Thứ 6, 22/11/2024, 10:09[GMT+7]

Triển vọng “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ

Thứ 4, 02/08/2023 | 10:32:14
1,731 lượt xem
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa quyết định tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm qua. Tuy nhiên, bất chấp những lo ngại việc tăng lãi suất liên tục có thể kéo lùi đà tăng trưởng, nền kinh tế Mỹ vẫn vững vàng vượt qua nhiều nguy cơ. Mặc dù còn đối mặt thách thức, song triển vọng “hạ cánh mềm” của nền kinh tế hàng đầu thế giới đang trở nên rõ nét hơn.

Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tháng 6 vừa qua, FED quyết định tạm thời đóng băng lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ, sau 10 lần tăng lãi suất liên tiếp kể từ tháng 3/2022. Tuy nhiên, tại cuộc họp kéo dài hai ngày mới đây, ngân hàng trung ương này tiếp tục thông báo tăng thêm 0,25 điểm phần trăm, đưa lãi suất cho vay lên mức cao nhất trong hơn hai thập niên.

Đáng chú ý, mặc dù áp lực lạm phát đã hạ nhiệt, song chu kỳ tăng lãi suất hiện chưa có dấu hiệu đảo chiều. Chủ tịch FED Jerome Powel không loại trừ khả năng tiến hành một đợt tăng nữa tại cuộc họp vào tháng 9 tới. Nhấn mạnh sẽ không có bất kỳ sự nới lỏng chính sách tiền tệ nào trong ngắn hạn, ông Powel khẳng định kịch bản hạ lãi suất sẽ không xảy ra trong năm nay.

Giới chuyên gia cho rằng, việc FED tiếp tục kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ là hoàn toàn có cơ sở. Nhiều nhà kinh tế từng cảnh báo về khả năng xảy ra suy thoái khi FED nâng lãi suất nhanh chóng để hãm phanh đà tăng của lạm phát. Tuy nhiên, thời gian qua, nền kinh tế Mỹ đã chứng tỏ khả năng phục hồi tốt hơn dự báo và ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực.

Mặc dù áp lực lạm phát đã hạ nhiệt, song chu kỳ tăng lãi suất hiện chưa có dấu hiệu đảo chiều.

Theo số liệu Bộ Thương mại Mỹ mới công bố, so mức cùng kỳ năm 2022, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng 2,4% trong quý II, vượt mức tăng 2% trong quý I cũng như dự báo 1,8% được đưa ra trước đó. Ngoài thị trường nhà đất và lĩnh vực sản xuất, phần lớn nền kinh tế Mỹ đang vượt qua những thách thức do cú sốc lãi suất cao gây ra.

Thị trường lao động là một trong những điểm sáng của nền kinh tế Mỹ với tốc độ tăng trưởng việc làm cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục, chạm mốc 3,6% trong tháng 6 vừa qua. Theo Bộ Lao động Mỹ, bất chấp đợt sa thải ồ ạt nhân công trong lĩnh vực công nghệ và tài chính vào đầu năm 2023, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp vẫn ở mức thấp. Các số liệu kinh tế khả quan nêu trên làm tăng thêm triển vọng nền kinh tế Mỹ giảm lạm phát mà vẫn tránh được nguy cơ suy thoái.

Với những tín hiệu tích cực nêu trên, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ đánh giá, nền kinh tế nước này hội tụ đủ sức mạnh để tránh được nguy cơ rơi vào suy thoái. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng cho rằng, nền kinh tế Mỹ đang đi đúng hướng trong cuộc chiến chống lạm phát, đồng thời loại trừ khả năng xảy ra suy thoái.

Theo đó, GDP của Mỹ dự kiến tăng trưởng 0,4% trong nửa cuối năm nay, trước khi đều đặn đi lên trong giai đoạn 2024-2025. Chỉ số giá tiêu dùng quý IV năm nay ước tăng 3,3% so mức cùng kỳ năm 2022, trong khi tình trạng lạm phát có triển vọng tiếp tục hạ nhiệt từ nay đến năm 2025. Ngoài ra, thị trường lao động khá bền vững và ngành dịch vụ phục hồi cũng là nền tảng quan trọng để nền kinh tế tiếp tục mở rộng.

Trên cơ sở đó, ngày càng có nhiều chuyên gia rút lại dự báo về kịch bản suy giảm. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Kinh doanh quốc gia, tỷ lệ các nhà kinh tế cho rằng nền kinh tế Xứ cờ hoa có thể suy thoái trong 12 tháng tới là 50% hoặc thấp hơn.

Bên cạnh những triển vọng, kinh tế Mỹ vẫn đối mặt nhiều nguy cơ. Chủ tịch FED thừa nhận, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song chặng đường đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% vẫn còn xa và có thể kéo theo tổn thất cho nền kinh tế.

Trong khi đó, chuyên gia thuộc BMO Capital Markets, ông Doug Porter đánh giá, lạm phát toàn phần đã giảm nhưng lạm phát lõi (không bao gồm những thay đổi về giá lương thực và năng lượng) vẫn cao. Ngoài ra, chi phí đi vay cao, các khoản tiết kiệm được tích lũy trong thời đại dịch cạn kiệt, lỗ hổng nợ doanh nghiệp chưa được giải quyết cũng có thể triệt tiêu động lực tăng trưởng của nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Trong nửa cuối năm 2023, vẫn còn nhiều yếu tố không chắc chắn và khó lường có thể cản bước tăng trưởng kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, những nỗ lực trong thời gian qua của FED và Chính phủ Mỹ đã mang đến kết quả tích cực khi duy trì được đà tăng trưởng, lạm phát giảm, tỷ lệ thất nghiệp thấp, đồng thời mở ra cơ hội “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày