưởng nước này sẽ chậm lại, chỉ ở mức 0,8% trong năm 2024. Theo Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, kinh tế Mỹ tiếp tục hồi phục sau đại dịch, nhưng "các cú sốc lớn" từ cuộc xung đột tại Ukraine cũng như việc Trung Quốc thực hiện lệnh phong tỏa để phòng, chống dịch đang ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế này. Bà Georgieva cảnh báo những "cú sốc tiêu cực hơn nữa" có thể sẽ khiến kinh tế Mỹ khó khăn hơn trong tương lai.
Trong khi đó, giới truyền thông Mỹ và các chuyên gia kinh tế gần đây đưa ra dự báo bi quan hơn về triển vọng kinh tế Mỹ. Tờ Wall Street Journal vừa dẫn kết quả một cuộc khảo sát với các chuyên gia kinh tế hàng đầu nhận định, xác suất Mỹ rơi vào suy thoái trong năm tới là khoảng 44%. Cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers vừa phát biểu trên chương trình "Meet the Press" của NBC rằng, dựa trên các xu hướng lịch sử, nền kinh tế Mỹ có thể sẽ rơi vào suy thoái vào cuối năm 2022. Cũng theo Wall Street Journal, hơn một nửa số người Mỹ nói rằng nền kinh tế đã rơi vào tình trạng suy thoái khi lạm phát ghi nhận mức cao nhất trong 40 năm vào tháng 5/2022 và giá khí đốt đã tăng gấp đôi.
Mối lo kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái như trên đang "phủ bóng đen" lên triển vọng kinh tế toàn cầu và số liệu thống kê tại nhiều nền kinh tế cũng cho thấy các khó khăn đang gia tăng. Theo báo cáo mới nhất, các chỉ số hoạt động của các nhà máy sản xuất tại Nhật Bản, Anh, Khu vực sử dụng đồng euro và Mỹ đều chững lại trong tháng 6. Riêng tại Mỹ, các nhà sản xuất lần đầu tiên ghi nhận số đơn đặt hàng mới giảm sút trong 2 năm qua do niềm tin của người tiêu dùng và các doanh nghiệp đều sụt giảm. Cụ thể, chỉ số quản lý thu mua (PMI) đã giảm từ 53,6 điểm trong tháng 5 còn 51,2 điểm trong tháng 6 này và đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 tháng qua. Trong khi đó, các quốc gia trong "đại gia đình EU" dường như đang bước vào giai đoạn lạm phát đình trệ với giá hàng hóa và dịch vụ sẽ vẫn ở mức cao. Theo dự báo của các nhà kinh tế, Khu vực sử dụng đồng euro có khoảng 33% nguy cơ rơi vào suy thoái trong 12 tháng. Các nhà kinh tế cũng cho rằng mức lạm phát kỷ lục 8,1% mà châu Âu ghi nhận hồi tháng trước, vẫn chưa phải là mức đỉnh.
Nhận định về triển vọng kinh tế thế giới những tháng tới, đa số các nhà phân tích đều khá bi quan. Moody’s Analytics, chi nhánh chuyên về các dịch vụ tài chính của hãng xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới Moody’s, mới đây có bài phân tích nhận định rằng sự biến động của thị trường hàng hóa toàn cầu và môi trường giao dịch ngày càng nhiều rủi ro có thể khiến lạm phát tăng cao hơn trong năm 2022. Thống đốc Ngân hàng Indonesia tại cuộc họp báo định kỳ ở Jakarta cũng đưa ra nhận định rằng kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ lạm phát. Nhiều quốc gia đang bị tác động tiêu cực do đứt gãy chuỗi cung ứng và khủng hoảng lương thực, thực phẩm ngày càng rõ. Ba nguyên nhân dẫn đến "thảm cảnh hiện nay" gồm: xung đột giữa Nga và Ukraine gây gián đoạn chuỗi cung ứng năng lượng và lương thực; việc Mỹ và các nước phát triển châu Âu thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ để ngăn chặn lạm phát đã gây ra những tác động không nhỏ tới các nền kinh tế; nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh nêu trên, mối lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ đã lan nhanh và góp thêm "mây đen" làm u ám thêm bức tranh kinh tế toàn cầu. Tháng 5 vừa qua, lạm phát tại Mỹ đã tăng vọt lên mức 8,6%. Ðể ngăn chặn "bão giá" gây bất ổn kinh tế vĩ mô và khó khăn cho đời sống người dân, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Giới phân tích quan ngại rằng, việc tăng lãi suất cũng không thể giúp nhanh chóng chấm dứt "căn bệnh lạm phát". Ðể kiềm chế lạm phát xuống mức chấp nhận được, có thể FED còn phải tăng lãi suất và điều này có thể làm đình trệ hoạt động kinh tế.
Hiện tại, giới lãnh đạo tài chính Mỹ đều tin tưởng rằng nền kinh tế Mỹ đang có một bệ đỡ khá vững chắc để suy thoái có thể không xảy ra hoặc nếu xảy ra cũng sẽ ở mức độ nhẹ và trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, ngay cả khi nước Mỹ thoát khỏi một đợt suy thoái kinh tế thì việc FED tăng lãi suất và đà tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới chững lại cũng sẽ gây nhiều hệ lụy cho các nền kinh tế trên toàn cầu.
Theo Nhân Dân
Tin cùng chuyên mục
- Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ 20.07.2022 | 11:00 AM
- 10 năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn còn 11.03.2021 | 09:43 AM
- Bạo loạn tại nhà Quốc hội - Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh và vị thế nước Mỹ 10.01.2021 | 14:37 PM
- 4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ 03.11.2020 | 15:02 PM
- Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ 12.06.2020 | 08:49 AM
- Người Mỹ trong vòng xoáy của “cơn bão kép” 03.06.2020 | 09:29 AM
- Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc 04.04.2020 | 09:51 AM
- Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu 11.03.2020 | 17:27 PM
- Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 31.01.2020 | 13:59 PM
- Nhìn lại thế giới 2019: Các xu hướng chiến lược ở châu Phi 24.12.2019 | 15:59 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, người cao tuổi, người nghèo trên địa bàn thành phố Thái Bình
- Đảng ủy Khối Các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh: Khen thưởng 113 tập thể, cá nhân đạt thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác xây dựng Đảng năm 2024
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Dự chương trình tết sum vầy với đoàn viên, người lao động
- Trên 978.500 đại biểu tham gia hội nghị quán triệt, triển khai về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Toàn văn: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia
- Đánh giá kết quả triển khai công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước
- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Trao quà tết tại huyện Vũ Thư
- Đồng chí Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng các doanh nghiệp trao quà tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh
- Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương: Thăm, chúc tết tỉnh Thái Bình
- Gặp mặt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; thứ trưởng và tương đương trở lên đang công tác tại các bộ, ngành, địa phương; các tướng lĩnh và một số doanh nhân là người Thái Bình