Thứ 6, 22/11/2024, 12:53[GMT+7]

Chương mới trong quan hệ Iran-Saudi Arabia

Thứ 6, 09/06/2023 | 16:47:32
1,204 lượt xem
Ngày 6/6, Iran chính thức mở lại Đại sứ quán tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia sau bảy năm đóng cửa. Phát biểu tại lễ thượng cờ Cộng hòa Hồi giáo Iran trong khuôn viên Đại sứ quán ở Riyadh, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Alireza Bikdeli nhấn mạnh, mối quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia bước sang chương hợp tác mới.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran (phải) phát biểu tại lễ mở lại Đại sứ quán Iran ở thủ đô Riyadh, Saudi Arabia ngày 6/6/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)

Quan hệ ngoại giao giữa Iran và Saudi Arabia từng "đóng băng" năm 2016, sau vụ người biểu tình Iran tấn công trụ sở các phái đoàn ngoại giao Saudi Arabia, nhằm phản đối việc Riyadh tử hình một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite.

Quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia căng thẳng trong thời gian dài khi hai nước ủng hộ các phe đối địch trong một số cuộc xung đột ở khu vực. Iran ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar Assad ở Syria, trong khi Saudi Arabia đứng về lực lượng nổi dậy. Saudi Arabia ủng hộ chính phủ được quốc tế công nhận tại Yemen, còn Iran hậu thuẫn lực lượng Houthi.

Tại Liban, Riyadh đứng về phía các chính trị gia theo dòng Hồi giáo Sunni, trong khi Tehran ủng hộ lực lượng Hezbollah của người Shiite.

Dù tồn tại nhiều khác biệt, song có không ít yếu tố thúc đẩy Iran và Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ như nhu cầu tăng cường hợp tác kinh tế, mong muốn giảm căng thẳng trong khu vực, hay lo ngại về mối đe dọa ngày càng tăng từ tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

Việc Iran mở lại Đại sứ quán tại Riyadh được xem là một bước quan trọng trong nỗ lực không ngừng của cả Iran và Saudi Arabia trong những năm gần đây nhằm bình thường hóa quan hệ. Thỏa thuận khôi phục quan hệ ngoại giao Iran-Saudi Arabia đạt được hôm 10/3 sau cuộc đàm phán tại Trung Quốc. Trước đó, cả hai bên đã tham gia các cuộc đàm phán do Iraq và Oman làm trung gian trong nhiều năm.

Mở cửa trở lại các đại sứ quán thường là bước cần thiết đầu tiên trong tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa các quốc gia. Điều này giúp nối lại liên lạc trực tiếp, mở đường cho các chuyến bay, thúc đẩy các cuộc đàm phán tiếp theo về hợp tác thương mại, an ninh và hợp tác khu vực.

Các phương tiện truyền thông nhà nước của Iran cho biết, Tehran đã bổ nhiệm ông Alireza Enayati, một nhà ngoại giao kỳ cựu nhiều kinh nghiệm về các vấn đề vùng Vịnh làm Đại sứ mới tại Saudi Arabia. Ông Enayati từng là Đại sứ của Tehran tại Kuwait từ năm 2014 đến năm 2019.

Việc mở lại các đại sứ quán cũng là một bước đi tích cực cho toàn khu vực, giúp giảm căng thẳng và thúc đẩy sự ổn định trong khu vực vốn hứng chịu nhiều hậu quả của xung đột trong suốt nhiều năm qua. Đại sứ quán Iran mở cửa trở lại tại Riyadh cùng ngày Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken (A.Blinh-ken) đến Saudi Arabia cũng để thúc đẩy làm dịu các mối quan hệ căng thẳng tại khu vực.

Bầu không khí tích cực từ "chương mới" trong quan hệ hợp tác giữa Riyadh và Tehran thúc đẩy các cuộc thảo luận nối lại quan hệ giữa Ai Cập và Iran. Trong chuyến thăm của Quốc vương Oman tới Iran cuối tháng 5 vừa qua, lãnh đạo tối cao của Iran đã khẳng định hoan nghênh việc nối lại các quan hệ ngoại giao với Ai Cập.

Cộng đồng quốc tế kỳ vọng, thỏa thuận đạt được giữa Saudi Arabia và Iran sẽ là một phần trong tiến trình tái định hình các mối quan hệ trong khu vực, nhất là quyết định của Riyadh khôi phục quan hệ với chính quyền Tổng thống Bashar Assad ở Syria và các bước tiến nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài tại Yemen.

Thứ trưởng Ngoại giao Iran Alireza Bikdeli nhấn mạnh thông điệp ngoại giao là phương tiện tốt nhất để liên lạc và đối thoại giữa các quốc gia nhằm đạt được sự hiểu biết chung, ổn định và hòa bình. Quan chức Iran khẳng định rằng, Iran luôn sẵn sàng tăng cường quan hệ với các nước láng giềng và việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư sẽ đưa các quốc gia lại gần nhau hơn.

Tuy nhiên, việc mở lại các đại sứ quán không đồng nghĩa việc tất cả các vấn đề giữa Iran và Saudi Arabia đã được giải quyết. Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia là một bước tích cực, nhưng mới chỉ là bước khởi đầu của một tiến trình mới. Sẽ cần thời gian và nỗ lực để hai nước vượt qua khác biệt và tăng cường lòng tin.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày