Thứ 6, 22/11/2024, 12:29[GMT+7]

Khó khăn bủa vây nhiều ngành công nghiệp của EU

Thứ 3, 08/11/2022 | 20:10:14
592 lượt xem
Nhiều ngành công nghiệp tại Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt thách thức lớn trong bối cảnh giá năng lượng liên tục lập kỷ lục mới và chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn trong thời gian dài. Mặc dù các nước đã triển khai những biện pháp hỗ trợ, song các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ở EU chưa thể vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Nhiều ngành công nghiệp của EU đang bộc lộ dấu hiệu giảm tốc rõ rệt. Những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng năng lượng và cơn bão giá đã nhanh chóng lan rộng từ các ngành sản xuất kim loại, ô-tô, hóa chất sang phân bón, dệt may. Hiệp hội các nhà sản xuất kim loại màu châu Âu xác nhận, công suất sản xuất nhôm và kẽm của EU giảm 50% do khủng hoảng năng lượng. Ngành sản xuất đồng và niken chịu tác động tương tự. 

Trong khi đó, theo tờ Wall Street Journal, ngành công nghiệp thời trang châu Âu cũng đang trở thành một nạn nhân. Hiệp hội dệt may châu Âu cho biết, chi phí năng lượng của nhiều doanh nghiệp dệt may đã tăng lên mức 25% tổng chi phí sản xuất, dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp giảm, hàng nghìn nhà máy và công xưởng nhỏ gặp khó khăn.

Chi phí đầu vào tăng cao buộc nhiều doanh nghiệp EU đóng cửa, giảm quy mô hoặc chuyển cơ sở sản xuất sang khu vực khác, nơi giá năng lượng thấp hơn. Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, tình trạng này nếu kéo dài có thể làm xói mòn cấu trúc công nghiệp tại châu Âu, đẩy khu vực vào nguy cơ phi công nghiệp hóa. Hơn nữa, nếu các chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển dần khỏi châu Âu, nhiều người lao động sẽ đứng trước nguy cơ mất việc làm.

Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn của các doanh nghiệp EU là do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, tỷ lệ lạm phát cũng như giá năng lượng liên tục leo thang.

Giới phân tích cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến những khó khăn của các doanh nghiệp EU là do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, tỷ lệ lạm phát cũng như giá năng lượng liên tục leo thang. Theo số liệu Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) vừa công bố, trong tháng 10 vừa qua, tỷ lệ lạm phát tại Khu vực đồng euro (Eurozone) đã lên tới 10,7%, vượt mức dự báo được đưa ra trước đó. Ngoài ra, do những nút thắt về căng thẳng chính trị, lạm phát và giá năng lượng vẫn chưa được tháo gỡ, chuỗi cung ứng toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục bị gián đoạn trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, Ủy ban châu Âu (EC) vừa thông báo nới lỏng các quy định về viện trợ nhà nước, nhằm cho phép các quốc gia EU cung cấp các khoản trợ cấp và vay ưu đãi cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng cao và cuộc xung đột ở Ukraine. Với những thay đổi mới nhất, các doanh nghiệp EU có thể nhận được khoản hỗ trợ của nhà nước lên tới 4 triệu euro dưới hình thức các khoản vay, ưu đãi về thuế, bảo lãnh... 

Ngoài ra, các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng như khai thác mỏ, sản xuất thép có thể được hỗ trợ từ 100 triệu đến 150 triệu euro. EC nhấn mạnh, những điều chỉnh nêu trên sẽ giúp chính phủ các nước thành viên linh hoạt hơn trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ phù hợp nhu cầu thực tế của nền kinh tế.

Ở cấp độ quốc gia, các nước thành viên EU cũng đưa ra nhiều biện pháp giúp các ngành công nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Đức vừa thông qua gói cứu trợ năng lượng trị giá hàng trăm tỷ euro, bao gồm kế hoạch hãm phanh giá khí đốt và cắt giảm thuế bán nhiên liệu để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp. Trong khi đó, mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cam kết sẽ tiếp tục sát cánh san sẻ gánh nặng chi phí với các doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp EU sẽ tiếp tục đối mặt nhiều cơn gió ngược trong thời gian tới khi vấn đề nguồn cung năng lượng và lạm phát chưa được giải quyết. Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực bơm thêm nhiều “liều thuốc bổ” hơn nữa để duy trì khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày