Thứ 6, 22/11/2024, 13:12[GMT+7]

Đói nghèo bủa vây Mỹ Latin và Caribe

Chủ nhật, 27/11/2022 | 17:02:03
1,356 lượt xem
Liên hợp quốc và các tổ chức tài chính quốc tế đồng loạt đưa ra những dự báo u ám về triển vọng kinh tế của khu vực Mỹ Latin và Caribe. Tình trạng đói nghèo tiếp tục đeo bám “vùng trũng” về kinh tế-xã hội này.

Ảnh minh họa. (Nguồn: FAO)

Ủy ban kinh tế Mỹ Latin và Caribe của Liên hợp quốc (ECLAC) vừa đưa ra cảnh báo tình trạng nghèo cùng cực có thể ảnh hưởng đến 82 triệu người ở khu vực Mỹ Latin và Caribe trong năm nay, chủ yếu do sự phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19 và lạm phát tăng cao. Theo thống kê của ECLAC, số người rơi vào cảnh đói nghèo và nghèo cùng cực tại khu vực này tăng từ 12,9% năm 2021 lên 13,1% năm nay. Kể từ năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch bùng phát, Mỹ Latin đã ghi nhận thêm 12 triệu trường hợp rơi vào cảnh nghèo cùng cực. ECLAC cảnh báo, Mỹ Latin đang tụt hậu 25 năm trong cuộc chiến chống đói nghèo.

ECLAC nhấn mạnh những hậu quả nghiêm trọng mà đại dịch gây ra đối với lĩnh vực giáo dục ở Mỹ Latin và Caribe, với việc các trường học tại các nước trong khu vực đã phải đóng cửa trung bình 70 tuần, trong khi các nơi khác đóng cửa trung bình 41 tuần. Số thanh niên trong độ tuổi từ 18-24 thất học hoặc thất nghiệp tăng từ 22,3% năm 2019 lên 28,7% năm 2020.

Một loạt các cú sốc bên ngoài như tăng trưởng kinh tế giảm tốc, thị trường việc làm phục hồi yếu, lạm phát gia tăng… đang bủa vây Mỹ Latin và Caribe, khiến tình trạng nghèo đói càng thêm trầm trọng.

Thư ký điều hành ECLAC Manuel Salazar-Xirinachs cho rằng, không thể đảo ngược các tác động của đại dịch đối với tình trạng nghèo cùng cực. Ông chỉ ra một loạt các cú sốc bên ngoài như tăng trưởng kinh tế giảm tốc, thị trường việc làm phục hồi yếu, lạm phát gia tăng… đang bủa vây Mỹ Latin và Caribe, khiến tình trạng nghèo đói càng thêm trầm trọng. Hồi tháng 10, ECLAC dự báo mức tăng trưởng khu vực năm 2023 có thể đạt 3,2%, nhưng sau đó hạ xuống gần 1/3, chỉ còn 1,2%.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 đối với hầu hết các nền kinh tế lớn ở Mỹ Latin, đồng thời cảnh báo các quốc gia trong khu vực này sẽ mất dần đà tăng trưởng trong hai năm tới do các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt. 

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế vừa công bố, OECD ước tính tăng trưởng kinh tế của Mỹ Latin năm 2023 chỉ loanh quanh ở mức 0,5% đến 2,6%, giảm mạnh so mức tăng trưởng trung bình 3,8% dự kiến cho năm nay. 

Các chuyên gia của OECD đánh giá các lĩnh vực kinh tế chủ chốt tại Mỹ Latin hoạt động hiệu quả vượt dự kiến trong năm 2022, nhất là các ngành thực phẩm và năng lượng, vốn được hưởng lợi từ việc giá cả tăng cao trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này sẽ yếu đi trong các năm 2023 và 2024, trong bối cảnh hầu hết chính phủ các nước rút lại các khoản viện trợ tài chính và giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới giảm sút. Các nền kinh tế Brazil, Mexico, Argentina và Colombia sẽ tăng trưởng thấp hơn mức trung bình của thế giới những năm tới. 

Dự báo của OECD đối với Chile là bi quan nhất thông qua nhận định nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ này sẽ rơi vào suy thoái ngay trong năm 2023, với mức tăng trưởng âm 0,5%.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, hoạt động kinh tế tại khu vực Mỹ Latin sẽ suy giảm trong giai đoạn từ cuối năm nay đến hết năm 2023, chủ yếu do chính sách thắt chặt tiền tệ và tài chính quốc tế. Các chuyên gia của IMF ước tính, GDP của Mỹ Latin sẽ tăng 3,5% năm nay và giảm xuống mức 1,7% năm tới.

Dự báo của IMF cũng gần giống ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), trong đó cho rằng nền kinh tế của khu vực Mỹ Latin sẽ tăng trưởng 3% năm 2022 và giảm xuống 1,6% năm 2023. IMF lý giải rằng, các nền kinh tế Mỹ Latin chịu tác động không nhỏ từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine, lãi suất quốc tế tăng cao và nguy cơ suy thoái toàn cầu. Ngoài lạm phát, giá nguyên liệu thô giảm mạnh và bất ổn xã hội cũng là những rủi ro đối với các quốc gia trong khu vực này.

Giới chuyên gia kinh tế kêu gọi các nước trong khu vực Mỹ Latin và Caribe hợp tác chặt chẽ hơn nữa và nỗ lực gấp nhiều lần để đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng, qua đó giảm số người nghèo đói và thúc đẩy an sinh xã hội.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày