Hạ nhiệt khủng hoảng ở Yemen
Liên tiếp các ngày 17, 19 và 20/6, ba chuyến bay chở gần 900 hành khách cất cánh từ sân bay quốc tế Sana’a của Yemen tới điểm đến Saudi Arabia. Đây là những chuyến bay thương mại đầu tiên, ngoài một số chuyến bay chở hàng viện trợ nhân đạo, giữa Yemen và Saudi Arabia được thực hiện trong bảy năm qua đưa hành khách, chủ yếu là người hành hương Hajj, đến thánh địa Mecca linh thiêng của người Hồi giáo ở Saudi Arabia.
Hoạt động hàng không tưởng như rất bình thường này là dấu hiệu khả quan cho thấy cuộc xung đột dai dẳng nhiều năm tại Yemen đang giảm nhiệt.
Quốc gia Trung Đông chìm sâu vào xung đột khi nhóm vũ trang Houthi giành quyền kiểm soát thủ đô Sana’a và một số thành phố phía bắc hồi năm 2014. Cuộc xung đột đã đẩy quốc gia nghèo nhất thế giới Arab vào một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.
Trong bối cảnh cuộc hành hương Hajj linh thiêng sắp diễn ra tại thánh địa Mecca, hàng nghìn tín đồ Hồi giáo từ các khu vực do lực lượng Houthi kiểm soát đã di chuyển bằng xe buýt đến Saudi Arabia, hoặc đến thành phố Aden do Chính phủ Yemen kiểm soát, để bay sang quốc gia láng giềng.
Người phụ trách các lễ hội Hajj và Umrah của lực lượng Houthi, Najeeb Al-Aji cho biết động thái trên được xem là một cử chỉ thiện chí, nhằm tạo điều kiện cho các sân bay có thể mở cửa trở lại và phục vụ các hành khách người Yemen kể từ năm 2016, khi sân bay quốc tế Sana’a bị liên quân Arab do Saudi Arabia dẫn đầu phong tỏa nhằm chống lại nhóm vũ trang Houthi đang giành quyền kiểm soát thủ đô Sana’a. Lực lượng Houthi thông báo cần tổ chức 200 chuyến bay chặng Yemen- Saudi Arabia để phục vụ 24.000 người có nhu cầu di chuyển.
Giao tranh ở Yemen đã giảm mạnh sau khi thỏa thuận ngừng bắn do Liên hợp quốc làm trung gian có hiệu lực tháng 4/2022 và các hành động thù địch được kiềm chế kể cả khi lệnh ngừng bắn hết hiệu lực tháng 10/2022. Trong các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn có việc nối lại các chuyến bay quốc tế từ thủ đô Sana’a.
Cuối tuần qua, Chính phủ Yemen và lực lượng Houthi tiến hành đàm phán dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc về vấn đề trao đổi hàng nghìn tù nhân đang bị hai bên giam giữ, với kết quả được hai bên đánh giá là tích cực.
Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Yemen, ông Hans Grundberg hoan nghênh kết quả cuộc đàm phán. Theo ông, hai bên nhất trí duy trì các cuộc tham vấn về những đề xuất và sáng kiến đã thảo luận, nhằm đạt đồng thuận về bản đề xuất chi tiết bao gồm các ưu tiên và cơ chế thực hiện. Tại vòng đàm phán đầu tiên ở Thụy Sĩ hồi tháng 3, hai bên đồng ý trả tự do cho 900 tù nhân.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Yemen, ông Rashad Al-Alimi kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy các nỗ lực chung nhằm gây sức ép buộc lực lượng Houthi ngừng tấn công các cơ sở dầu mỏ.
Ông Al-Alimi nêu rõ các hành động của lực lượng Houthi, như tấn công các cơ sở dầu mỏ, cấm hàng hóa được vận chuyển từ khu vực do chính phủ kiểm soát vào các vùng do Houthi chiếm giữ, có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo và cản trở chính phủ chi trả tiền lương cho các nhân viên khu vực công. Chính phủ Yemen đang cân nhắc khả năng ngừng các chuyến bay thương mại từ sân bay Sana’a và hạn chế tàu thuyền ra vào cảng Hodeidah nếu lực lượng Houthi tiếp tục tấn công các cơ sở dầu mỏ cũng như cấm vận chuyển hàng hóa và khí đốt từ khu vực do chính phủ kiểm soát.
Chính phủ Yemen coi các hành động của Houthi là cuộc chiến kinh tế nhằm bòn rút tiền của chính phủ, buộc chính phủ chia sẻ nguồn thu dầu mỏ với lực lượng này, cũng như trả lương cho nhân viên trong các vùng do Houthi kiểm soát.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Yemen Ahmed bin Ahmed Ghaleb cho biết, Chính phủ Yemen đã thất thu 1 tỷ USD từ hành động của Houthi cấm xuất khẩu dầu, hơn 2,8 tỷ USD từ nguồn thu thuế và hải quan kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực tháng 4/2022 do các doanh nghiệp từ bỏ các cảng của chính phủ để chuyển sang sử dụng các cảng do Houthi kiểm soát.
Nỗ lực của các bên liên quan và cộng đồng quốc tế đã được chứng minh bằng những tín hiệu tích cực ở Yemen. Tuy nhiên, Đặc phái viên Hans Grundberg vẫn thận trọng cho rằng, chặng đường tiến tới hòa bình và ổn định lâu dài tại quốc gia Trung Đông này vẫn còn dài và gian nan.
Theo Nhân Dân
Tin cùng chuyên mục
- Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ 20.07.2022 | 11:00 AM
- 10 năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn còn 11.03.2021 | 09:43 AM
- Bạo loạn tại nhà Quốc hội - Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh và vị thế nước Mỹ 10.01.2021 | 14:37 PM
- 4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ 03.11.2020 | 15:02 PM
- Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ 12.06.2020 | 08:49 AM
- Người Mỹ trong vòng xoáy của “cơn bão kép” 03.06.2020 | 09:29 AM
- Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc 04.04.2020 | 09:51 AM
- Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu 11.03.2020 | 17:27 PM
- Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 31.01.2020 | 13:59 PM
- Nhìn lại thế giới 2019: Các xu hướng chiến lược ở châu Phi 24.12.2019 | 15:59 PM
Xem tin theo ngày
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh
- Nhân lên truyền thống “tôn sư, trọng đạo”
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ làm công tác mặt trận nhân ngày truyền thống MTTQ Việt Nam