Thứ 6, 22/11/2024, 23:48[GMT+7]

Xu hướng tất yếu để bảo đảm an ninh lương thực

Thứ 2, 31/10/2022 | 14:20:56
1,964 lượt xem
Hội nghị quốc tế về công nghệ thực phẩm từ biển và sa mạc, diễn ra mới đây tại thành phố Eilat (Israel), đã tập trung thảo luận tìm biện pháp nhằm bảo đảm an ninh lương thực, vấn đề cấp bách hiện nay. Các đại biểu đã nhấn mạnh các nước cần học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và chia sẻ kiến thức, có thể tận dụng mọi yếu tố có thể để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Hội nghị quốc tế về công nghệ thực phẩm từ biển và sa mạc. Ảnh: gov.il

Với chủ đề Biển tương lai, hội nghị là sáng kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Israel nhằm thúc đẩy hợp tác và đổi mới trong nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp sa mạc như một phần của nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề mất an ninh lương thực.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Israel Oded Forer cho biết: "Trong số những thách thức trong thập kỷ tới, chúng ta đang chạm vào một trong những điểm quan trọng nhất đối với nhân loại. Đó là mất an ninh lương thực”. Các chuyên gia cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã không thể tiếp tục sản xuất lương thực như trước đây do khí hậu thay đổi, Trái đất nóng lên, dân số ngày càng tăng và thiếu tài nguyên. Do đó, nhu cầu về công nghệ và phương pháp tiên tiến mới trong nông nghiệp càng trở nên cấp thiết.

Hiện thế giới đang phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp toàn cầu ở mức độ chưa từng có. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), hiện có khoảng 828 triệu người trên thế giới đang bị ảnh hưởng bởi nạn đói và con số này đã không ngừng tăng lên trong vài năm qua.

Ngoài ra, năm 2021 có khoảng 2,3 tỷ người phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải hoặc nghiêm trọng, khiến số người không đủ khả năng tiếp cận một chế độ ăn uống lành mạnh lên tới 3,1 tỷ người, tương đương khoảng 40% nhân loại.

Những con số báo động về nguy cơ thiếu lương thực trên toàn cầu được đưa ra trước thực trạng thế giới chưa quản lý tốt việc sử dụng tài nguyên biển và lãng phí thực phẩm. Đây là hai thách thức lớn cần giải quyết. Nhiều quốc gia đang phát triển, đặc biệt là những quốc gia kém phát triển nhất, vẫn thiếu cơ sở hạ tầng, dịch vụ và giải pháp phù hợp để xử lý, bảo quản cá trên tàu và trên bờ.

Bởi thế, hội nghị tại Israel là cơ hội quan trọng để các nước chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, khai thác tài nguyên biển cũng như những sáng tạo trong phát triển nông nghiệp trên những vùng đất khô cằn. Nước chủ nhà Israel là một quốc gia được biết đến với thế mạnh về đổi mới, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, có thể chia sẻ những kinh nghiệm tốt trong phát triển các loại hình nông nghiệp sử dụng công nghệ cao, góp phần bảo đảm an ninh lương thực.

Với điều kiện tự nhiên sẵn có, để giải quyết thách thức về khan hiếm lương thực, mới đây Chính phủ Israel đã khởi động một chương trình tìm kiếm nguồn protein mới từ biển và sa mạc. Ngoài Mỹ, Israel cũng là một trong số những quốc gia đang nổi lên với công nghệ thực phẩm nhân tạo đổi mới và phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết, góp phần đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm ra thị trường.

Công ty sản xuất thịt Redefine Meat (Israel) mới đây thông báo việc ký hợp đồng đối tác với nhà nhập khẩu Giraudi Meats (Monaco) nhằm thúc đẩy phân phối sản phẩm bít tết "New Meat" trên thị trường châu Âu. "New Meat" là sản phẩm thịt nhân tạo với thành phần hoàn toàn từ thực vật và được sản xuất bằng công nghệ in 3D. Các sản phẩm thịt nhân tạo được cho là lựa chọn thay thế giúp bảo vệ động vật và môi trường. Sử dụng các nguyên liệu thực vật như đậu nành và protein đậu, đậu gà, củ cải đường, men dinh dưỡng và mỡ dừa, Redefine Meat đã lập bản đồ kỹ thuật với hơn 70 thông số khác nhau để có thể mô phỏng chính xác kết cấu của thịt, sau đó áp dụng công nghệ in 3D để tạo ra các sản phẩm được tối ưu hóa và giống thật hoàn toàn.

Cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay đang đòi hỏi thế giới phải có một cách tiếp cận toàn diện và đổi mới nhằm phát huy cao nhất những nguồn lực được sử dụng để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Các hệ thống sản xuất nông nghiệp cần phải được chuyển đổi và nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu trên lộ trình bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày