Thứ 5, 18/04/2024, 22:46[GMT+7]

Bức tranh suy thoái kinh tế ngày càng rõ nét

Thứ 3, 01/11/2022 | 08:43:55
10,113 lượt xem
Lãi suất liên tiếp được nâng lên, lạm phát tăng “nóng” và cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài đang dẫn đến niềm tin tiêu dùng thấp và tốc độ tăng trưởng suy giảm… là những yếu tố cho thấy nền kinh tế thế giới đang bước vào suy thoái.

Ảnh minh họa: Reuters

Trong báo cáo mới công bố, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo một số nền kinh tế sẽ suy thoái và giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 xuống còn 2,2%.

Báo cáo nêu trên của OECD nhận định, nền kinh tế thế giới trong năm 2023 sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn so với dự báo trước đó do những hậu quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Theo đó, triển vọng tăng trưởng của gần như tất cả các quốc gia trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới đều bị giảm, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Anh. OECD dự báo nền kinh tế Đức sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới khi tăng trưởng thu hẹp 0,7% - giảm 2,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Trong khi đó, kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% vào năm 2023. Đối với toàn cầu, OECD vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 ở mức 3%, song lại hạ dự báo trong năm 2023 xuống còn 2,2%, giảm so với mức 2,8% trong dự báo hồi tháng 6.

Trước khi OECD công bố báo cáo nêu trên, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các chuyên gia kinh tế cũng đã dự báo về “kịch bản suy thoái” của kinh tế toàn cầu trong năm 2023. Bộ trưởng Tài chính Mỹ và Chủ tịch ECB thừa nhận rằng, suy thoái kinh tế có thể xảy ra mặc dù cả hai đều không coi đó là một viễn cảnh chính xác.

Những “nét vẽ cơ bản” từ thị trường tài chính, thị trường năng lượng và lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng… đang làm nổi rõ hơn “bức tranh suy thoái” của kinh tế thế giới. IMF vừa chỉ ra những yếu tố nghiêm trọng có thể đẩy kinh tế toàn cầu đến bờ vực suy thoái. Dấu hiệu đầu tiên là các ngân hàng trung ương đang đẩy mạnh tăng lãi suất.

Tại Mỹ, Cục Dự trữ liên bang vừa đưa ra mức tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm nhằm kiềm chế mức lạm phát cao nhất hơn 40 năm, ở mức 9,1% trong tháng 6/2022.

Trong khi đó, sự sụt giảm bất ngờ về Chỉ số nhà quản lý nhà mua hàng (PMI) của Mỹ và Khu vực đồng euro (Eurozone) trong tháng 7/2022 đã làm dấy lên sự lo ngại của các nhà đầu tư về sự an toàn của trái phiếu. PMI là số liệu dự báo đáng tin cậy về “sức khỏe” các nền kinh tế. Chỉ số này giảm đồng nghĩa với việc lĩnh vực sản xuất đang yếu đi.

Một yếu tố quan trọng nữa đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái là khủng hoảng năng lượng vẫn nghiêm trọng. Giá khí đốt của châu Âu đã tăng 180% kể từ đầu năm nay do cuộc xung đột Nga-Ukraine. IMF cho biết việc Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu vào cuối năm và xuất khẩu dầu của nước này giảm tiếp 30% sẽ khiến đà tăng trưởng kinh tế của châu Âu và Mỹ gần như bằng 0.

Trong khi đó, sản xuất suy giảm, lạm phát cao đang làm giảm lòng tin của người tiêu dùng và điều này “góp gió thành bão” đẩy các nền kinh tế rơi vào suy thoái. Các thống kê mới nhất cho thấy, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng đã giảm đáng kể tại Mỹ và châu Âu.

Giám đốc Thông tin (CIO) Vincent Manuel của Công ty quản lý tài sản Indosuez Wealth Management vừa cho biết, chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ hiện đang ở mức 50 và có thể giảm dưới ngưỡng quan trọng này khi kinh tế suy thoái. Lòng tin của người tiêu dùng có xu hướng giảm, phản ánh sức mua ngày càng yếu, và đây cũng là chỉ báo về nguy cơ suy thoái kinh tế.

Ngoài các dấu hiệu nêu trên, kinh tế thế giới còn đối mặt nhiều yếu tố bất ổn khác. Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát và chưa có dấu hiệu kết thúc trong tương lai gần; dịch Covid-19 dù tạm lắng song vẫn đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu… Nhằm kiềm chế lạm phát và đối phó thách thức kinh tế, các ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất; chính phủ các nước đã công bố các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp đối phó với chi phí sinh hoạt tăng cao.

Tuy nhiên, việc thắt chặt tiền tệ, kiềm chế lạm phát có nguy cơ đẩy các nền kinh tế rơi vào suy thoái nhanh hơn và các biện pháp tài khóa đơn lẻ không đủ mạnh để phát huy hiệu quả. Bởi vậy, muốn “vẽ lại bức tranh kinh tế thế giới”, các định chế tài chính, các chính phủ, đặc biệt là các nước lớn cần nhanh chóng đoàn kết, phối hợp để hình thành một “mặt trận thống nhất” đối phó suy thoái kinh tế toàn cầu.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày