Chủ nhật, 15/09/2024, 23:26[GMT+7]

Hiệu ứng Boston và “bóng ma” Trân Châu cảng

Thứ 3, 23/04/2013 | 18:07:30
1,053 lượt xem
Đúng bốn tháng, sau ngày xảy ra vụ xả súng kinh hoàng tại Trường tiểu học Sandy Hook (bang Connecticut), ngày 15-4-2013, người dân nước Mỹ lại chìm trong sợ hãi bởi hai vụ nổ liên tiếp trên đường đua Marathon tại thành phố cảng Boston.

Hình ảnh vụ khủng bố đẫm máu 11-9-2001 dường như lại như được tái hiện qua cảnh khói bụi, hỗn loạn, người chết tại Boston (Tổng thống B. Obama cũng khẳng định đây là vụ tấn công khủng bố).

Sự khác biệt có chăng chỉ là những thiệt hại về vật chất (ba người chết, 183 người bị thương) khiêm tốn hơn nhiều mà thôi.

Nhân sự kiện tại Connecticut hồi tháng 12 năm ngoái, trong bài viết “Mất bò chưa lo làm chuồng” chúng tôi đã đưa ra những dự cảm vô cùng quan ngại về mức độ nguy hiểm nếu các vụ tấn công xảy ra từ trong lòng nước Mỹ, gây nên bởi chính những công dân Mỹ.

Thật đáng tiếc, những dự cảm trên lại trở thành hiện thực nhanh đến vậy, khi hai nghi can (một bị giết và một bị bắt sau đó ba ngày) đều là công dân Mỹ. Hơn thế, do liên quan tới những hoạt động thể thao (diễn ra thường xuyên và luôn có sự tham gia, tập trung rất nhiều người) nên vụ đánh bom tại Boston còn có thể dẫn đến những hiệu ứng tồi tệ hơn rất nhiều.

Kể từ sau vụ khủng bố 11-9, mối đe dọa từ mạng lưới Al Qaeda và cả những gì Chính phủ Mỹ thu lượm được qua các cuộc chiến tranh tại Afghanistan, Iraq, và đặc biệt là việc tiêu diệt được trùm khủng bố Osama Bin Laden dường như đã thu hút hết sự quan tâm của cả giới chức đến người dân Mỹ. Đương nhiên, điều này không có nghĩa những nguy cơ an ninh bên trong nước Mỹ bị bỏ qua.

Bên cạnh Cục điều tra Liên bang (FBI), Bộ An ninh nội địa được thành lập (DHS). Nhưng có sự khác biệt rất rõ trong việc ưu tiên giữa các vấn đề an ninh quốc tế và nội địa. Những vụ xả súng như vụ Connecticut thường chỉ gây sốc với người dân trong một thời gian ngắn và thường sẽ bị bỏ qua nhanh chóng nếu nhà chức trách công bố đã tóm được thủ phạm. Và cũng rất có thể chính con số mỗi năm có tới hơn 100 nghìn người bị giết và bị thương (thường được cho là bởi tồn tại những phần tử có “tâm lý bất bình thường” như kiểu James Homes hay Adam Lanza trong một xã hội mà súng đạn được sử dụng công khai) đã khiến cho những vụ thảm sát trong lòng nước Mỹ trở thành hiện tượng “không quá xa lạ”.

Cách thức xử lý như vậy một lần nữa lại được các nhà chức trách Mỹ tái hiện trong vụ Boston. Sau khi nghi can thứ hai bị bắt, giới chức Mỹ lập tức tuyên bố: “Công lý đã được trả lại, an ninh được bảo đảm”.

Tuy nhiên, nếu các vụ tấn công vào trường học, siêu thị hay rạp hát là tương đối dễ dàng bởi công tác bảo đảm an ninh tại những nơi này hầu như không có hoặc khá đơn giản, thì ngược lại, đối với các cuộc thi đấu thể thao, nhất là các giải quốc tế, việc đảm bảo an ninh thường phải được ưu tiên hàng đầu. Chính vì thế, vụ Boston đã chỉ ra, hoặc cỗ máy an ninh nội địa của Mỹ quá yếu, hoặc mức độ “quan tâm” của chính phủ Mỹ đối với các vấn đề an ninh nội địa quá thấp. Bất luận ở mức độ nào , giờ đây người dân Mỹ khó có thể tin tưởng vào năng lực bảo đảm an ninh của Chính phủ. Suy giảm lòng tin của người dân sẽ tạo nên những hiệu ứng hết sức khó lường.

Một điều trớ trêu hơn nữa, chỉ sau vụ Boston hai ngày, ngày 17-4, bất chấp những nỗ lực của chính quyền Obama, Dự luật mở rộng kiểm soát mua bán súng đạn đã chết yểu khi bị 64/54 thượng nghị sĩ bỏ phiếu bác bỏ. Vụ việc này chắc chắn sẽ khiến cho tâm lý của người dân Mỹ, vốn đang hết sức hoang mang sau vụ “Trân Châu cảng thời hiện đại” (theo cách gọi của cựu Tổng thống G. Bush), tiếp tục bị chấn thương.

Vụ đánh bom tại Boston cũng đặt nhiều nước trên thế giới vào tình trạng “báo động đỏ”. Ngày nay, các cuộc thi thể thao quốc tế được tổ chức ngày càng nhiều về số lượng và ở rất nhiều quốc gia (ngay trong tuần này, ngày 21-4, tại London vừa diễn ra cuộc thi chạy Marathon). Bài học từ vụ Boston buộc các nước sẽ phải thắt chặt hơn nữa công tác bảo đảm an ninh cho các hoạt động thể thao. Nhưng nếu tại Mỹ, siêu cường giàu có bậc nhất, mà còn để xảy ra những vụ Boston thì tại các nước có điều kiện hạn chế hơn nhiều như Brazil (nơi tổ chức World Cup năm 2014) hay Quatar (đăng cai World Cup 2018) sẽ chẳng có ai có thể đủ tự tin vào khả năng bảo đảm an ninh.

Theo thông lệ, công tác đảm bảo an ninh cho các cuộc thi thể thao quốc tế vẫn luôn phó mặc cho quốc gia đăng cai. Vụ Boston đã chỉ ra, đã đến lúc cần có sự hợp tác an ninh quốc tế mạnh mẽ hơn. Đời sống quốc tế hiện nay cho thấy, để đối phó với các tổ chức khủng bố, thậm chí chỉ là với các cá nhân đơn lẻ, khả năng của mỗi quốc gia là hoàn toàn không đủ.

Vụ đánh bom tại Boston chắc chắn cũng sẽ được các tổ chức khủng bố nghiên cứu. Ngay sau vụ 11-9, trên trang mạng của tổ chức Al Qaeda có mục hướng dẫn cách chế tạo bom từ những dụng cụ thô sơ như nồi áp suất. Theo các chuyên gia của FBI, vụ Boston có thể coi là bài tập thực hành đầu tiên theo đúng chỉ dẫn này. Khả năng tái hiện vụ Boston của các nhóm khủng bố là không hề nhỏ, bởi những tiện ích (rẻ tiền, dễ làm...) mà nó đem lại.

Ở một khía cạnh khác, vụ Boston còn là một gợi ý về sự thay đổi phương thức hoạt động cho các tổ chức tội phạm này. Gây ác trong lòng nước Mỹ có vẻ như dễ dàng hơn nhiều.Với hầu hết các quốc gia, việc nhận thức được mức độ nguy hiểm của hiệu ứng này là quá dễ, nhưng tìm cách khắc phục nó lại không hề đơn giản.

Trong phạm vi từng nước, mỗi chính phủ chắc sẽ có những nỗ lực theo khả năng riêng của đất nước mình. Trên phạm vi toàn cầu, điều cần làm trước tiên có lẽ là các quốc gia cần mau chóng thông qua Hiệp định kiểm soát mua bán vũ khí thông thường của Liên hợp quốc (được thông qua tại Đại Hội Đồng hôm 2-4). Ở một mức độ nhất định, Hiệp định này sẽ giúp ngăn chặn nguồn nguyên liệu đến tay các nhóm khủng bố.

Dù rồi đây các nhà chức trách Mỹ có công bố mục đích thực sự của những kẻ thủ ác và ngay cả những mất mát đau thương cũng dần nguôi ngoai thì vụ đánh bom Boston vẫn thực sự là hồi chuông báo động mạnh mẽ về công tác đảm bảo an ninh không chỉ đối với nước Mỹ mà còn đối với hầu hết các quốc gia trên trái đất này.

Theo Nhân dân

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày