Thứ 5, 09/05/2024, 09:33[GMT+7]

Triển khai quân ở Jordan: Mỹ tăng đối trọng với Nga, Trung

Thứ 2, 22/04/2013 | 16:03:25
754 lượt xem
Động thái quân sự của Washington ở Jordan thực chất nhằm loại bỏ vai trò của Nga-Trung khỏi khu vực.

Quân đội Mỹ mở rộng lực lượng ở Trung Đông (Ảnh minh họa, nguồn Press TV)

Ngày 17/4, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã tuyên bố trước báo giới rằng Mỹ sẽ gửi một đơn vị tham mưu tác chiến bộ binh đến Jordan để đối phó với tình hình xung đột đang trở nên trầm trọng hơn tại Syria. Lực lượng quân sự được triển khai tại đây vào khoảng 200 quân và hai đơn vị tên lửa đánh chặn Patriot.

Đồng minh chủ chốt

“Việc điều động quân là một phần trong hợp tác quân sự giữa Mỹ và Jordan, với mục đích hỗ trợ cho quân đội Jordan trước diễn biến tình hình đang xấu đi tại Syria”. Trước đó, ngày 9/4, mặt trận al-Nusra, một trong những lực lượng nổi dậy mạnh nhất tại Syria, đã chính thức cam kết trung thành với lãnh đạo Ayman al-Zawahri của al-Qaeda.

Mỹ đã gọi mặt trận al-Nursa là một tổ chức khủng bố và tìm cách tăng cường lực lượng cho quân nổi dậy để chống lại ảnh hưởng của những người Hồi giáo, đào tạo binh lính tại nước láng giềng Jordan và cho phép vận chuyển vũ khí cho họ.

Trong một cuộc điều trần tại Thượng viện, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã giải thích rõ rằng việc Lầu Năm Góc đưa các sĩ quan tham mưu tác chiến đến Jordan là để tăng cường cam kết hồi năm 2012, nhằm tránh cho xung đột ở Syria lan sang Jordan. Jordan có đường biên giới chung với Syria dài 375 km.

Tổng số sĩ quan tham mưu sẽ được triển khai là khoảng 200 người. Trước đó, vào tháng 10/2012, Mỹ đã đưa khoảng 150 binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt vào Syria.

Theo Bộ trưởng Thông tin Jordan, các quân nhân Mỹ sẽ có mặt tại quốc gia này nhằm tăng cường đối phó với “tình trạng đang trở nên tồi tệ hơn ở Syria”. Bộ trưởng Thông tin Jordan cũng tái khẳng định lập trường của quốc gia này là “chống lại mọi can thiệp quân sự vào Syria”.

Trước đó, Jordan - đồng minh chủ chốt của Mỹ tại vùng Cận Đông – đã đón nhận hơn 500.000 người Syria tị nạn vì chiến tranh trên lãnh thổ nước này. Thủ tướng Jordan Abdullah Ensour tuyên bố trước Quốc hội rằng cuộc chiến tại Syria là một đe dọa đối với an ninh của Jordan và Jordan có thể yêu cầu sự trợ giúp của Hội đồng Bảo an LHQ.

Phản ứng của Syria

Tổng thống Bashar al-Assad đã cáo buộc phương Tây ủng hộ phiến quân al- Qaeda trong cuộc nội chiến tại Syria và cảnh báo sớm muộn gì những phiến quân này sẽ quay lưng lại với những người ủng hộ và tấn công “vào trái tim của châu Âu và Mỹ”.

Ông Assad cũng đưa ra những lời chỉ trích mạnh mẽ đối với nước láng giềng Jordan vì hành động cho phép phiến quân vượt biên, tham gia vào cuộc xung đột tại Syria. Tuy nhiên, ông Assad có niềm tin rằng lực lượng của ông sẽ giành chiến thắng và cứu Syria ra khỏi sự hủy diệt từ cuộc xung đột đó.

Tổng thống Assad phát biểu trên truyền hình rằng “chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải chiến thắng. Nếu chúng tôi không chiến thắng, số phận của Syria sẽ kết thúc và tôi nghĩ đây không phải là lựa chọn của bất cứ người dân Syria nào”.

Trả lời kênh truyền hình Al-Ikhbaria, Tổng thống Syria đe dọa xung đột tại Syria có thể mở rộng sang lãnh thổ Jordan: “Ngọn lửa không dừng lại ở biên giới, ai cũng biết rằng Jordan cũng đứng trước nguy cơ bị cuốn vào xung đột như Syria”.

Thông báo trên được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Syria Bashar al-Assad lên tiếng cảnh báo rằng các nước phương Tây sẽ phải lãnh nhận hậu quả cho việc ủng hộ phiến quân Al-Qaeda tham chiến tại Syria.

Ông Assad nói trong cuộc phỏng vấn với một đài truyền hình Syria rằng: “Phương Tây đã phải trả giá nặng nề vì tài trợ cho al-Qaeda trong thời kỳ đầu thành lập của tổ chức này ở Afghanistan. Giờ thì họ lại đang hậu thuẫn cho lực lượng này tại Syria, Libya và nhiều nơi khác nữa. Và họ sẽ tiếp tục phải trả giá nặng nề ngay tại trung tâm châu Âu và tại Mỹ”.

Nga-Trung không thể đồng tình

Trước những động thái mới của Mỹ, các nhà phân tích cho rằng Nga và Trung Quốc sẽ không thể để yên. Hai nước vốn có quan hệ chặt chẽ với chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và có nhiều lợi ích về quân sự cũng như kinh tế tại Syria.

Các nhà phân tích cho rằng, nếu để mất Syria, Nga sẽ mất vị thế trên trường quốc tế bởi họ cũng là một cường quốc hàng đầu thế giới. Nga cần phải thông qua việc bảo vệ Syria  trước sức ép của phương Tây để thể hiện vị thế và ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế. Moscow muốn cho phương Tây thấy rằng họ không thể tiếp tục phớt lờ tiếng nói của nước Nga như trước đây và rằng phương Tây cũng không thể dễ dàng đánh đổ đồng minh của Nga.

Trung Quốc, hiện là nhà xuất khẩu lớn thứ ba vào Syria, lợi ích kinh tế ở Trung Đông cũng không nhỏ, 20% lượng dầu mỏ toàn cầu phải đi qua eo biển Hormuz, trong đó 30% được vận chuyển tới Trung Quốc.

Theo Engdahl, mức độ phụ thuộc vào dầu mỏ hiện nay của Trung Quốc đã lên tới 55%, đến năm 2020 sẽ tăng lên tới 70%, trong khi đó nguồn dầu mỏ của Trung Quốc chủ yếu là Trung Đông và Bắc Phi, nên Trung Quốc không thể để mất nguồn cung cấp dầu mỏ từ khu vực này.

Trong thời qua, Nga và Trung Quốc đã tỏ ra rất kiên định trong lập trường ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và chống lại mọi nỗ lực của các nước phương Tây nhằm lật đổ ông này.

Cùng với vấn đề lợi ích còn có một nguyên nhân đặc biệt quan trọng thúc đẩy Moscow và Bắc Kinh bảo vệ đến cùng chính quyền của Tổng thống Assad, đó là từ lâu cả Nga và Trung Quốc đã không hài lòng với việc xử sự của các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, vì Washington đã dùng lá bài dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của họ.

Trong một diễn biến khác, ngày 17/4, Ngoại trưởng Nga Lavrov cảnh báo bất cứ hành động can thiệp quân sự nào vào Syria sẽ chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ, tình trạng đổ máu tại Syria sẽ tiếp tục kéo dài và kích động các tổ chức Hồi giáo cực đoan, đặc biệt là mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda. Ông khẳng định lập trường của Nga phản đối mọi hành động nhằm thay đổi thể chế tại Syria và hối thúc đối thoại giữa chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad với các lực lượng đối lập.  

Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Phi thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, bà He nói: “Trung Quốc không muốn nhìn thấy lặp lại một kịch bản Libya”. Trung Quốc yêu cầu cộng đồng quốc tế phải đưa ra nhiều không gian, thời gian đối thoại cùng Syria hơn.

Như vậy, động thái quân sự mới của Washington ở Jordan, nói là để ngăn chặn những diễn biến xấu có thể xẩy ra ở biên giới Jordan-Syria là nhằm từng bước thực hiện chính sách “Đại Trung Đông mới” của Mỹ và loại bỏ vai trò của Nga - Trung trong khu vực. Tuy nhiên, sự răn đe bằng lực lượng quân sự chỉ làm cho tình hình phức tạp hơn và Mỹ khó có thể nhận được sự phản ứng tích cực của Nga, Trung Quốc và dư luận quốc tế./.

Theo VOV

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày