Thứ 7, 23/11/2024, 05:45[GMT+7]

Cuộc đua năng lượng sạch

Chủ nhật, 05/02/2023 | 11:23:08
2,999 lượt xem
Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất cho phép tăng trợ cấp nhà nước dành cho các doanh nghiệp trong Liên minh châu Âu (EU) để có thể cạnh tranh công bằng với Mỹ trong cuộc đua trở thành trung tâm sản xuất xe điện và các sản phẩm xanh. Ðây là một phần trong nỗ lực của EU đối phó với chương trình trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng. Tuy nhiên, lo ngại về cuộc đua EU-Mỹ trong vấn đề trợ giá đang gia tăng.

Ảnh minh họa: Một công nhân tại dây chuyền lắp ráp của Volkswagen, Đức, ngày 27/4/2020. (Nguồn: Reuters)

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã công bố một phần kế hoạch, đề cập việc tái phân bổ các quỹ hiện có của EU, tăng tốc cấp phép các dự án xanh và các cơ chế nhằm tăng cường kỹ năng, đẩy nhanh ký kết các thỏa thuận thương mại để nhanh chóng bảo đảm các nguồn cung cần thiết về nguyên liệu thô quan trọng.

Chủ tịch EC đề xuất tạm thời nới lỏng các quy định trợ cấp nhà nước với các khoản đầu tư cho năng lượng sạch và phi carbon cho đến cuối năm 2025, lưu ý cấp độ nới lỏng được điều chỉnh phù hợp với từng thành viên EU. Ðể bảo đảm sân chơi công bằng, EC cũng cho biết, các nước thành viên có thể rút một khoản tiền nhất định từ quỹ chung và chủ yếu là quỹ phục hồi sau đại dịch Covid-19.

EU cũng đang xây dựng Ðạo luật Công nghiệp cân bằng phát thải mới, như một phần trong kế hoạch mang tên Thỏa thuận xanh. Ðạo luật sẽ tập trung các khoản đầu tư vào những dự án dọc theo toàn bộ chuỗi cung ứng, như đơn giản hóa và cấp phép theo dõi nhanh cho các địa điểm sản xuất công nghệ sạch mới.

Thời gian qua, các quan chức EU thường nhắc tới Ðạo luật Giảm lạm phát của Mỹ (IRA), trong đó có khoản hỗ trợ cho ngành công nghiệp xanh trị giá gần 370 tỷ USD, cho rằng động thái này sẽ khuyến khích doanh nghiệp quay về Mỹ và đưa nền kinh tế số 1 thế giới trở thành trung tâm công nghệ xanh, dẫn tới những tổn thất cho châu Âu.

Trong khi đó, Thỏa thuận xanh trong lĩnh vực công nghiệp của EU được xây dựng nhằm biến châu Âu thành một trung tâm công nghệ sạch và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tạo lợi thế cạnh tranh hơn cho các doanh nghiệp nội khối, đồng thời ngăn chặn năng lực công nghiệp của EU chuyển sang Mỹ và các quốc gia khác.

Các khoản trợ cấp của EU nhằm cạnh tranh với Mỹ trong lĩnh vực năng lượng sạch. Thời gian qua, các quan chức EU thường nhắc tới Ðạo luật Giảm lạm phát của Mỹ (IRA), trong đó có khoản hỗ trợ cho ngành công nghiệp xanh trị giá gần 370 tỷ USD, cho rằng động thái này sẽ khuyến khích doanh nghiệp quay về Mỹ và đưa nền kinh tế số 1 thế giới trở thành trung tâm công nghệ xanh, dẫn tới những tổn thất cho châu Âu.

Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), thị trường năng lượng sạch sản xuất hàng loạt của thế giới sẽ tăng gấp ba, lên mức khoảng 650 tỷ USD vào năm 2030, số lượng việc làm trong lĩnh vực sản xuất sẽ tăng hơn gấp đôi.

Trước tình hình mới, lãnh đạo EC nhiều lần nhấn mạnh rằng, các nền kinh tế lớn trên thế giới đều đang tăng cường đầu tư cho nền công nghiệp trung hòa khí thải, cho rằng đây là cách làm đúng và điều mà EU mong muốn là có một sân chơi công bằng trên phạm vi toàn cầu. Nền kinh tế trung hòa khí thải là nền kinh tế tương lai và châu Âu mong muốn trở thành một phần quan trọng trong ngành công nghiệp này. Tháng 12/2022, EU cho biết sẽ điều chỉnh quy định về các biện pháp hỗ trợ của chính phủ để ngăn chặn tác động từ IRA của Mỹ.

EC hy vọng kế hoạch trên sẽ nhận được sự ủng hộ từ các nước thành viên trong Hội nghị cấp cao EU diễn ra trong hai ngày 9 và 10/2 tới, nhưng cũng dự tính tiến trình thảo luận không dễ dàng. Bộ trưởng Kinh tế Ðức Robert Habeck hoan nghênh những đề xuất của EC, song không ít thành viên EU khác từng bày tỏ phản đối một số phần của kế hoạch, đặc biệt là việc nới lỏng các quy định trợ cấp nhà nước.

Kế hoạch trên cũng đã bước đầu vấp phải một số phản ứng tiêu cực từ đảng trung hữu Nhân dân châu Âu hay Hiệp hội năng lượng mặt trời châu Âu. Trước đó, bảy thành viên EU thuộc khu vực Bắc và Ðông Âu đã cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc chạy đua với Mỹ về vấn đề trợ giá. Các Bộ trưởng Tài chính của Estonia, Phần Lan, Áo, Ireland, CH Séc, Ðan Mạch và Slovakia nhấn mạnh, các khoản hỗ trợ tài chính lớn cho các công ty có thể dẫn đến một cuộc chạy đua trợ cấp nguy hiểm.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày