Thứ 6, 22/11/2024, 13:00[GMT+7]

Hành động thực chất vì khí hậu

Thứ 5, 02/02/2023 | 10:07:47
1,830 lượt xem
Cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tập trung vào hành động cụ thể, thay vì chỉ đưa ra tầm nhìn. Giữa lúc nhu cầu tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng, việc đạt mục tiêu giảm khí thải là nhiệm vụ cấp bách của các quốc gia.

Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Trong chuyến thăm Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nước chủ nhà Hội nghị COP28 dự kiến diễn ra vào tháng 11/2023, cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nêu rõ: Nhiều quốc gia, cá nhân đã đưa ra các tầm nhìn; chúng ta không cần thêm tầm nhìn mà cần một COP với giải pháp và hành động. Hồi tháng 11/2022, Hội nghị COP27 tại Ai Cập khép lại với một bước tiến đáng kể, khi các nước đạt được thỏa thuận về quỹ đền bù cho những tổn thất liên quan biến đổi khí hậu mà các nước đang phát triển phải gánh chịu. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn cho rằng, COP27 chưa đạt nhiều tiến triển về giảm khí thải từ nhiên liệu hóa thạch làm trái đất ấm lên.

Giảm phát thải cũng chính là mục tiêu mà COP28 tập trung hướng tới. Ông Sultan Al Jaber, đặc phái viên về khí hậu của UAE, Chủ tịch COP28 nhận định: Thế giới dường như vẫn chưa tìm đúng lộ trình để thực hiện các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Theo ông Jaber, để có thể kiềm chế mức nhiệt tăng ở 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này, khí thải toàn cầu phải giảm 43% vào năm 2030. Ông Jaber cũng lưu ý rằng, thế giới hiện có khoảng 8 tỷ người và dự kiến tăng lên 9,7 tỷ người vào năm 2050. Mức năng lượng sẽ phải tăng 30% so với mức hiện tại. Ðây cũng chính là hồi chuông cảnh báo các quốc gia phải tập trung vào mục tiêu giảm phát thải; ngành năng lượng cần nhanh chóng phi carbon hóa, giảm khí methane và tăng cường khí hydro.

Để có thể kiềm chế mức nhiệt tăng ở 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này, khí thải toàn cầu phải giảm 43% vào năm 2030. Thế giới hiện có khoảng 8 tỷ người và dự kiến tăng lên 9,7 tỷ người vào năm 2050. Mức năng lượng sẽ phải tăng 30% so với mức hiện tại.
(Ông Sultan Al Jaber, đặc phái viên về khí hậu của UAE, Chủ tịch COP28)

Việc sử dụng trở lại nhiên liệu hóa thạch đã phủ bóng đen lên các mục tiêu khí hậu. Chẳng hạn, Ðức đã không đạt được mục tiêu giảm khí thải CO2 trong năm 2022 do tình hình xung đột tại Ukraine khiến Ðức buộc phải quay lại sử dụng nhiều than và dầu hơn. Tổ chức tư vấn năng lượng Agora Energiewende cho biết, trong năm 2022, nền kinh tế Ðức đã phát thải 761 triệu tấn khí nhà kính, chỉ ít hơn 1 tấn so với năm trước đó và vượt mục tiêu đề ra là 756 triệu tấn.

Mặc dù vậy, Thủ tướng Ðức Olaf Scholz vẫn nhiều lần nhấn mạnh rằng, sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một biện pháp tạm thời để đối phó cuộc khủng hoảng năng lượng và nước Ðức vẫn đang trên đà hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2045.Ðức cam kết đầu tư khoảng 400 tỷ euro để mở rộng phát triển năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2030.

Còn tại Mỹ, tổ chức nghiên cứu Rhodium cho biết, lượng khí thải CO2 của Mỹ năm 2022 tăng 1,3% so với năm 2021, khiến Mỹ khó đáp ứng cam kết toàn cầu giảm 50%-52% khí thải CO2 vào năm 2030.

Năm 2022, thế giới đối mặt với hàng loạt thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu gây ra, từ những đợt sóng nhiệt kỷ lục đến các trận siêu bão. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2022 cao hơn khoảng 1,15oC so với thời kỳ tiền công nghiệp; và tám năm qua là khoảng thời gian ghi nhận nhiệt độ trên toàn cầu ở mức cao kỷ lục do nồng độ khí gây hiệu ứng nhà kính tăng cao. Cũng theo WMO, thế giới đã tiến gần đến mức giới hạn tăng nhiệt là 1,5 oC trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thông báo sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khí hậu vào tháng 9/2023 và khẳng định, hội nghị tới sẽ không có chỗ cho sự thụt lùi, đổ lỗi hoặc các cam kết cũ. Sau những lời cam kết, các quốc gia cần bắt tay vào hành động giảm phát thải một cách nghiêm túc, quyết liệt và có trách nhiệm nhằm ứng phó với tình trạng khẩn cấp của cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2022 cao hơn khoảng 1,15oC so với thời kỳ tiền công nghiệp; và tám năm qua là khoảng thời gian ghi nhận nhiệt độ trên toàn cầu ở mức cao kỷ lục do nồng độ khí gây hiệu ứng nhà kính tăng cao.


Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày