Chủ nhật, 24/11/2024, 16:08[GMT+7]

Tìm giải pháp toàn diện cho Yemen

Thứ 2, 10/04/2023 | 10:12:32
875 lượt xem
Lực lượng Houthi ở Yemen đã đồng ý khôi phục và kéo dài thêm 6 tháng thực hiện lệnh ngừng bắn do Liên hợp quốc làm trung gian. Ðây là kết quả tích cực, song để có được một thỏa thuận hòa bình toàn diện, các bên vẫn cần nhiều nỗ lực, nhằm chấm dứt xung đột ở đất nước đang chìm trong khủng hoảng nhân đạo.

Lực lượng an ninh Yemen gác tại hiện trường vụ đánh bom xe ở Aden, Yemen, ngày 10/10/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các quan chức của Chính phủ Yemen được quốc tế công nhận cho biết, ngoài thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi tù binh, lực lượng Houthi cũng đồng ý đàm phán trực tiếp với Chính phủ Yemen với sự bảo trợ của Liên hợp quốc trong vòng 6 tháng tới và thảo luận về tiến trình chuyển tiếp kéo dài 2 năm. Houthi đồng ý ngừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ ở các khu vực do Chính phủ Yemen kiểm soát, mở tất cả các đường cao tốc ở các tỉnh và chấm dứt cuộc bao vây thành phố Taiz.

Hồi cuối tháng 3 vừa qua, lực lượng Houthi và Chính phủ Yemen đã đạt được một thỏa thuận, theo đó đồng ý trao đổi tổng cộng 887 người bị bắt giữ liên quan xung đột. Phái đoàn Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế tại Yemen nhận định, thỏa thuận là bước tiến quan trọng giúp chấm dứt khổ đau của nhiều gia đình bị ly tán, cũng như giúp xây dựng lòng tin, mở ra hy vọng có thêm nhiều hoạt động trao đổi tù nhân hơn giữa các bên.

Các nhà nghiên cứu về Yemen nhận định, sự thay đổi lập trường của Houthi một phần xuất phát từ những động thái hòa giải gần đây giữa Saudi Arabia và Iran, hai quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và ủng hộ các lực lượng đối địch ở Yemen. Ðất nước Yemen chìm trong bất ổn từ năm 2014 khi lực lượng Houthi chiếm giữ thủ đô Sanaa và phần lớn khu vực miền bắc. Năm 2015, liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã can thiệp với mục tiêu khôi phục quyền lực của Chính phủ được quốc tế công nhận ở Yemen.

Nhân kỷ niệm một năm thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực và giúp giảm đáng kể leo thang bạo lực ở Yemen, Ðặc phái viên của Liên hợp quốc về Yemen, ông Hans Grundberg kêu gọi các bên tích cực tiến hành các bước hướng tới hòa bình lâu dài. Theo ông Grundberg, hết hạn vào tháng 10/2022 và mới được Houthi đồng ý nối lại, song xét về tổng thể thỏa thuận ngừng bắn vẫn được các bên tôn trọng. Nỗ lực ngoại giao tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 9 năm qua ở quốc gia Trung Ðông này.

Tuy nhiên, Liên hợp quốc vẫn cảnh báo về "những rủi ro đáng kể". Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 4/4 lên án mạnh mẽ các hành động bạo lực leo thang gần đây ở Yemen, bao gồm cả vụ tấn công nhằm vào các quan chức cấp cao của Chính phủ Yemen ở tỉnh Taiz, đồng thời kêu gọi các bên ngừng khiêu khích và ưu tiên bảo đảm an toàn cho người dân. Hôm 25/3, Bộ trưởng Quốc phòng và một số quan chức trong Chính phủ Yemen đã thoát nạn trong vụ tấn công bất ngờ bằng máy bay không người lái được cho là do lực lượng Houthi thực hiện ở tỉnh Taiz, miền tây nam Yemen.

Xung đột đã cướp đi mạng sống của hàng trăm nghìn người, đẩy Yemen - quốc gia nghèo nhất trên Bán đảo Arab - rơi vào một trong những thảm họa nhân đạo nghiêm trọng nhất trên thế giới. Yemen còn là một trong những nước hứng chịu hậu quả nặng nề từ tác động của biến đổi khí hậu. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), hơn 540.000 trẻ em dưới 5 tuổi tại Yemen bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng. Cứ 10 phút trôi qua, lại có 1 trẻ ở Yemen tử vong do những nguyên nhân có thể phòng ngừa được. Hơn 60% dân số Yemen đang cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp.

Ðặc phái viên của Liên hợp quốc Hans Grundberg nhấn mạnh, trong thời điểm quan trọng hiện nay bất kỳ thỏa thuận tạm thời hoặc một sự dàn xếp mới nào cũng cần bao gồm các cam kết rõ ràng từ các bên, nhằm bảo đảm rằng đó là một bước thực chất trong tiến trình hướng tới giải pháp hòa bình và chính trị toàn diện. Liên hợp quốc nhấn mạnh, giờ là lúc để đối thoại, thỏa hiệp và thể hiện ý chí nghiêm túc để đạt được hòa bình thật sự tại Yemen.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày