Thứ 6, 19/04/2024, 08:37[GMT+7]

Áp lực với thị trường dầu mỏ

Thứ 2, 06/02/2023 | 14:42:06
1,849 lượt xem
Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu cấm nhập khẩu các nhiên liệu tinh chế của Nga cùng thời điểm Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), EU và Australia công bố áp giá trần với các sản phẩm này. Nhằm hạn chế nguồn thu của Moskva, song các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lại gây lo ngại có thể tác động tiêu cực tới thị trường dầu mỏ trên thế giới.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)

Sau khi lệnh cấm các hoạt động vận chuyển dầu mỏ của Nga bằng đường biển có hiệu lực từ tháng 12/2022, các nước EU, G7 và Australia đã đạt thỏa thuận về mức giá trần áp dụng đối với các sản phẩm dầu của Nga kể từ ngày 5/2. Ðây là các nỗ lực tiếp theo của EU và các đối tác nhằm gây sức ép lên Nga liên quan cuộc xung đột tại Ukraine.

Biện pháp mới được áp dụng với các tàu của EU chở các sản phẩm dầu mỏ có nguồn gốc từ Nga, các công ty hỗ trợ kỹ thuật, tài chính hoặc môi giới, như các công ty bảo hiểm cho các hãng vận chuyển dầu mỏ tinh chế của Nga. Mức phạt do vi phạm có thể lên đến 5% doanh thu của công ty trên toàn cầu.

Là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Saudi Arabia, Nga chiếm tỷ lệ quan trọng về nguồn cung góp phần ổn định thị trường dầu mỏ thế giới. Vào tháng 1/2022, tổng sản lượng dầu của Nga là 11,3 triệu thùng/ngày, trong đó 10 triệu thùng/ngày là dầu thô, khí ngưng tụ 960 kb/ngày và NGL 340 kb/ngày. Ðể so sánh, tổng sản lượng dầu của Mỹ là 17,6 triệu thùng/ngày trong khi của Saudi Arabia là 12 triệu thùng/ngày. Bởi thế, các biện pháp trừng phạt của phương Tây áp đặt với Nga gây lo ngại có thể làm thiếu hụt nguồn cung năng lượng trong tương lai.

Nga là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Saudi Arabia. Vào tháng 1/2022, tổng sản lượng dầu của Nga là 11,3 triệu thùng/ngày, trong đó 10 triệu thùng/ngày là dầu thô, khí ngưng tụ 960 kb/ngày và NGL 340 kb/ngày. Tổng sản lượng dầu của Mỹ là 17,6 triệu thùng/ngày trong khi của Saudi Arabia là 12 triệu thùng/ngày.


Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cảnh báo, tất cả những cái gọi là biện pháp trừng phạt, cấm vận, cắt giảm đầu tư sẽ hợp thành hậu quả duy nhất, đó là thiếu nguồn cung tất cả các loại năng lượng vào thời điểm thế giới rất cần năng lượng.

Lệnh cấm của EU gây lo ngại có thể sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng, làm rối loạn thị trường dầu mỏ. Trong tuần qua, người mua đã gấp rút đổ dầu diesel của Nga đầy các bể chứa ở châu Âu, với lượng mua vào trong tháng 2 này ước tính đạt mức cao nhất trong một năm. Theo hãng phân tích dầu mỏ Vortexa, tính từ đầu năm 2023, nhập khẩu dầu diesel của châu Âu đạt trung bình 700.000 thùng mỗi ngày, mức cao nhất kể từ tháng 3/2021, do các thương nhân đổ xô mua vào trước lệnh cấm.

Giới phân tích cũng đánh giá lệnh cấm mới của EU cùng với biện pháp áp giá trần của phương Tây có thể dẫn tới tình trạng tái phân bổ nguồn cung dầu tinh chế. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), vào nửa cuối năm 2023, công suất lọc dầu sẽ tăng đáng kể khi các nhà máy mới ở Trung Ðông đi vào hoạt động, quá trình tái phân bổ nguồn cung sẽ diễn ra trên toàn thế giới.

Ðiện Kremlin cảnh báo, các thị trường năng lượng toàn cầu sẽ bấp bênh hơn khi EU cấm các sản phẩm dầu mỏ của Nga, nhưng Moskva đang thực hiện các biện pháp để bảo vệ lợi ích đất nước trước những nguy cơ liên quan. Giới phân tích cho rằng, Moskva có thể điều hướng dầu tinh chế xuất khẩu bằng đường biển tới Trung Quốc, Ấn Ðộ, Trung Ðông và châu Phi.

Một số ý kiến cho rằng, khi lệnh cấm mới của EU được áp dụng, giá xăng và đặc biệt là giá dầu diesel sẽ vẫn duy trì ở mức cao, nhất là nếu biện pháp cấm được đi kèm với mức giá trần 100 USD/thùng với dầu diesel.

Một số ý kiến cho rằng, khi lệnh cấm mới của EU được áp dụng, giá xăng và đặc biệt là giá dầu diesel sẽ vẫn duy trì ở mức cao, nhất là nếu biện pháp cấm được đi kèm với mức giá trần 100 USD/thùng với dầu diesel. Nguồn cung dầu diesel từ Mỹ và Trung Ðông có thể bù đắp nhưng tình trạng thiếu hụt vẫn sẽ diễn ra trong ngắn hạn.

Biện pháp mới của EU sẽ gây một số gián đoạn, đặc biệt là ngay sau khi lệnh cấm được triển khai, nhưng các thị trường EU vẫn đang tiếp tục tìm kiếm nguồn cung thay thế dẫn tới áp lực giá các sản phẩm từ dầu tăng. Ngoài ra, vận chuyển là vấn đề gây lo ngại lớn khi lệnh cấm mới dẫn tới những thách thức về dịch vụ hậu cần, kho bãi, làm tăng chi phí.

Giới phân tích cho rằng, tác động từ các lệnh cấm của phương Tây đối với dầu mỏ của Nga có nguy cơ gây ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu. Các biện pháp này có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng, gây áp lực lên thị trường dầu mỏ, tạo nguy cơ suy thoái cho nền kinh tế thế giới.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày