Nỗ lực ổn định kinh tế của Sri Lanka
Tổng thống Ranil Wickremesinghe đã chính thức mời các nghị sĩ thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc có sự tham gia của tất cả các đảng phái để giúp nước này nhanh chóng phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ hiện nay. Tổng thống Wickremesinghe tuyên bố: “Trên cương vị tổng thống, tôi muốn bắt đầu một hành trình mới.
Tôi muốn tập hợp tất cả các bên, tiếp tục hành trình này và thành lập một chính phủ có sự tham gia của tất cả các đảng phái”. Ông cho biết, nền kinh tế Sri Lanka được dự báo tiếp tục suy giảm 7% trong năm nay nhưng sẽ hồi phục vào năm tới. Tổng thống Wickremesinghe khẳng định, ban lãnh đạo đất nước đang nỗ lực ổn định tình hình và xây dựng nền kinh tế hướng đến tăng trưởng vào năm 2023, năm 2024.
Đây được cho là một nhiệm vụ khó khăn nhưng cần thực hiện ngay thời điểm này. Theo truyền thông địa phương, đảng đối lập chính Samagi Jana Balawegaya (SJB) ở Sri Lanka sẽ không tham gia chính phủ, một số nghị sĩ trong SJB sẽ tham gia với tư cách cá nhân. Trong khi đó, Mặt trận Tự do quốc gia (NFF) đã cam kết ủng hộ Tổng thống Wickremesinghe.
Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất điện kéo dài, lạm phát tăng nhanh, sau khi cạn kiệt ngoại tệ không nhập khẩu được các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Tháng 4 vừa qua, Sri Lanka thông báo không thể trả nợ nước ngoài, trị giá khoảng 12 tỷ USD và cần phải trả 21 tỷ USD nợ vào cuối năm 2025. Ngày 20/7 vừa qua, Quốc hội Sri Lanka đã bầu ông Ranil Wickremesinghe làm Tổng thống mới thay thế ông Gotabaya Rajapaksa, người đã rời khỏi Sri Lanka và thông báo từ chức.
Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP), gần 5 triệu người (tương đương 22% dân số Sri Lanka) cần viện trợ lương thực. Trong báo cáo đánh giá mới nhất, WFP cho biết, do giá thực phẩm tăng vọt, hơn 83% số hộ gia đình ở nước này phải bỏ bữa, cắt giảm khẩu phần ăn hoặc mua thực phẩm kém chất lượng hơn. Số người nhận cứu trợ trực tiếp của nhà nước đã tăng gần gấp đôi trong năm qua với hơn 90% dân số trông cậy vào nguồn hỗ trợ tài chính của chính phủ, trong đó có khoảng 1,6 triệu viên chức nhà nước.
Lạm phát của Sri Lanka đã lên mức 60,8% trong tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học tư nhân cho rằng, con số thực tế còn cao hơn 100%, chỉ đứng sau Zimbabwe.
Sri Lanka đã tái khởi động các cuộc đàm phán với IMF về một gói cứu trợ trong bốn năm và đã hoàn thiện kế hoạch tái cơ cấu nợ nước ngoài. Dự kiến, Sri Lanka sẽ sớm gửi bản kế hoạch đến IMF và đàm phán với các quốc gia cho vay. Tân Tổng thống Wickremesinghe hy vọng đạt thỏa thuận với IMF ở cấp chuyên viên trước cuối tháng 8, đồng thời cho biết Sri Lanka sẽ phải tìm thêm 3 tỷ USD từ các nguồn khác vào năm tới để giải quyết vấn đề nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, trong đó có nhiên liệu, năng lượng và phân bón. Theo ông, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, phải nhiều tháng nữa điều kiện sống của người dân Sri Lanka mới có thể được cải thiện.
Phát biểu trước Quốc hội, Tổng thống Wickremesinghe cho biết, Sri Lanka cần các giải pháp dài hạn và một nền tảng vững chắc để ngăn chặn khủng hoảng kinh tế tái diễn. Ông đồng thời kêu gọi các nhà lập pháp giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế đang làm chao đảo đất nước. Nhà lãnh đạo cảnh báo Sri Lanka đang đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có dự báo sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất cho đến cuối năm nay.
Tổng thống Wickremesinghe cam kết chính phủ đang nỗ lực hết sức để từng bước khôi phục tình trạng bình thường giữa lúc đất nước chìm trong bất ổn chính trị và xã hội. Theo đó, các kế hoạch ban đầu là cần thực hiện một chương trình kinh tế mang tính hệ thống, tạo ra sự ổn định kinh tế. Những cam kết và nỗ lực của tân Tổng thống Wickremesinghe được hy vọng sẽ đưa Sri Lanka thoát khỏi hố sâu khủng hoảng.
Theo Nhân Dân
Tin cùng chuyên mục
- Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ 20.07.2022 | 11:00 AM
- 10 năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn còn 11.03.2021 | 09:43 AM
- Bạo loạn tại nhà Quốc hội - Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh và vị thế nước Mỹ 10.01.2021 | 14:37 PM
- 4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ 03.11.2020 | 15:02 PM
- Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ 12.06.2020 | 08:49 AM
- Người Mỹ trong vòng xoáy của “cơn bão kép” 03.06.2020 | 09:29 AM
- Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc 04.04.2020 | 09:51 AM
- Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu 11.03.2020 | 17:27 PM
- Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 31.01.2020 | 13:59 PM
- Nhìn lại thế giới 2019: Các xu hướng chiến lược ở châu Phi 24.12.2019 | 15:59 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng