Thứ 7, 23/11/2024, 03:12[GMT+7]

Kinh tế Anh lâm vào suy thoái

Thứ 7, 19/11/2022 | 10:18:09
1,627 lượt xem
Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt vừa cho biết, Văn phòng Trách nhiệm ngân sách Anh (OBR) đã xác nhận rằng kinh tế Anh hiện trong tình trạng suy thoái. Giới chức Anh cho rằng, kinh tế của Xứ sở sương mù đang phải trả giá cho việc rời khỏi "mái nhà chung châu Âu".

Một khu chợ tại trung tâm London, Anh. Ảnh: Reuters

Cuối tuần qua, phát biểu trước Hạ viện trong phần công bố kế hoạch tài chính trung hạn của Anh, Bộ trưởng Tài chính Anh J.Hunt cho biết, OBR đánh giá rằng Anh đang trong tình trạng suy thoái kinh tế. Trước đó, số liệu từ Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) cho thấy nền kinh tế Anh đã sụt giảm trong quý III năm 2022, đây có thể là dấu hiệu khởi đầu của một đợt suy thoái kéo dài. Theo ONS, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Vương quốc Anh trong giai đoạn tháng 7 đến tháng 9/2022 đã giảm 0,2%, sau mức tăng khiêm tốn trong quý II năm 2022. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng vừa dự kiến nền kinh tế nước này sẽ thu hẹp trong quý cuối cùng của năm 2022, điều đó đồng nghĩa với việc nền kinh tế đang suy thoái và suy giảm kinh tế tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2024.

"Bão lạm phát" diễn ra nghiêm trọng tại Anh và không chỉ tạo nên thách thức lớn cho nền kinh tế, mà còn đẩy hàng triệu người dân lâm cảnh đời sống khó khăn.

Trong khi đó, "bão lạm phát" diễn ra nghiêm trọng tại Anh và không chỉ tạo nên thách thức lớn cho nền kinh tế, mà còn đẩy hàng triệu người dân lâm cảnh đời sống khó khăn. ONS hôm 16/11 cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 10/2022 đã tăng 11,1% so cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 10/1981 và tăng mạnh từ mốc 10,1% của tháng 9 năm nay. Hệ lụy của lạm phát là các hộ gia đình có thu nhập thấp đang phải đối mặt với gánh nặng lớn khi năng lượng và thực phẩm chiếm phần lớn trong chi tiêu của họ trong bối cảnh giá lương thực và đồ uống không cồn đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1977.

Triển vọng kinh tế trong những năm tới của nước Anh cũng không khả quan khi các chỉ số quan trọng được dự báo khá ảm đạm.

Triển vọng kinh tế trong những năm tới của nước Anh cũng không khả quan khi các chỉ số quan trọng được dự báo khá ảm đạm. Tỷ lệ lạm phát của Anh được dự báo ở mức 9,1% trong năm nay và sẽ vẫn ở mức khoảng 7,4% vào năm tới; tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 3,6% hiện nay lên 4,9% vào năm 2024 trước khi giảm xuống 4,1%. Các chuyên gia của Bộ Tài chính Anh nhận định, GDP của nước này sẽ giảm 1,4% vào năm 2023 trước khi tăng 1,3%, 2,6% và 2,7% trong ba năm tiếp theo. OBR cho rằng, tình hình tài chính công của Anh đã xấu đi kể từ tháng 3, sau khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine, khiến triển vọng kinh tế yếu hơn, chi phí đi vay cao hơn và chi tiêu công tăng. 

Cũng như các nước châu Âu khác, nền kinh tế Anh đang đối mặt với nhiều thách thức khi giá khí đốt tăng cao do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, chuỗi cung ứng hàng hóa tắc nghẽn, thiếu lao động... Tuy nhiên, lý giải về nguyên nhân kinh tế Anh sa sút, giới phân tích cho rằng, nước Anh còn đang phải "trả giá" cho Brexit (Anh rời EU). Trong một phát biểu ngày 16/11, bà Swati Dhingra-thành viên của Ủy ban chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Anh-khẳng định "không thể phủ nhận thương mại của Anh đang giảm sút hơn nhiều so với các nước khác trên thế giới" và nguyên nhân là do Brexit. 

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Andrew Bailey cho biết, BoE vẫn kiên định với các dự báo đưa ra ban đầu sau cuộc trưng cầu ý dân tháng 6/2016, theo đó cảnh báo rằng Brexit sẽ thu hẹp nền kinh tế Anh. Các chuyên gia phân tích chỉ ra rằng, ngoài thương mại, quy mô thị trường chứng khoán cũng là một minh chứng về tác động tiêu cực của Brexit với kinh tế Anh. Tuần qua, số liệu mới của Bloomberg cho thấy thị trường chứng khoán Paris đã vượt xa tổng giá trị của thị trường chứng khoán London-từ 2.823 tỷ USD so với 2.821 tỷ USD. Ở thời điểm năm 2016, các cổ phiếu niêm yết ở London có tổng giá trị cao hơn 1.500 tỷ USD so với giá trị cổ phiếu niêm yết ở Paris.

Ở thời điểm hiện tại, đồng bảng Anh cũng mất giá nhiều hơn đồng euro so với đồng USD trên thị trường tiền tệ và nhiều quan chức tài chính Anh nuối tiếc rằng, nếu không có Brexit, chính phủ sẽ có đủ năng lực tài chính để giải quyết các khó khăn hiện nay. Việc kinh tế Anh suy thoái cùng những khó khăn "hậu Brexit" nêu trên đang đặt ra những thách thức lớn đối với Thủ tướng Rishi Sunak và chính phủ của ông trong nỗ lực "giải cứu" kinh tế bằng kế hoạch ngân sách mới. Những khó khăn và mất mát kinh tế của Anh chắc chắn cũng sẽ khiến các thành viên EU khác trong tương lai phải cân nhắc kỹ lưỡng thiệt hơn khi quyết định rời khỏi "mái nhà chung" châu Âu.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày