Thứ 3, 19/03/2024, 12:29[GMT+7]

Đức bù đắp nhân lực lao động

Chủ nhật, 02/04/2023 | 09:46:47
2,492 lượt xem
Đức vừa công bố dự thảo luật cải cách về nhập cư, với nhiều quy định sửa đổi được đánh giá là chưa từng có. Việc thúc đẩy soạn thảo dự luật này của Chính phủ Đức là một trong những nỗ lực đối phó tình trạng thiếu hụt lao động ngày càng nghiêm trọng tại nền kinh tế đầu tàu châu Âu.

Một nhân viên đặt các bưu kiện lên băng chuyền tại trung tâm bưu kiện mới của DHL/Deutsche Post ở Bochum, Đức, ngày 18/11/2019. (Ảnh: REUTERS)

Bộ trưởng Lao động Liên bang Đức Hubertus Heil, trong tuyên bố sau khi công bố dự luật nêu trên, nhấn mạnh bảo đảm nguồn cung lao động lành nghề là một trong những nhiệm vụ kinh tế lớn nhất của Đức những thập kỷ tới. 

Theo người đứng đầu Bộ Lao động, với số việc làm tuyển dụng năm 2022 cao kỷ lục gần 2 triệu người, một trong những cải cách là ban hành luật nhập cư mới nhằm giải quyết những rào cản lớn đối với người di cư đến Đức, đặc biệt là những người đến từ các nước bên ngoài Liên minh châu Âu (EU). 

Việc Chính phủ Đức soạn thảo dự luật cải cách về nhập cư là nhằm thu hút 400.000 lao động nước ngoài có tay nghề cao mỗi năm để tái cân bằng cơ cấu dân số vốn đang già đi và giải quyết tình trạng thiếu lao động trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng.

Dự luật dự kiến giúp số lượng người lao động từ các quốc gia bên ngoài mái nhà chung EU tăng thêm 60.000 người mỗi năm.

Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner hào hứng cho rằng, bất cứ ai có thể đóng góp vào phát triển kinh tế Đức với tư cách công nhân lành nghề đều được trải thảm chào đón. Dự luật dự kiến giúp số lượng người lao động từ các quốc gia bên ngoài mái nhà chung EU tăng thêm 60.000 người mỗi năm. Dự luật hạ bớt những quy định khắt khe trước đây như cho phép người nước ngoài đăng ký quốc tịch sau 5 năm cư trú tại Đức thay vì 8 năm như hiện nay. 

Những người có nỗ lực đặc biệt để hòa nhập xã hội, chẳng hạn như thông thạo tiếng Đức, sẽ đủ điều kiện nộp đơn sau 3 năm. Dự luật cũng bãi bỏ quy định cấm mang hai quốc tịch đối với những người đến từ các quốc gia ngoài EU, nghĩa là những người nhập cư sẽ không còn phải từ bỏ quốc tịch gốc của họ - điều kiện vốn là một “lằn ranh đỏ” đối với nhiều người xin nhập tịch.

Dân số Đức tăng lên 84,3 triệu người năm 2022, chủ yếu do số người nhập cư tăng kỷ lục, nhưng vẫn đang phải đương đầu với cuộc khủng hoảng nhân lực khi những người lớn tuổi dần rút khỏi lực lượng lao động. Một cuộc khảo sát hồi tháng 1 cho thấy, hơn một nửa số công ty Đức đang phải chật vật để tìm nhân viên do thiếu lao động có trình độ. 

Trong khi đó, số người nhập tịch của Đức đang thấp hơn các quốc gia châu Âu khác, với tỷ lệ được cấp quốc tịch là 1,3/1.000 người năm 2020 so mức trung bình 1,6/1.000 người trên toàn EU. Ước tính có khoảng 10 triệu người, chiếm 12% dân số, đang sinh sống không quốc tịch ở Đức, khiến họ không được hưởng các quyền cơ bản như bỏ phiếu hay được bổ nhiệm vị trí cao tại cơ quan nhà nước. 

Theo Trung tâm Năng lực bảo đảm nguồn cung lao động có tay nghề (KOFA), tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao ở Đức trong quý I/2023 đã tăng lên mức kỷ lục.


Đức hiện có khoảng 100.000 đơn xin nhập quốc tịch đang chờ xử lý, trong đó có những đơn nộp từ nhiều năm trước, riêng thủ đô Berlin có khoảng 26.000 đơn xin nhập tịch. Theo Trung tâm Năng lực bảo đảm nguồn cung lao động có tay nghề (KOFA), tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao ở Đức trong quý I/2023 đã tăng lên mức kỷ lục. 

Chỉ trong tháng 3, số việc làm không tuyển dụng được là 558.000 vị trí, trong khi số lao động có tay nghề không thể tuyển dụng cũng tăng lên 88.000. Theo nghiên cứu của KOFA, tình trạng thiếu hụt công nhân lành nghề đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, dịch vụ xã hội và giáo dục. 

Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) công bố kết quả khảo sát cho thấy, căng thẳng quan hệ thương mại quốc tế và sự gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục gây áp lực đối với Đức, nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Theo KfW, thiếu lao động lành nghề sẽ trầm trọng hơn do tình trạng dân số già.

Phó Giám đốc Viện Chính sách di cư của Đức Natalia Banulescu-Bogdan nêu rõ, giống như nhiều quốc gia khác, Đức đang phải đối mặt áp lực nhân khẩu học nghiêm trọng và sự thiếu hụt lao động có tay nghề cao trở thành một thách thức ngày càng lớn đối với tương lai nền kinh tế đầu tàu EU.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày