Thứ 3, 06/08/2024, 05:25[GMT+7]

Triển vọng một nền hòa bình bền vững ở Áp-ga-ni-xtan

Chủ nhật, 31/03/2013 | 18:19:53
880 lượt xem
Theo kế hoạch, các lực lượng nước ngoài sẽ rút khỏi Áp-ga-ni-xtan vào cuối năm 2014. Việc bảo đảm an ninh lâu dài cho nước này sau thời điểm nói trên là vấn đề đau đầu đối với cả Oa-sinh-tơn lẫn chính quyền Ca-bun. Ðể giải "bài toán" này, không thể bỏ qua vai trò quan trọng của lực lượng Ta-li-ban trong tiến trình hòa bình ở Áp-ga-ni-xtan.

Phong tỏa hiện trường một vụ đánh bom liều chết ở Thủ đô Ca-bun (Áp-ga-ni-xtan).

Trong một động thái mới nhất, nhằm bảo đảm cho kế hoạch rút các lực lượng nước ngoài khỏi Áp-ga-ni-xtan vào cuối năm 2014 không bị "chệch đường ray", Mỹ và Áp-ga-ni-xtan đã nhất trí mở cánh cửa đàm phán hòa bình với lực lượng Ta-li-ban, coi đây là một biện pháp quan trọng nhằm xây dựng nền hòa bình bền vững và an ninh lâu dài cho quốc gia Tây-Nam Á này.

Ngày 25-3 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri đã thăm Áp-ga-ni-xtan lần đầu trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ và có cuộc hội đàm với Tổng thống H.Ca-dai. Hai bên đã thảo luận về hàng loạt vấn đề. Trong đó có việc hàn gắn mối quan hệ đang bị rạn nứt giữa hai nước, củng cố nền hòa bình còn mong manh tại Áp-ga-ni-xtan trong bối cảnh phần lớn binh sĩ nước ngoài chuẩn bị rời khỏi nước này, tiến trình hòa giải và về cuộc tổng tuyển cử tới đây tại Áp-ga-ni-xtan.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp báo cùng Tổng thống H.Ca-dai tại Thủ đô Ca-bun sau hội đàm, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ G.Ke-ri cho biết, Oa-sinh-tơn và các nhà lãnh đạo Áp-ga-ni-xtan có chung mục tiêu là mở cánh cửa đàm phán hòa bình với Ta-li-ban. Ông Ke-ri nhấn mạnh, việc các tay súng Ta-li-ban ngồi vào bàn đàm phán nhằm kiến tạo một nền hòa bình lâu dài tại Áp-ga-ni-xtan là có lợi cho cả Áp-ga-ni-xtan và Mỹ.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, sự nhất trí giữa Oa-sinh-tơn và Ca-bun về việc mở cánh cửa đàm phán hòa bình với Ta-li-ban không phải là điều mới. Từ nhiều năm nay, cả Mỹ và chính quyền Ca-bun đều cảm thấy mệt mỏi trong cuộc chiến "hao người tốn của" kéo dài với lực lượng Ta-li-ban, trong khi "ánh sáng cuối đường hầm" vẫn chưa xuất hiện. Thực tế này buộc Oa-sinh-tơn và Ca-bun từ lâu đã phải tính tới việc kéo Ta-li-ban ngồi vào bàn đàm phán, nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Áp-ga-ni-xtan. Tuy nhiên, đây không phải là điều dễ dàng. Lực lượng Ta-li-ban cho tới nay vẫn từ chối đàm phán trực tiếp với Chính phủ của ông Ca-dai và tuyên bố sẽ không đàm phán cho đến khi quân đội nước ngoài rút khỏi Áp-ga-ni-xtan. Trong khi đó, giữa Oa-sinh-tơn và Ca-bun lại có sự nghi kỵ lẫn nhau khi Tổng thống Ca-dai cáo buộc Mỹ đang bí mật đàm phán, cấu kết với Ta-li-ban nhằm chống lại Chính phủ của ông. 

Trong bối cảnh này, với việc cùng tuyên bố nhất trí mở cánh cửa đàm phán hòa bình với Ta-li-ban nói trên, cả Oa-sinh-tơn và Ca-bun đều muốn phát đi thông điệp rằng, đây là một động thái hòa giải giữa hai bên, nhằm xoa dịu căng thẳng đã từng làm Tổng thống Ca-dai hủy bỏ cuộc họp báo chung ngày 10-3 vừa qua tại Ca-bun sau cuộc hội đàm với tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ C.Hây-gơ trong chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài của ông trên cương vị người đứng đầu Lầu năm góc.

Ðiều đáng chú ý là thỏa thuận nói trên của Mỹ và Áp-ga-ni-xtan được công bố sau khi chính quyền Ca-bun cho biết, trong vài tuần tới Tổng thống Ca-dai sẽ tới Thủ đô Ðô-ha để thảo luận với Quốc vương Ca-ta về việc thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Áp-ga-ni-xtan và về khả năng mở một văn phòng đại diện của Ta-li-ban tại quốc gia vùng Vịnh này. Trước đó, hồi đầu năm nay, ông Ca-dai từng bác bỏ đề xuất mở văn phòng đại diện của Ta-li-ban tại Ðô-ha vì lo ngại Mỹ và Ta-li-ban có thể bí mật chống lại chính phủ của ông.

Dư luận khu vực và quốc tế hy vọng, việc mở văn phòng đại diện của Ta-li-ban ở Thủ đô Ðô-ha của Ca-ta sẽ là bước khởi đầu, tạo cơ hội thúc đẩy quá trình hòa giải ở Áp-ga-ni-xtan. Tuy nhiên, tiến trình này còn phụ thuộc rất lớn vào một nhân tố quan trọng - đó là vai trò của quốc gia Pa-ki-xtan láng giềng. Nguyên nhân là vùng lãnh thổ hẻo lánh phía tây-bắc Pa-ki-xtan lâu nay vốn là "căn cứ địa" của lực lượng Ta-li-ban ở khu vực này. Trong khi đó, Pa-ki-xtan có mối quan hệ lịch sử lâu dài với các nhóm phiến quân đang chiến đấu nhằm lật đổ chế độ của ông Ca-dai. Áp-ga-ni-xtan lâu nay vẫn nghi ngờ Pa-ki-xtan đang cố gắng thiết lập một chính phủ thân I-xla-ma-bát tại Ca-bun. Bản thân Tổng thống Áp-ga-ni-xtan H.Ca-dai cảnh báo, cuộc đàm phán hòa bình với lực lượng Ta-li-ban "sẽ không đạt kết quả nếu không có sự tham gia của Pa-ki-xtan". Xem ra triển vọng về một nền hòa bình bền vững ở Áp-ga-ni-xtan vẫn còn đang đối mặt nhiều chông gai và thách thức.

Theo Nhân dân

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày