Thứ 6, 22/11/2024, 18:29[GMT+7]

Kỳ vọng của EU về giá trần khí đốt

Thứ 4, 21/12/2022 | 08:40:16
1,905 lượt xem
Sau nhiều nỗ lực đàm phán, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất được mức giá trần khí đốt. Dù nhận được cảnh báo về rủi ro đối với ổn định tài chính, nhiều nước thành viên Liên minh Cờ xanh vẫn kỳ vọng giá trần là công cụ hiệu quả để đối phó cuộc khủng hoảng năng lượng.

Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin (Đức) ngày 30/8/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Cộng hòa Séc, nước chủ tịch luân phiên EU cho biết, các Bộ trưởng Năng lượng EU đã thống nhất được mức giá trần khí đốt là 180euro/MWh. Cụ thể, từ ngày 15/2/2023, quy định về mức trần sẽ được các nước EU kích hoạt trong trường hợp giá khí đốt trên sàn TTF của Hà Lan, vốn được xem là tiêu chuẩn của châu Âu, vượt mức 180 euro/MWh trong ba ngày liên tiếp. 

Những người đứng đầu ngành năng lượng một số nước thành viên EU lập tức ca ngợi thỏa thuận mới nhất. Bộ trưởng Công nghiệp Séc cho rằng, các thành viên của khối đã đạt đồng thuận quan trọng để bảo vệ người dân trước tác động của giá năng lượng tăng vọt. Bộ trưởng Năng lượng Bỉ nhấn mạnh, áp giá trần là cách thức giúp EU có được khí đốt ở mức giá phải chăng. Bộ trưởng Năng lượng Italia gọi việc đặt ra mức trần giá khí đốt là thắng lợi với EU trong nỗ lực bảo đảm an ninh năng lượng. 

Trước khi đạt đồng thuận về mức trần cho giá khí đốt, các nước thành viên EU đã trải qua nhiều cuộc đàm phán kéo dài và căng thẳng. Giá trần mà Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất ban đầu là 275 euro/MWh và chỉ được kích hoạt khi giá khí đốt vượt giới hạn này liên tục trong vòng ít nhất hai tuần. Pháp, Ba Lan và Tây Ban Nha cho rằng việc áp giá trần sẽ không bao giờ có thể được kích hoạt với các điều khoản do EC đưa ra. Một số thành viên khác lại coi mức giá trần này là quá cứng nhắc và là mối đe dọa với nguồn cung, khiến hoạt động giao hàng có thể bị chuyển hướng từ châu Âu sang các thị trường sinh lời hơn.

Các nguồn tin cho biết, trong cuộc đàm phán ngày 19/12, Hungary vẫn phản đối động thái áp giá trần khí đốt và tuyên bố nước này sẽ không thông báo hay tham vấn EC nếu muốn điều chỉnh hợp đồng mua khí đốt dài hạn của Nga. Hà Lan và Áo bày tỏ lo ngại việc áp giá trần có thể phá vỡ thị trường năng lượng và làm tổn hại an ninh năng lượng của châu Âu. Ðức tán thành áp giá trần khí đốt, song yêu cầu các nước đẩy nhanh việc cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo.

Phản ứng trước động thái mới của EU, người phát ngôn Ðiện Kremlin tuyên bố việc áp giá trần khí đốt là không thể chấp nhận được, bởi hành động này vi phạm quy luật thị trường quyết định giá cả. Cùng với tuyên bố của Ðiện Kremlin, tập đoàn khí đốt Nga Gazprom cũng có hàng loạt động thái mở rộng thị trường xuất khẩu. Gazprom thông báo về các cuộc thảo luận việc xuất khẩu khí đốt sang Ấn Ðộ, thị trường với 1,38 tỷ dân. Nga cũng vừa ký thỏa thuận với Pakistan, trong đó có dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt trị giá 2 tỷ USD.

Trong khi đó, hãng tin Bloomberg nhận định, nỗ lực giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga đã khiến châu Âu thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD, do phải tìm nguồn cung khí đốt khác với giá cao hơn, trong khi giá điện tăng tác động trực tiếp tới các công ty và người tiêu dùng châu Âu. Bloomberg dự báo, căng thẳng về nguồn cung khí đốt với châu Âu có thể kéo dài ít nhất đến năm 2026 và nếu giá khí đốt tự nhiên vượt ngưỡng 210euro/MWh, EU sẽ đối mặt suy thoái kinh tế nghiêm trọng.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã phát đi cảnh báo về khả năng các công ty sẽ tìm cách "né" quy định về giá trần khí đốt và những rủi ro tài chính các nước EU có thể gặp phải. Trấn an lo ngại của dư luận, Ủy viên năng lượng châu Âu Kadri Simson tuyên bố, EC sẵn sàng đình chỉ việc áp giá trần khí đốt nếu có phân tích chỉ ra sự bất hợp lý. Nhằm giảm tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng, bên cạnh việc áp giá trần, các thành viên EU cũng tích cực thúc đẩy các thỏa thuận mua chung khí đốt và tiến trình cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày