Thứ 4, 01/05/2024, 03:31[GMT+7]

Italia trước nguy cơ khủng hoảng chính trị

Thứ 4, 20/07/2022 | 10:52:27
773 lượt xem
Trong bối cảnh ông Mario Draghi tỏ rõ ý định từ bỏ chiếc ghế Thủ tướng, dư luận Italia cũng như châu Âu bày tỏ lo lắng trước nguy cơ tan rã của chính phủ đoàn kết dân tộc, đẩy đất nước hình chiếc ủng vào một cuộc khủng hoảng chính trị.

Quảng trường Piazza Navona vắng vẻ trong đợt phong tỏa phòng Covid-19, Rome, Italia, ngày 4/4/2020. Ảnh minh họa: Reuters

Ý định nộp đơn rời nhiệm sở của Thủ tướng Mario Draghi được cho là khởi nguồn từ cuộc bỏ phiếu cuối tuần qua tại Thượng viện về Dự luật cứu trợ (Aiuti) nhằm giúp các gia đình và doanh nghiệp ứng phó giá cả leo thang. Cuộc bỏ phiếu được giới chính trị đánh giá là một phép thử đối với sự đoàn kết của Chính phủ Italia và uy tín của Thủ tướng Mario Draghi.

Dù dự luật cuối cùng vẫn được Thượng viện thông qua với tỷ lệ áp đảo 172 phiếu thuận và 39 phiếu chống, song việc Phong trào 5 sao (M5S), đảng lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền, tẩy chay cuộc bỏ phiếu là “giọt nước tràn ly” khiến Thủ tướng Draghi suy giảm lòng tin về sự đoàn kết trong chính phủ liên hiệp và tuyên bố từ chức.

Trước nguy cơ sụp đổ của chính phủ, Tổng thống Italia Sergio Mattarella ngay lập tức bác đơn từ chức và đề nghị vị thủ tướng sắp bước sang tuổi 75 tới Quốc hội vào hôm nay (20/7) để báo cáo tình hình nhằm tìm giải pháp tháo gỡ căng thẳng chính trị.

Bày tỏ đồng lòng ủng hộ Thủ tướng, hơn 100 thị trưởng, doanh nghiệp và nghiệp đoàn lao động ở Italia đã đồng loạt ký vào bức thư ngỏ kêu gọi ông Mario Draghi cân nhắc lại quyết định từ chức, đồng thời cảnh báo quốc gia này đang đứng trước nguy cơ bất ổn chính trị. Lá thư nêu rõ, các thị trưởng đề nghị ông Mario Draghi tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng và thuyết phục Quốc hội Italia về việc chính phủ hiện nay sẽ vẫn điều hành đất nước một cách hiệu quả.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, trong trường hợp Thủ tướng Mario Draghi từ chức, Italia có thể sẽ đối mặt nguy cơ mất quyền tiếp cận gói hỗ trợ phục hồi hậu đại dịch Covid-19 trị giá hàng tỷ euro từ Liên minh châu Âu (EU), đồng thời đẩy Italia vào tình cảnh khó khăn trong nỗ lực kiềm chế giá năng lượng và hàng hóa leo thang do thiếu một chính phủ vận hành hoàn chỉnh.

Giới phân tích nhận định, khả năng chính phủ liên hiệp của Thủ tướng Mario Draghi có thể vượt qua những bất đồng nội bộ là không cao. Trong trường hợp này, Italia sẽ phải tổ chức bầu cử trước thời hạn vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới.

Ðược thành lập tháng 2/2021, Chính phủ đoàn kết dân tộc do Thủ tướng Mario Draghi lãnh đạo quy tụ phần lớn đảng chính trị có mặt trong Quốc hội, ngoại trừ đảng Anh em Italia đối lập của chính trị gia cực hữu Giorgia Meloni. Chính phủ Italia và cá nhân Thủ tướng Draghi đã ghi nhiều dấu ấn nổi bật cả trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, với tính chất là một liên minh cầm quyền có quá nhiều đảng phái, những khác biệt và bất đồng vốn đã tồn tại, càng trở nên nghiêm trọng hơn thời gian qua. Một số chính đảng chủ chốt như M5S, đảng Dân chủ (PD), đảng Liên đoàn (Lega) trong Chính phủ liên hiệp thường xuyên chỉ trích, tranh cãi lẫn nhau về các đề xuất chính sách ngay từ khi mới được thảo luận trong nội bộ chính phủ. Trong đó, Dự luật Aiuti gần đây được đa số liên minh ủng hộ, song M5S lại phản đối vì cho rằng một số nội dung không phù hợp giá trị cốt lõi của đảng. M5S đưa ra yêu sách chín điểm ép Thủ tướng Mario Draghi phải thực hiện.

Dù Thủ tướng Mario Draghi, vốn là một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh tế và ngân hàng, đã có sự nhượng bộ với các yêu sách của M5S, nhưng đảng lớn thứ hai trong liên minh cầm quyền vẫn chưa cảm thấy hài lòng và tẩy chay cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện.

Cử tri đất nước hình chiếc ủng bày tỏ mong muốn Thủ tướng Mario Draghi tiếp tục chèo lái con thuyền Italia vượt qua những con sóng bất ổn đang rình rập phía trước, nhằm giúp nền kinh tế lớn thứ ba EU nói riêng và châu Âu nói chung trở lại ổn định và thịnh vượng.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày