Thứ 6, 22/11/2024, 10:11[GMT+7]

Bài toán hạ nhiệt giá khí đốt

Thứ 6, 25/11/2022 | 09:46:17
2,012 lượt xem
Mặc dù đối phó khủng hoảng nguồn cung khí đốt nghiêm trọng, song các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vẫn loay hoay trong bài toán tìm giải pháp để hạ nhiệt giá khí đốt đang tác động mạnh tới nền kinh tế khu vực. Các thành viên EU vẫn bất đồng sâu sắc về đề xuất giá trần khí đốt.

Ảnh minh họa

Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng Kadri Simson thông báo, EU đã đề xuất áp giá trần khí đốt ở mức 275 euro mỗi megawatt giờ (MWh). Cơ chế điều tiết thị trường sẽ được tự động kích hoạt khi giá khí đốt vượt quá 275 euro/MWh trong hai tuần liên tiếp, và chênh lệch giữa giá khí đốt hợp đồng tương lai tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan và giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu ở mức trên 58 euro trong 10 ngày giao dịch liên tiếp. Bà nhấn mạnh, đây là giải pháp cuối cùng để ngăn chặn tình trạng giá khí đốt tăng quá cao, không phù hợp với xu hướng tăng giá trên toàn cầu. Quan chức EU lưu ý, việc áp giá trần khí đốt này có thể không giúp hạ nhiệt giá khí đốt, nhưng bảo đảm cung cấp đủ khí đốt cho châu Âu thông qua chính sách mua chung.

Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan đã chỉ trích mức giá trần khí đốt 275 euro. Bộ Năng lượng Tây Ban Nha cho rằng, mức giá trần khí đốt mà EU đề xuất sẽ chỉ khiến giá khí đốt tăng cao hơn, cản trở những nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng lên mức cao nhất trong hàng thập kỷ.

Theo Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, mức giá trần khí đốt do EU đề xuất là quá cao. Trong khi đó, Bộ Chuyển đổi năng lượng Pháp cho rằng, mức giá đề xuất của EU là chưa đủ và không đáp ứng được thực tế trên thị trường.

Trong khi đó, các nước EU cũng chưa thể đạt được thỏa thuận về việc áp giá trần đối với dầu mỏ nhập khẩu vận chuyển qua đường biển từ Nga theo mức giá đề xuất của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Đại diện 27 nước thành viên EU đã họp tại Brussels, Bỉ để thảo luận đề xuất của G7 áp mức giá từ 65-70 USD/thùng đối với dầu mỏ nhập khẩu vận chuyển qua đường biển từ Nga. Tuy nhiên, nhiều nước EU hiện vẫn bất đồng quan điểm, cho rằng mức giá đề xuất này quá thấp hoặc quá cao.

G7 cùng với EU và Australia muốn áp giá trần đối với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga vào ngày 5/12. Tuy nhiên, việc áp giá trần ở mức nào hiện là vấn đề gây tranh cãi. Ba Lan, Litva và Estonia cho rằng, mức giá đề xuất của G7 từ 65-70 USD/thùng sẽ mang lại quá nhiều lợi nhuận cho Nga do chi phí sản xuất chỉ vào khoảng 20 USD/thùng. Ba nước này muốn giảm giá trần xuống bằng mức chi phí sản xuất.

Trong khi đó, Cộng hòa Cyprus, Hy Lạp và Malta, những nước có ngành vận tải đường biển phát triển có nguy cơ thua lỗ nếu hoạt động vận chuyển dầu xuất khẩu của Nga bị cản trở, lại cho rằng mức giá này là quá thấp và yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại kinh doanh mà những nước này phải gánh chịu. Pháp và Đức, hai quốc gia thành viên G7, đều ủng hộ áp dụng mức giá trần như đề xuất của G7 nhưng lo ngại về khả năng thực thi.

Với khoảng 70-85% khối lượng dầu mỏ xuất khẩu của Nga được vận chuyển bằng tàu chở dầu, kế hoạch áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga là nhằm ngăn chặn các công ty vận tải, công ty bảo hiểm và công ty tái bảo hiểm vận chuyển dầu mỏ của Nga trên toàn cầu, trừ khi mặt hàng này được bán với giá thấp hơn mức trần do G7 và các nước đồng minh đặt ra. Do các công ty vận tải và bảo hiểm hàng đầu thế giới đều có trụ sở ở các quốc gia thành viên G7, nên việc áp giá trần có thể khiến Nga khó có thể bán dầu mỏ với giá cao hơn.

Các đề xuất về áp giá trần khí đốt của EU được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng EU. Nếu được thông qua, EU sẽ áp mức giá trần khí đốt từ tháng 1/2023. Tuy nhiên, những bất đồng giữa các thành viên trong khối sẽ gây cản trở nỗ lực hạ nhiệt giá khí đốt cũng như việc gia tăng các biện pháp đối phó với Nga, trong bối cảnh các nước EU chịu thiệt hại nặng nề bởi phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Xứ Bạch dương.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày